Theo đó, qua đề thi minh họa môn Giáo dục công dân của Bộ GD&ĐT, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi xây dựng các câu hỏi tình huống có liên quan đến vi pham hành chính, dân sự, hình sự hoặc sở hữu trí tuệ, quy định của địa phương.
Môn Toán, giáo viên chưa có kinh nghiệm xây dựng câu hỏi ứng dụng liên môn, đo các năng lực riêng biệt của toán học (ước lượng, nhìn hình vẽ, thiết bị thực tiễn trong đời sống có liên quan đến toán học...).
Để xây dựng học liệu dùng chung cho trường, tỉnh, TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng, các tổ chuyên môn, giáo viên cần tập trung điều chỉnh kế hoạch dạy học, tăng cường tổ chức hoạt động học cho học sinh theo hướng tổ chức tình huống để giải quyết vấn đề thực tiễn, rèn kỹ năng đọc hiểu, phân tích, loại suy... để thực hiện tốt yêu cầu của câu hỏi kiểm tra và mục tiêu bài học.
Tổ chức các hoạt động trải nghiệm để tăng cường hoạt động nhận thức, tạo sự hứng thú cho học sinh tự học, tự giải quyết vấn đề, điểu chỉnh những hạn chế trong lĩnh hội kiến thức, rèn kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay, atlat, giải quyết nhanh câu hỏi trắc nghiệm khách quan, đáp ứng thời gian làm bài, quen dần với sự chuyển đổi từ làm bài tự luận sang trắc nghiệm.
Đồng thời, tăng cường tự học, tự bồi dưỡng, tham khảo các nguồn tài liệu khác để xây dựng tài liệu dạy học, tài liệu hướng dẫn tự học cho học sinh.
Cần xây dựng tài liệu ôn thi THPT quốc gia 2017 chất lượng
Nhiều địa phương đã và đang triển khai xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm theo đề thi minh họa THPT quốc gia 2017 để phục vụ công tác dạy học, ôn tập. Đây cũng là nhiệm vụ được Sở GD&ĐT Bến Tre triển khai nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi 2017.
Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, TS Nguyễn Văn Huấn cho biết: Nhằm tăng cường tổ chức các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, đáp ứng yêu cầu đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia, năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường, tập trung trao đổi kinh nghiệm dạy học, rèn kỹ năng tự học, kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn, liên môn cho học sinh; xây dựng câu hỏi nhận thức đa dạng, phù hợp với năng lực và cách tổ chức hoạt động học cho học sinh;
Các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, ghi nhận những khó khăn của học sinh khi tham gia hoạt động học. Từ đó, điều chỉnh kế hoạch dạy học, phù hợp với năng lực thực tiễn của học sinh, nâng dần chất lượng học tập.
Đồng thời, tăng cường trao đổi, thảo luận sâu về cách đo năng lực học sinh theo từng môn, làm cơ sở xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm khách quan phục vụ cho hoạt động dạy học, ôn tập và kiểm tra đánh giá.
Các trường cũng đã lập kế hoạch xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm khách quan dùng chung trong nhà trường, phân công giáo viên biên soạn các câu hỏi theo từng bài, đa dạng hình thức vận dụng liên môn, thực tiễn; xây dựng ma trận đề kiểm tra, đề kiểm tra; tổ chức phản biện trong tổ, gửi về tài khoản trên trường học kết nối.
“Về phía Sở GD&ĐT, chúng tôi tổ chức hoạt động phản biện, trao đổi với chuyên gia bộ câu hỏi của các đơn vị, hoàn thiện kỹ thuật và nội dung của từng câu hỏi, biên tập theo từng chương, từng mức độ nhận thức, làm tài liệu dùng chung cho toàn tỉnh” – TS Nguyễn Văn Huấn chia sẻ.