Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.
Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Linh hoạt bố trí giáo viên

Theo thầy Trịnh Đức Đô, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng), thời gian đầu triển khai dạy học các môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên ở THCS có nhiều khó khăn; trong đó khó khăn lớn nhất là đội ngũ.

“Năm 2023-2024, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ thiếu 6 giáo viên nên đây có thể nói là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 của nhà trường. Giáo viên dạy đúng chuyên môn đã khó nay phải dạy chéo ban. Khó khăn trong xếp thời khóa biểu cũng là vấn đề đặt ra với đội ngũ quản lý trong các nhà THCS”, thầy Trịnh Đức Đô chia sẻ.

Để triển khai dạy học hiệu quả, thầy Trịnh Đức Đô cho rằng, khi chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo để dạy học môn tích hợp, các trường bố trí linh hoạt giáo viên giảng dạy theo đơn môn nhằm hướng tới hiệu quả giảng dạy cao nhất cho học trò. Việc thanh tra, kiểm tra, dự giờ chuyên môn chỉ là cơ sở tư vấn, rút kinh nghiệm chứ không phải để “vạch lá tìm sâu”, phê bình nhà trường và giáo viên.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT cần tăng cường mở lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp; việc bồi dưỡng cần được tiến hành trong hè. Tăng cường công tác truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm từ các giáo viên dạy có hiệu quả.

Về phía nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch, xây dựng chương trình nhà trường, môn học; phân công chuyên môn giáo viên dạy tích hợp sao cho đúng người đúng việc. Bộ phận chuyên môn cũng tham vấn, lắng nghe, động viên giáo viên và chủ động phân công nội dung dạy đơn môn của các môn tích hợp trong một năm học để giáo viên chủ động thực hiện.

Đối với giáo viên, cần có kế hoạch chủ động bồi dưỡng kiến thức còn thiếu về dạy học tích hợp nhằm đáp ứng vị trí việc làm.

Tổ chuyên môn thường xuyên sinh hoạt nhằm kịp thời hỗ trợ cả phương pháp lẫn nội dung dạy học tích hợp. Lý do, đa số giáo viên đào tạo đơn môn có tâm lý coi trọng chuyên môn của mình, không cởi mở và ít có thói quen hợp tác với giáo viên các môn khác.

Quan tâm bồi dưỡng giáo viên

Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) cũng lưu ý việc linh hoạt trong phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu. Tạo thuận lợi cho giáo viên trong tự bồi dưỡng, thao giảng, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, hỗ trợ nhau trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các môn, nhất là Khoa học tự nhiên.

Cùng với việc động viên, khích lệ giáo viên tích cực nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng CNTT, khai thác tài nguyên Internet như các video minh họa, hướng dẫn làm thí nghiệm thực hành..., nhà trường cũng cần tham mưu với địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, bản thân mỗi giáo viên đều đã tự ý thức được cần phải đầu tư nhiều cho chuyên môn để tự tin đứng trên bục giảng. Tuy nhiên, thầy cô cũng mong được tạo điều kiện, hỗ trợ học các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn.

Việc thường xuyên dự giờ đồng nghiệp, trao đổi kiến thức, đồng nghiệp hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau theo hướng bồi dưỡng môn không chuyên thường xuyên cũng là một giải pháp cần quan tâm.

Bên cạnh đó, thay đổi hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để giáo viên trong tổ ngồi lại thảo luận, góp ý, tìm ra những vướng mắc, khó khăn để khắc phục và nâng cao được chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.