Đèn dầu trong ký ức văn hóa Việt

GD&TĐ - Đèn dầu được coi là hiện vật quá khứ – xuyên suốt trong nhiều thế kỷ và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt và văn hóa của người Việt.

Không gian trưng bày đèn dầu tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên).
Không gian trưng bày đèn dầu tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên).

“Sống đèn dầu, chết kèn trống”, thế nhưng đèn dầu có từ bao giờ? Câu hỏi không dễ trả lời ấy sẽ được soi rọi trong suốt tháng 11/2021 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên) thông qua triển lãm “Kỷ vật, kí ức thời gian - Đèn dầu và con chữ”.

Đèn dầu thắp sáng văn hóa

Triển lãm kéo dài trên 30 ngày nhưng có thể khái quát thời gian từ khởi thủy khi con người phát hiện ra lửa. Nhưng trên hết, chiếc đèn dầu đối với người Việt Nam là một món quà từ quá khứ, không chỉ là công cụ soi sáng, mà còn là phương tiện văn hóa gắn liền với con chữ và việc học tập của các nho sinh.

Với trên 100 hiện vật thể khối và tài liệu khoa học được giới thiệu trong trưng bày. Đây là dịp để công chúng hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống và văn hóa của các thế hệ đi trước, về những câu chuyện đèn dầu gắn với tuổi thơ của mỗi cá nhân trong các gia đình Việt. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, vun đắp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Theo thông tin từ triển lãm “Kỷ vật, kí ức thời gian - Đèn dầu và con chữ”, thời nguyên thủy, con người tìm thấy lửa, ánh sáng đã trở thành nguồn năng lượng sống vô tận cho con người. Ban đầu là những đống củi, bó đuốc làm đèn, giúp con người vượt qua đêm đen. Về sau, người ta biết lấy nhựa cây, dầu trẩu tẩm vào sợi bông để khêu đèn thắp sáng.

Thời kỳ phong kiến Việt Nam, chỉ có nam sinh mới được học chữ. Họ khêu đèn, mài mực, viết chữ trên mai rùa, thẻ tre. Ngọn đèn cùng với sự hiếu học, giúp các sĩ tử lều chõng ghi danh bảng vàng. Ngọn đèn đi cùng với các chí sĩ yêu nước, viết những bản anh hùng ca bất hủ, động viên quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược nhà Tống trên sông Như Nguyệt (năm 1077). Rồi bài “Hịch tướng sĩ” khích lệ binh tướng nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông.

Đến đầu thế kỷ 20, đèn dầu xuất hiện thay thế cho các loại đèn cầy, đèn bằng nhựa cây và nến. Những năm 80, 90 đèn dầu phổ biến không chỉ sử dụng thắp sáng, mà còn trở thành một vật dụng thiết yếu. Trong bóng tối, chiếc đèn dầu chiếu sáng giúp trẻ em học bài, người lớn xay thóc, giã gạo, dệt vải.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cây đèn dầu sử dụng làm ám hiệu bí mật. Đèn dầu song hành “tham gia” lớp Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Đèn dầu gắn với mỗi đứa trẻ khi sinh ra, rụng rốn, cuống rốn khô được buộc lên ngọn đèn dầu với mong ước lớn lên thông minh, học giỏi, sáng láng như ánh đèn.

Ngoài giá trị hiện thực, đèn dầu còn mang đậm yếu tố tâm linh, dùng để thắp sáng trên bàn thờ tổ tiên. Người Việt có câu: “Sống đèn dầu, chết kèn trống”, để thấy sự gắn bó của cây đèn dầu với cuộc sống con người.

Chiếc đèn cổ hình con ếch có từ thời nhà Trần trưng bày tại Tòa Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh.

Chiếc đèn cổ hình con ếch có từ thời nhà Trần trưng bày tại Tòa Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh.

Kỷ vật từ quá khứ

“Dù không đa dạng màu sắc và bắt mắt như các loại đèn có xuất xứ từ nước ngoài, nhưng đèn Việt có hoa văn truyền thống độc đáo, thú vị và mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Ngày nay, đèn dầu ít dùng, nhưng ánh đèn dầu luôn là hoài niệm đẹp trong lòng mọi người về ký ức xưa mộc mạc”. Nhà sưu tập Hoàng Mộng Linh

Trước khi cây đèn dầu (đèn Hoa Kỳ) có mặt ở nước ta, thì người Việt vẫn có thói quen dùng dầu lạc hay nến để thắp sáng thay vì dùng dầu hỏa.

Đèn dầu bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỉ 19. Hãng Shell - một hãng buôn bán dầu hỏa có tiếng của Mỹ đã chọn Việt Nam làm thị trường buôn bán chủ yếu. Để tiếp thị, bên cạnh giảm giá thì các nhân viên của hãng Shell đưa ra quyết định khuyến mại: “Bất cứ người Việt nào chọn mua dầu hỏa của hãng, đều được tặng kèm một chiếc đèn”.

Loại đèn do hãng Shell tặng có xuất xứ từ Mỹ nên người Việt thường gọi đèn dầu là đèn Hoa Kỳ. Phải mất một thời gian dài, đèn dầu Hoa Kỳ mới có thể thay thế những đĩa đèn dầu lạc và những ngọn nến.

Thời hiện đại, khi ánh điện thay thế thì đèn dầu trở thành một kỷ vật quá khứ. Nhiều người hoài niệm đã cất công tìm kiếm những cây đèn cũ và sưu tập thành những bộ sưu tập cổ vật rất có giá trị về lĩnh vực văn hóa – lịch sử.

Tại Nhà truyền thống Tổng giáo phận TPHCM, gần 700 chiếc đèn từ đất nung, đồng, gốm, gỗ, thủy tinh… mang đậm dấu ấn Việt, được xây dựng thành bộ sưu tập qua các thời kỳ lịch sử. Đèn thời nhà Lý, nhà Trần chất liệu chủ yếu là gốm, đồng... Đặc biệt, nơi đây còn những hiện vật đất nung và đồng đã tồn tại từ thời Đông Sơn (khoảng thế kỷ 5 trước Công nguyên).

Trong bộ cổ vật đèn dầu cá nhân, công chúng biết đến tên tuổi các nhà sưu tập như Nguyễn Quang Trung (Nghệ An), Trần Thanh Tùng (Hà Nội), Cao Thanh Tuấn (Cần Thơ), Hoàng Mộng Linh (Bình Thuận)…

Qua các bộ sưu tập quý giá này, giới nghiên cứu nhận thấy sức sáng tạo và sự khéo tay của người Việt xưa. “Đèn dầu được người Việt dùng cấu tạo một bầu đựng dầu, một sợi bấc thường được dệt bằng bông, đoạn dưới nhúng trong dầu để hút lên trên”, nhà sưu tập Trần Thanh Tùng cho hay.

Xã hội ngày càng hiện đại, chiếc đèn dầu không còn nhiều công dụng như xưa mà chủ yếu để thế hệ nay hiểu về nét văn hóa, trình độ kỹ thuật chế tác của con người qua các thời kỳ. Đèn dầu - với những người sưu tập, còn là nơi lưu giữ một phần ký ức thời gian khó mà cha ông ta đã trải qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.