Giá mặt hàng nào cũng tăng, từ gói mì tôm, chai nước mắm, cân đường, chai dầu ăn cho đến bình gas, xăng dầu… khiến chị loay hoay co kéo. Chồng mất sớm, khoản lương chị làm cho một doanh nghiệp dệt may ở ngay trong huyện phải chi tiêu tằn tiện mới đủ cho hai mẹ con, giờ giá cả leo thang chị lại đau đầu tìm cách thắt lưng buộc bụng…
Bão Covid chưa qua, bão giá đã ập tới khiến công nhân và những lao động thu nhập thấp như chị Thùy càng thêm chật vật. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 2 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Mục tiêu giữ CPI dưới 4% trong năm nay rất khó khả thi, khi mà chiến sự tại Ukraine chưa hạ nhiệt, giá cả của thị trường hàng hóa tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu dừng. Lạm phát kỳ vọng - là mức lạm phát mà mọi người dự đoán sẽ xảy ra trong tương lai – cũng đang lớn dần lên...
Có thể, những cụm từ như “lạm phát” hay “CPI” hoàn toàn xa lạ với chị Thùy và những đồng nghiệp trên khắp mọi miền đất nước, nhưng họ đều hiểu rằng, mỗi ngày tiền đi chợ tăng lên nhưng thức ăn mua được lại ít đi…
Các doanh nghiệp – đang “thoi thóp” sau 2 năm chiến đấu với dịch Covid - tất nhiên cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của “bão giá”. Ở tâm bão, các doanh nghiệp vận tải khốn đốn vì giá xăng dầu tăng mạnh.
Các nhà thầu xây dựng lỗ càng thêm lỗ khi giá xăng dầu kéo giá thép, cát, đá xây dựng… đồng loạt tăng theo. Doanh nghiệp xuất khẩu không biết xoay xở sao khi chi phí tăng ở từng mắt xích - nguyên vật liệu, xăng dầu, chi phí logistics, lao động… Với những doanh nghiệp đã ký hợp đồng tới tháng 7, tháng 8 khó khăn càng nhân lên gấp bội.
Tác động của lạm phát đến các đối tượng là khác nhau, nhưng nhóm lao động thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Trường hợp lạm phát tăng cao và kéo dài, khả năng hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch sẽ trở nên khó khăn hơn… bởi các nhà quản lý buộc phải thi hành những chính sách vĩ mô cứng rắn.
Vào lúc này, những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tổn thương và nhóm yếu thế, cần được triển khai nhanh chóng và hiệu quả để giúp họ vượt qua cơn bão giá.
Đáng tiếc là, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua hơn 2 tháng nay trong một Kỳ họp được tổ chức bất thường nhằm đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống.
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai Chương trình và Thủ tướng có công điện giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành với yêu cầu phải hoàn thành trong quý I năm nay.
Tuy nhiên đến nay, nhiều bộ, ngành vẫn chưa ban hành văn bản chi tiết để hướng dẫn thực hiện nên nhiều chính sách hỗ trợ vẫn chưa đi vào cuộc sống. Có lẽ vì vậy, vài ngày trước, Thủ tướng Chính phủ đã lần thứ 2 ban hành công điện đôn đốc các bộ, ngành quyết liệt triển khai Chương trình.