Thay đổi thái độ của bạn về thất bại
Trẻ em học từ tấm gương của người lớn, vì vậy chúng ta cần lưu tâm đến phản ứng của chính mình trước những sai lầm và thất bại.
Các nhà nghiên cứu Carol Dweck và Kyla Haimovitz tại Đại học Stanford phát hiện ra rằng, trẻ em học được thái độ về thất bại từ cha mẹ chúng. Bằng cách quan sát cha mẹ, trẻ em phát triển một trong hai ý tưởng: Thất bại là “nâng cao” hoặc thất bại là “làm suy yếu”.
Khi bạn mắc lỗi, hãy cố gắng đáp lại bằng sự tích cực hoặc hài hước. Nói chuyện với con về những gì bạn đã học được từ những sai lầm (dù là trong quá khứ hay hiện tại), sẵn sàng đứng dậy và thử lại.
Khi con gặp khó khăn, đừng tỏ ra lo lắng vì con sẽ tiếp thu điều này. Thay vào đó, bạn nên cố gắng hết sức để thể hiện thái độ lạc quan.
Hãy coi thất bại là cơ hội để tán dương nỗ lực của con. Nếu con không thất bại thì có nghĩa là con đã không thử bất cứ điều gì mang tính thử thách.
Khi cuộc sống không như ý muốn của con hoặc con cảm thấy xấu hổ vì một lỗi lầm nào đó, bạn nên khuyến khích con viết ra những bài học mà con đã rút ra được từ trải nghiệm đó.
Kelly Holmes, tác giả cuốn sách tự đề “Happy You, Happy Family”, cũng chia sẻ một cách độc đáo giúp con gái mình học đánh vần các từ.
Khi con gái đánh vần sai một từ, Holmes mỉm cười, đập tay với con và nói: “Tiếp tục nào, con gái yêu của mẹ”. Cách tiếp cận này đã tác động tích cực đến thái độ của con gái cô về chính tả cũng như điểm kiểm tra chính tả.
Nhấn mạnh nỗ lực chứ không phải khả năng
Đừng thương hại hay an ủi trẻ “không đủ năng lực”. Thay vào đó, hãy chứng minh rằng hiệu suất không phải là về khả năng. Đó là về nỗ lực, luyện tập, chiến lược học tập, quyết tâm,...
Điều này không có nghĩa là bạn chỉ nên nói với con mình “Cố gắng hơn nữa” khi chúng gặp khó khăn (đặc biệt nếu chúng đã thực sự nỗ lực). Nhưng bạn có thể thảo luận về các chiến lược cụ thể có thể hiệu quả vào lần tới, thay vì nói điều gì đó thiên về khả năng như, “Không sao đâu nếu môn toán không phải là môn học giỏi nhất của con”.
Cho dù bạn đang giải quyết vấn đề thành công hay thất bại, hãy nhấn mạnh nỗ lực (và quá trình) hơn khả năng (và kết quả). Từ đó, con sẽ học cách nhìn thất bại dưới một góc nhìn mới.
Thể hiện tình yêu vô điều kiện
Theo giáo sư Matt Covington đến từ UC Berkeley, nỗi sợ thất bại có liên quan trực tiếp đến giá trị bản thân hoặc niềm tin rằng con người bạn có giá trị.
Trẻ em thường gắn giá trị bản thân mình với những gì cha mẹ nghĩ về chúng. Chúng có thể cảm thấy cha mẹ sẽ không yêu thương hoặc đánh giá cao mình nếu mình không duy trì điểm cao, thành tích thể thao hoặc nghệ thuật xuất sắc, hành vi hoàn hảo, v.v. Đương nhiên, niềm tin này dẫn đến nỗi sợ thất bại.
Bạn có thể nâng cao cảm giác về giá trị bản thân của con bằng cách nói rõ rằng bạn yêu con vô điều kiện, ngay cả khi con mắc lỗi hoặc đưa ra phán đoán kém.
Có thể bạn không mong đợi con mình phải hoàn hảo nhưng hãy đảm bảo rằng con cũng biết điều này. Ví dụ, tránh sửa tất cả các câu trả lời sai của con hoặc nói cho con biết chính xác những gì cần viết hoặc cách hoàn thành bài tập về nhà.
Điều này khiến con cảm thấy rằng quá trình học tập đối với bạn không quan trọng bằng kết quả học tập và điểm số của con. Con lo lắng rằng bạn sẽ thất vọng nếu con không đáp ứng được kỳ vọng cao của bạn.
Hãy cố gắng giảm bớt nỗi lo lắng này cho con. Giải thích rằng bạn sẽ luôn yêu con, tự hào về nỗ lực, sự kiên trì và không ngừng tiến bộ của con. Bạn cũng có thể bày tỏ sự tự hào về cách con phản ứng với những sai lầm và thất bại.