Giúp học sinh "đầu vào" thấp vượt vũ môn

GD&TĐ - Các thầy cô bên cạnh việc giảng dạy còn phải là những người cha, người mẹ thực sự, quan tâm, giúp đỡ các em trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống.

Thầy Nguyễn Duy Bỉnh nhận hoa chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thầy Nguyễn Duy Bỉnh nhận hoa chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Với cương vị đứng đầu các đơn vị trường học có đầu vào của học sinh thấp, thầy Nguyễn Duy Bỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang (Ba Vì Hà Nội) và cô Phạm Thị Thu - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phúc Thọ (Hà Nội) luôn trăn trở tìm các biện pháp để học sinh học tốt hơn, đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT cao hơn. 

Phụ đạo miễn phí

Trong những ngày tháng 4, học sinh Trường THPT Minh Quang đang tăng tốc ôn tập để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Tất cả thầy trò cùng nỗ lực ở mức cao nhất bởi thời gian gián đoạn học tập quá dài. Không chỉ lên kế hoạch, định hướng ôn tập cho học sinh, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Bỉnh còn trực tiếp đứng lớp để ôn luyện cho học trò.

Nhiều năm học qua, để nâng cao chất lượng học sinh yếu kém, thầy Bỉnh đã tổ chức các buổi học phụ đạo miễn phí cho các em bị mất nền tảng từ lớp dưới. Học theo thầy, nhiều thầy cô cũng tự nguyện dạy học tại nhà cho học trò gia đình nghèo, học lực yếu. Bên cạnh đó, thầy Bỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề, câu hỏi để ôn thi tốt nghiệp. Các lớp ôn thi tốt nghiệp và phụ đạo cho học sinh yếu kém được thầy cô dạy và đồng hành đến trước ngày thi.

Kể về đồng nghiệp, cô Trịnh Thị Ngần - Trường THPT Minh Quang - cho biết: Là người đứng đầu đơn vị, thầy Bỉnh luôn chủ động đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng chuyên môn, cải tiến cách quản lý để bám sát thực tiễn thường xuyên. Công tác giám sát, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, kịp thời điều chỉnh các kế hoạch phù hợp với tình hình, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19.

Sau 7 năm thành lập, đến nay, Trường THPT Minh Quang trở thành một địa chỉ tin cậy. Với tâm huyết của mình, thầy Nguyễn Duy Bỉnh đã truyền cảm hứng, ngọn lửa nhiệt huyết và tinh thần cống hiến tới toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường; xây dựng tập thể, cán bộ giáo viên là một khối đoàn kết, thống nhất.

Tuy đầu vào của học sinh luôn nằm trong tốp cuối của thành phố (90% học sinh có điểm thi vào lớp 10 các môn Toán, Tiếng Anh có điểm dưới trung bình) nhưng sau 3 năm học tại trường, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn đạt 100% với các môn Toán, Tiếng Anh luôn đạt trên trung bình. Gần 90% học sinh còn lại đủ điểm sàn các tổ hợp xét tuyển vào đại học.

Chị Nguyễn Phương Thảo - phụ huynh học sinh - cho biết: Gia đình rất yên tâm khi con được học tập trong môi trường giáo dục với những thầy cô tâm huyết. Nhờ sự dìu dắt của các thầy cô, học sinh ở xã miền núi Minh Quang gồm nhiều hộ dân khó khăn, đồng bào dân tộc đã vươn lên trong học tập và đạt được thành tích đáng tự hào. Đó là thành quả từ sự nỗ lực rất lớn của thầy và trò Trường THPT Minh Quang.

Cô Phạm Thị Thu (bên phải) trao tặng thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Phúc Thọ.
Cô Phạm Thị Thu (bên phải) trao tặng thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Phúc Thọ.

Đổi mới phương pháp

Với vai trò cán bộ quản lý, cô Phạm Thị Thu - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng trăn trở để biến những học sinh có điểm đầu vào thấp, thậm chí nhiều em còn không muốn đến trường trở thành những học sinh ngoan, có đủ kiến thức, đạt kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cô Thu cho biết: Đầu vào thấp, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có em không muốn tiếp tục học tập. Bởi vậy, các thầy cô bên cạnh việc giảng dạy còn phải là những người cha, người mẹ thực sự, quan tâm, giúp đỡ các em trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống.

Thời gian học tập gián đoạn vì dịch Covid-19, các thầy cô luôn theo sát học sinh, giúp các em tập trung học tập. Thầy cô tổ chức nhiều chuyên đề học tập, gỡ khó cho học sinh những kiến thức chưa hiểu trong quá trình học trực tuyến. Đồng thời, tổ chức phân luồng, hướng nghiệp, giúp các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thu, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trung tâm những năm gần đây đều đạt con số ấn tượng: Năm học 2019 - 2020 đạt 98%, năm học 2020 - 2021 đạt 99,02%. Ngoài ra, giáo viên của trung tâm còn đạt nhiều giải tại cuộc thi giáo viên dạy giỏi, không ít học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố.

Bên cạnh vai trò quản lý, cô Thu còn là một giáo viên Ngữ văn có chuyên môn tốt, luôn đổi mới phương pháp dạy học. Trong giảng dạy, cô thường xuyên áp dụng, đưa ra nhiều cách học mới giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn. Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, cô đã trực tiếp đứng lớp để giảng bài, giúp các em vững tin trước kỳ thi quan trọng.

Cô Thu còn có những sáng kiến đổi mới, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và giảng dạy tại đơn vị, được hội đồng khoa học đánh giá cao, đồng nghiệp, học sinh đồng tình, được phổ biến rộng rãi trong ngành học. Có thể kể đến Sáng kiến tập trung vào đổi mới phương pháp quản lý và dạy học, chú ý đến xây dựng hệ thống câu hỏi, xây dựng tình huống học tập trung tâm và các biện pháp khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh được đồng nghiệp đánh giá cao khi áp dụng vào thực tế.

Những giờ học của cô Thu đã giúp em có thêm nhiều kiến thức cần thiết. Trong thời gian học trực tuyến, các thầy cô cũng giúp đỡ học sinh rất nhiều để tiếp thu kiến thức, hiểu bài, làm bài tập nhiều hơn, sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. - Nguyễn Thị Vân (học sinh lớp 12 - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phúc Thọ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.