Cân đối thời gian khi làm bài
Cô Vũ Dương Lan cho rằng, khi làm bài thi, học sinh cần hết sức lưu ý đến việc cân đối thời gian hợp lí cho từng phần.
Cụ thể, phần Đọc hiểu, thí sinh nên thực hiện trong khoảng thời gian 20 đến 30 phút.
Phần viết bài văn nghị luận xã hội, thí sinh cũng nên dành khoảng thời gian 20 đến 30 phút cho nội dung này.
Dài nhất là phần viết bài văn nghị luận văn học, thí sinh nên thực hiện trong khoảng thời gian 60 đến 80 phút.
Bên cạnh yếu tố thời gian, học sinh lưu ý trả lời các câu hỏi phần Đọc hiểu ngắn gọn, rõ ràng, tránh viết dài dòng.
Đối với việc viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh phải thể hiện được quan điểm cá nhân đối với luận điểm được bàn bạc; tránh lối viết chung chung.
Đối với bài viết nghị luận văn học, học sinh cần xác định đúng luận đề; nắm chắc bố cục bài văn; kết hợp các thao tác nghị luận cơ bản.
4 lưu ý trong hoạt động dạy học
Với hoạt động dạy học môn Ngữ văn, từ thực tiễn, kinh nghiệm dạy học, cô Vũ Dương Lan đưa ra 4 lưu ý như sau:L
Thứ nhất: Cần tích cực củng cố kiến thức cơ bản phần tiếng Việt, làm văn.
Thứ 2: Tăng cường kiểm tra các kĩ năng và việc vận dụng các kỹ năng: Kỹ năng đọc hiểu; kỹ năng tạo lập văn bản; kỹ năng cảm thụ văn học …
Thứ 3: Chú ý phân loại học sinh để hoạt động dạy học đạt hiệu quả.
Thứ 4. Chú trọng phát huy năng lực của học sinh.
Lưu ý trong hoạt động ôn tập đối với học sinh 12
Riêng với hoạt động ôn tập cho học sinh lớp 12, cô Vũ Dương Lan nhấn mạnh việc ôn tập kiến thức cơ bản của phân môn Tiếng Việt, Làm văn để thực hiện phần Đọc hiểu. Cụ thể, hệ thống các dạng câu hỏi đọc hiểu, cách trình bày từng dạng.
Bên cạnh đó, cần ôn tập kỹ năng làm văn nghị luận xã hội. Ở nội dung này, giáo viên cần yêu cầu học sinh phân biệt được đoạn văn với bài văn.
Theo cô Vũ Dương Lan, hiện nay, đề thi THPT quốc gia yêu cầu thí sinh viết đoạn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ. Vì vậy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh những nội dung sau: Xác định rõ luận điểm, luận cứ; nắm vững cấu trúc đoạn văn; dung lượng văn bản.
Với việc ôn tập các văn bản phần Đọc văn để viết bài nghị luận văn học, cô Vũ Dương Lan cho rằng, cần hệ thống lại kiến thức cơ bản của các văn bản đã học theo chương trình.
Cùng với đó, khái quát kiến thức theo các chủ đề, đề tài. Hệ thống các nhân vật trong tác phầm tự sự; cảm hứng trong tác phẩm trữ tình. Kiểm tra việc vận dụng kiến thức, kỹ năng qua các bài viết với dung lượng và thời gian như nhau.