Áp dụng phương pháp dạy học hiện đại trong môn Khoa học tự nhiên

GD&TĐ - Nhờ áp dụng phương pháp dạy học hiện đại trong môn Khoa học tự nhiên, giáo viên đã giúp học sinh tăng hứng thú và tiếp thu bài học tốt hơn. 

Tiết dạy môn Khoa học tự nhiên, học phần Sinh học của cô trò Trường THCS Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định.
Tiết dạy môn Khoa học tự nhiên, học phần Sinh học của cô trò Trường THCS Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định.

Tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Phòng GD&ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các nhà trường về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 với các khối lớp, trong đó có môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS.

Để hiện thực hóa điều này cũng như rút kinh nghiệm cho các nhà trường, Phòng GD&ĐT Hải Hậu đã tổ chức hội thảo "Chương trình GDPT 2018 bộ môn Khoa học tự nhiên lớp 8" tại Trường THCS Hải Chính - Dạy mạch kiến thức Sinh học do cô Trần Thị Quỳnh thực hiện.

Chương trình GDPT 2018 đã trao cho giáo viên cơ hội được chủ động trong việc lựa chọn, sắp xếp nội dung học tập nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh.

Do vậy, ở tiết dạy bài học “Hệ vận động ở người”, cô Trần Thị Quỳnh đã tổ chức các hoạt động của bài học theo hướng phát triển năng lực học sinh thông qua 4 hoạt động cơ bản gồm: Khởi động; hình thành kiến thức; thực hành luyện tập; vận dụng.

Cô Quỳnh áp dụng phương pháp hiện đại vào giảng dạy môn Khoa học tự nhiên.
Cô Quỳnh áp dụng phương pháp hiện đại vào giảng dạy môn Khoa học tự nhiên.

Ở phần khởi động, cô Quỳnh đã tổ chức cho học sinh ôn lại kiến thức cũ thông qua tiểu phẩm: “Bài học đáng nhớ”. Những nội dung bài học mà học sinh tìm ra qua tiểu phẩm chính là cách sơ cứu khi gặp tai nạn.

Tiết học “Hệ vận động ở người” diễn ra như thế nào? Đây là vấn đề được nêu ra trong tiết học và cô trò lớp 8A đã sôi nổi say mê khám phá. Từ bài cũ, chuyển sang bài mới thật tự nhiên và hấp dẫn.

Trong giờ học, cô Trần Thị Quỳnh đã phối hợp nhiều phương pháp dạy học tích cực như: Hỏi - đáp, làm việc nhóm, thực hành, trò chơi… sử dụng thành thạo các kĩ thuật dạy học một cách hợp lý trong từng hoạt động khiến cho tiết học trở nên vui tươi, gần gũi và dễ hiểu.

Cô Quỳnh cũng áp dụng phương pháp KWL trong tiết dạy, cô giáo để học sinh tự nêu vấn đề của mình và tìm cách giải quyết. Giáo viên yêu cầu học sinh nêu những điều đã biết về “Hệ vận động ở người” (Know) – những điều em muốn biết về “Hệ vận động ở người” (Want) – những điều em đã học được (Learned).

Các thầy cô đến từ các trường THCS trên địa bàn huyện cùng tới tham dự hội thảo.
Các thầy cô đến từ các trường THCS trên địa bàn huyện cùng tới tham dự hội thảo.

Từ những điều đã biết làm cơ sở phát hiện kiến thức mới. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin tốt trong thiết kế bài giảng điện tử của cô giáo đã giúp cho việc lĩnh hội kiến thức của học sinh được dễ dàng và hiệu quả hơn.

Học sinh học tập sôi nổi, chủ động, hoàn thành tốt mục tiêu tiết học. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các em được tìm hiểu, trao đổi và tự tin trình bày những hiểu biết của mình về kiến thức trong bài học, được học cách sơ cứu khi gặp nạn. Đồng thời củng cố năng lực giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề cho học sinh.

Tiết dạy Khoa học tự nhiên 8 dạy mạch kiến thức Sinh học được Ban Giám hiệu các trường và giáo viên đánh giá rất cao về tinh thần mạnh dạn, đổi mới sáng tạo phương pháp, hình thức tổ chức dạy học thu hút được sự chú ý, khả năng sáng tạo của học sinh, giúp học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực.

Ông Phạm Văn Phát - Tổ trưởng tổ trung học, Phòng GD&ĐT Hải Hậu đánh giá, qua chuyên đề này, các cán bộ quản lý và giáo viên rút ra được những kinh nghiệm, áp dụng việc thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018 vào bài dạy. Đồng thời đưa ra các giải pháp về tổ chức hoạt động dạy học, tích hợp các nội dung giảng dạy, sự chủ động của giáo viên trong việc chọn lựa hoạt động phù hợp với đối tượng học sinh, chú trọng việc rèn luyện năng lực, phẩm chất gắn với những tình huống của cuộc sống để bài học trở nên hấp dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ