Dạy học tích hợp: Nỗ lực từ giáo viên đơn môn

GD&TĐ - Chuyên gia nêu giải pháp trong triển khai dạy học tích hợp, đặc biệt các môn học mới ở Chương trình GDPT 2018...

Thầy trò Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Thầy trò Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Nhận diện những khó khăn, thách thức trong triển khai dạy học tích hợp, đặc biệt các môn học mới ở Chương trình GDPT 2018, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Trưởng khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đưa ra một số giải pháp khắc phục.

Khó khăn nhất là đội ngũ

- Từ thực tế, đặc biệt trong 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, theo ông, đâu là vấn đề còn hạn chế khi dạy học tích hợp?

Chương trình GDPT 2018 chỉ rõ: Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng,... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống; thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng.

- Bốn năm triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều kết quả tích cực được ghi nhận. Dạy học tích hợp trở thành trào lưu sư phạm hiện đại, xu thế của giáo dục toàn cầu; yếu tố tất yếu của mô hình giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Dạy học tích hợp đã và đang thực hiện hiệu quả ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới (Anh, Mỹ, Hàn Quốc...). Tuy nhiên, triển khai dạy học tích hợp với một số môn học mới thuộc cấp THCS ở Việt Nam như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý còn hạn chế, bất cập.

Thực tiễn triển khai dạy học các môn học mới, trong đó có Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở các trường THCS còn gặp không ít khó khăn về nguồn lực giáo viên. Lý do, dạy học môn tích hợp không dễ dàng với giáo viên vốn quen dạy môn chuyên ngành, đơn lẻ như Hoá học, Sinh học, Lịch sử… Khó khăn lớn nhất của các địa phương khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là thiếu giáo viên đứng lớp, chưa có giáo viên “tích hợp” được đào tạo chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ từ các trường sư phạm.

Ngoài ra, phân công giáo viên có chuyên môn phù hợp để dạy các môn tích hợp khá phức tạp. Nhà trường phải bố trí từ 2 đến 3 giáo viên dạy môn tích hợp và đây là tình huống chưa có tiền lệ trong dạy học trường phổ thông. Hơn nữa, để đảm bảo thời lượng dạy các mạch chủ đề chung phù hợp trong môn tích hợp, phải thay đổi thời khóa biểu nhiều lần trong kỳ/tháng. Vì thế, việc triển khai ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý; ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh.

Ngành Giáo dục đã có giải pháp cho vấn đề chưa có giáo viên tích hợp bằng việc triển khai bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thông qua Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên hoặc môn Lịch sử và Địa lý. Tuy nhiên, nhiều thầy cô tham gia chương trình bồi dưỡng thừa nhận khó có thể đảm bảo hiệu quả, chất lượng dù được bồi dưỡng để đảm nhận dạy học môn tích hợp.

Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học chưa đầy đủ để triển khai hiệu quả những môn tích hợp ở cấp THCS.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.

- Khó khăn, rào cản trong dạy học tích hợp không ít. Vậy trường sư phạm có giải pháp gì để gỡ khó cho đội ngũ?

- Như đã nói trên, giáo viên dạy môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… chưa được đào tạo để dạy tích hợp mà hầu hết chỉ đào tạo dạy đơn môn, ít thầy cô được đào tạo dạy 2 môn. Hơn nữa, giáo viên dạy đơn môn mà chỉ học khóa bồi dưỡng để đảm nhận toàn bộ mạch chủ đề chung của môn tích hợp thì khó đảm bảo chất lượng, đặc biệt với kiến thức chuyên sâu.

Việc đánh giá, thi, kiểm tra môn tích hợp cũng gặp khó khăn nhất định. Do dạy học thực hiện bởi từ 2 giáo viên trở lên nên xây dựng đề khách quan cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các giáo viên, mà việc này chưa thành thói quen đối với họ.

Theo thông tin từ các giáo viên tham dự hội nghị triển khai công tác thực tập sư phạm, chuyên ngành do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức, việc xây dựng câu hỏi/bài tập thực tiễn dùng trong kiểm tra đánh giá môn Khoa học tự nhiên còn khó khăn. Dựa trên đề xuất của một số trường phổ thông, nhằm thực thi sứ mạng, trách nhiệm cộng đồng, trường đã chủ động kết nối với các trường phổ thông để hỗ trợ cho giáo viên khắc phục khó khăn này trong ngắn hạn.

Lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan (Khoa Hóa học, Khoa Vật lý,…) thực hiện và 4 bộ tài liệu bồi dưỡng được biên soạn, nghiệm thu đưa vào sử dụng (Dạy học các chủ đề tích hợp Khoa học tự nhiên 8, 9; Hướng dẫn xây dựng và sử dụng câu hỏi/bài tập thực tiễn trong kiểm tra, đánh giá môn Khoa học tự nhiên 8, 9). Nhà trường cử giảng viên về địa phương, trường phổ thông để báo cáo chuyên đề, trực tiếp trao đổi, thảo luận cùng thầy cô giáo nhằm tháo gỡ khó khăn khi triển khai. Trong dài hạn, để khắc phục khó khăn dạy học môn tích hợp, Trường chủ động xây dựng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Lịch sử và Địa lý (bắt đầu tuyển sinh năm 2023), Khoa học tự nhiên (tuyển sinh từ năm 2024 nếu được Bộ GD&ĐT cho phép).

Theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc xây dựng kế hoạch của nhà trường, bố trí thời khóa biểu cũng gặp khó khăn, các cơ sở giáo dục thực hiện khác nhau. Vì xuất hiện tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ nên không thể bố trí dạy đúng logic môn học; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo “Sử dụng SGK mới lớp 7, lớp 10 đáp ứng Chương trình GDPT 2018 môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Sinh học”. Ảnh: NVCC

Khoa Sinh - Kỹ thuật Nông nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo “Sử dụng SGK mới lớp 7, lớp 10 đáp ứng Chương trình GDPT 2018 môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Sinh học”. Ảnh: NVCC

Giải pháp căn cơ

- Nhiều trường sư phạm đã mở ngành đào tạo giáo viên các môn học mới. Với đội ngũ giáo viên dạy học tích hợp, theo ông cần được đào tạo thế nào để đáp ứng yêu cầu chương trình mới?

- Đội ngũ giáo viên dạy học tích hợp cần được đào tạo theo chương trình Cử nhân Sư phạm Khoa học tự nhiên, Cử nhân Sư phạm Lịch sử và Địa lý,… để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Một số trường đại học đã và đang đào tạo. Trong thời gian tới sẽ có sinh viên tốt nghiệp các chương trình này để trở thành giáo viên dạy học tích hợp, các khó khăn sẽ dần được giải quyết.

- Hiện các trường vẫn thu xếp được đội ngũ để dạy học môn tích hợp, trong đó có môn Khoa học tự nhiên. Vậy sinh viên học tích hợp ra trường có tìm được việc làm? Tuyển dụng, sử dụng giáo viên dạy học tích hợp mới ra trường thế nào, theo quan điểm của ông?

- Trước mắt, theo hướng dẫn hiện hành, các môn tích hợp vẫn có thể bố trí nhiều giáo viên cùng dạy theo mạch nội dung mà giáo viên đơn môn đang dạy. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có nhân sự dạy được tất cả mạch nội dung của môn học thì tính tích hợp trong môn học mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Việc đào tạo sinh viên theo học các chương trình này cũng mất ít nhất 4 năm, trong khi tuyển dụng giáo viên là công việc hằng năm của ngành Giáo dục vì nhiều lý do khác nhau, như thầy/cô đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác,… Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện chính sách sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020, các ngành Sư phạm đều được Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội (báo cáo nhu cầu tuyển dụng giáo viên cho các năm từ các địa phương nhằm tránh việc dư thừa giáo viên).

Các địa phương cũng như nhà trường cần dành chỉ tiêu để sớm nhất có thể tuyển dụng được giáo viên tốt nghiệp đúng ngành học (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý,…) dạy môn tích hợp, bên cạnh việc tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đơn môn hiện có để thực hiện dạy học các môn tích hợp.

Cô trò Trường Tiểu học Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ảnh: ITN
Cô trò Trường Tiểu học Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ảnh: ITN

- Năm học 2024 - 2025, chương trình mới sẽ phủ hết các lớp học. Đội ngũ giáo viên đơn môn nên được đào tạo, bồi dưỡng thế nào để đáp ứng yêu cầu?

- Trước mắt, các trường THCS cần động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên đơn môn chưa được học chương trình bồi dưỡng dạy môn tích hợp theo Chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành theo học chương trình bồi dưỡng nhằm đạt được điều kiện cần.

Tuy nhiên, để đạt được điều kiện đủ, có nghĩa là có thể trở thành giáo viên dạy tích hợp và dạy được toàn bộ các mạch nội dung của môn học tích hợp thì các trường THCS cần tăng cường hoạt động “Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học”. Các hoạt động sinh hoạt này có thể tổ chức theo cụm trường hoặc theo tổ/nhóm chuyên môn.

Mục đích nhằm hỗ trợ đồng nghiệp trong phát triển chuyên môn về dạy các mạch nội dung của môn tích hợp đối với giáo viên dạy đơn môn; hướng đến giáo viên dạy đơn môn có chứng chỉ bồi dưỡng và có thể dạy được toàn bộ mạch nội dung của môn tích hợp. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn có thể kết nối với trường sư phạm để có sự hỗ trợ từ chuyên gia cho vấn đề mà giáo viên quan tâm.

Cô trò Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Vấn đề cần lưu ý

- Ông lưu ý gì với nhà trường, giáo viên để phát huy tối đa hiệu quả dạy học tích hợp?

- Với trường phổ thông cần chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên dạy học tích hợp vì phần lớn đội ngũ giảng dạy một hoặc 2 môn chủ yếu được đào tạo đơn môn. Vì thế, giáo viên phải được bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, nghiệp vụ các mạch chủ đề chung chưa được đào tạo.

Để làm tốt việc này, các trường phổ thông cần xây dựng mối quan hệ tốt với trường sư phạm trong việc thực hiện Chương trình bồi dưỡng và tăng cường đào tạo các ngành học mới để cung cấp nguồn nhân lực - giáo viên dạy môn tích hợp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng (tránh tuyển sinh ồ ạt không đảm bảo chất lượng). Nhà trường cũng cần hỗ trợ giáo viên nâng chuẩn trình độ đào tạo đáp ứng Luật Giáo dục và có sự động viên, sẻ chia với đội ngũ nhà giáo, chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên dạy học tích hợp.

Đối với giáo viên, cần có kế hoạch chủ động bồi dưỡng kiến thức còn thiếu về dạy học tích hợp nhằm đáp ứng vị trí việc làm. Tổ chuyên môn thường xuyên sinh hoạt và tổ chức chuyên môn nhằm kịp thời hỗ trợ cả phương pháp lẫn nội dung dạy học tích hợp. Lý do, đa số giáo viên đào tạo đơn môn có tâm lý coi trọng chuyên môn của mình, không cởi mở và ít có thói quen hợp tác với giáo viên các môn khác.

- Xin cảm ơn ông!

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành đồng thời là tác giả nhiều công trình khoa học, bài báo, sách tham khảo cho giáo viên phổ thông, SGK Khoa học tự nhiên 8, chủ biên SGK Công nghệ 9 - Trải nghiệm nghề nghiệp - Chế biến thực phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.