Giúp con vững vàng, tự tin vào lớp 1

GD&TĐ - Đối với phụ huynh, việc chuẩn bị các điều kiện và tâm thế cho con vào lớp Một khiến nhiều người áp lực và lo lắng.

Một tiết học của cô Triệu Thị Hằng và học trò. Ảnh NVCC
Một tiết học của cô Triệu Thị Hằng và học trò. Ảnh NVCC

Bởi vậy, ngay từ thời điểm này, nhiều gia đình đã đưa con đến trường tiểu học để tham quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt, vui chơi… để giúp con làm quen và sẵn sàng tâm lý bước vào môi trường mới.

Lắng nghe, cùng con vượt khó

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên (quận Hà Đông, Hà Nội) năm nay có con vào lớp 1. Bé là “con đầu cháu sớm” chuẩn bị đi học tiểu học nên chị Liên và cả gia đình khá áp lực. Học hỏi kinh nghiệm của bạn bè, để chuẩn bị tốt tâm thế cho con vào lớp 1, chị Liên đăng ký cùng con tham gia các hoạt động trải nghiệm, kiểm tra đầu vào lớp 1 ở một số trường tiểu học, giúp con quen dần với môi trường mới, bớt đi sự bỡ ngỡ, lúng túng, thụ động.

Không chỉ chuẩn bị tâm lý tốt cho con, chị Liên còn chú ý rèn các kỹ năng tự chăm sóc bản thân như ngủ dậy đúng giờ, chuẩn bị quần áo, giày dép trước khi đi học. Chị khuyến khích con tự ăn sáng, tự giác giúp đỡ bố mẹ những việc nhỏ, có ý thức kỷ luật, tuân thủ “giờ nào việc nấy”...

Chị Liên chia sẻ: “Vào lớp 1 cũng là dấu mốc đặc biệt đánh dấu sự thay đổi của con. Vợ chồng tôi dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con về những thay đổi khi vào lớp 1, hướng dẫn con khi ngồi học bài cần nghiêm túc, đúng tư thế và học cách tập trung”.

Bước vào lớp 1, học sinh chuyển từ giai đoạn vui chơi là chính sang giai đoạn học tập và ghi nhớ kiến thức. Sự thay đổi này khiến trẻ gặp không ít khó khăn. Nhiều phụ huynh không đủ kiên nhẫn, nổi cơn cáu giận khi thấy con “thua bạn kém bè”, con chậm biết đọc, viết sai, hay cầm bút chưa đúng, mất tập trung, khó thích nghi, mải chơi, không nghe lời. Tâm lý lo lắng, sốt ruột như vậy là điều không tránh khỏi nhưng mỗi cha mẹ cần biết cách ứng xử phù hợp, nếu không sẽ làm trẻ hoang mang, sợ học, thiếu tự tin, nhút nhát…

Cô Triệu Thị Hằng - Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội), cho rằng lúc này bố mẹ nên bình tĩnh, kiên nhẫn chia sẻ cùng con khi con gặp vấn đề. Khi cho con làm quen để hòa nhập với những nơi đông người, bố mẹ hãy hướng dẫn con tập quan sát cách chơi của các bạn cùng tuổi, cách làm quen và nhận biết tính cách của những người bạn mới.

Phụ huynh nên dẫn con đến thăm trường tiểu học sớm để con làm quen với không gian mới và tham gia trải nghiệm “một ngày là học sinh lớp 1”, giúp con biết về không gian trường học, lịch sinh hoạt ở trường như ăn, ngủ, vui chơi, làm quen với các môn học theo thời khóa biểu, các hoạt động của trường. Đó là cách giúp con không cảm thấy bất an, không bị thay đổi đột ngột nếp sinh hoạt thường ngày.

Lớp 1 là bước đệm quan trọng trong giai đoạn học tập mới của con, phương thức học tập đòi hỏi tính kỷ luật, khả năng và tốc độ tư duy cao và nhanh hơn, chính vì vậy, giai đoạn này cần sự hỗ trợ tích cực của thầy cô, gia đình để con sẵn sàng hòa nhập với môi trường học tập mới. Do đó, phụ huynh có thể hướng dẫn con làm quen dần dần với dụng cụ học tập, sách vở, bút giấy nhưng tránh gây áp lực cho con.

“Hãy luôn là những người bạn đồng hành, biết lắng nghe để con cảm thấy yên tâm, tin cậy chia sẻ mọi khúc mắc tinh thần. Hướng dẫn con xây dựng thói quen tốt, hứng thú với việc học, giúp con làm quen dần với kiến thức và luôn tôn trọng cảm xúc của con khi giải quyết vấn đề khó khăn con đang gặp phải là điều vô cùng quan trọng mà phụ huynh nên lưu tâm”, cô Hằng chia sẻ thêm.

Cô Phạm Thị Hương Giang cùng học trò. Ảnh: NVCC

Cô Phạm Thị Hương Giang cùng học trò. Ảnh: NVCC

Kích hoạt nội động lực trong con

Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 là điều vô cùng quan trọng. Bởi lớp 1 là bước ngoặt quan trọng mang tính khởi đầu trong cuộc đời học sinh. Theo đó, nhằm giảm bớt áp lực, tạo tâm thế hứng khởi cho con phụ huynh nên tạo cảm giác làm sao để con thích được đi học lớp 1, thích khám phá trường tiểu học.

Cô Phạm Hương Giang - Trường Tiểu học Thành Công A (Hà Nội) cho biết: “Để làm được điều đó, bố mẹ cần kích thích sự hiểu biết, tính tò mò của trẻ, tránh đề cập những vấn đề tiêu cực khiến con sợ đến trường. Khi vào lớp 1, bố mẹ không nên đặt cho con những mục tiêu xa, thay vào đó cùng con lên các mục tiêu ngắn, phù hợp với con, rồi nâng dần các yêu cầu”.

Với học sinh tiểu học, thầy, cô giáo chính là thần tượng, “hình mẫu” lý tưởng trực tiếp của các em. Vì vậy, phụ huynh nên trao đổi với thầy, cô về tính cách, sở thích của con để thầy trò hiểu nhau hơn. Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, ở cấp học mới con sẽ có thêm bạn mới, hãy dạy con cách sống hòa đồng, biết chia sẻ đồ chơi, đồ ăn, tuân thủ nền nếp sinh hoạt tập thể để không bị tách biệt.

“Phụ huynh tuyệt đối không so sánh con mình với con người khác, bởi mỗi đứa trẻ có một đặc điểm tính cách và khả năng khác nhau. Luôn động viên, khen ngợi khi con làm tốt, khích lệ trẻ cố gắng khi chưa làm đạt yêu cầu chứ không nên mắng mỏ, chê bai”, cô Giang nhấn mạnh.

Thời gian đầu năm học lớp 1, các em thường bỡ ngỡ vì lạ người lạ cảnh, thói quen sinh hoạt phải thay đổi, để giúp trẻ mau thích ứng với môi trường mới, phụ huynh cần hướng dẫn con làm quen dần các kí hiệu, hiệu lệnh trong giờ học. Trước khi năm học mới bắt đầu, phụ huynh hãy kiểm tra và đánh giá xem con đã thực sự sẵn sàng hay chưa. Việc kiểm tra này vô cùng quan trọng, bởi nếu con chưa có tâm thế đi học, thậm chí sợ đi học, cha mẹ cần tìm cách gỡ rối và chuẩn bị tâm lý vững vàng, tự tin cho trẻ.

“Hiện nay, trẻ em được sống trong điều kiện nuôi dưỡng tốt, lượng thông tin các em được tiếp cận nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều em khi đi học lớp 1 không thuận lợi vì khả năng tập trung chú ý hạn chế.

Bố mẹ nên rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ bằng cách giao một công việc mà con yêu thích để con tự làm trong một thời gian khoảng 10 - 15 phút. Hoặc bố mẹ cùng làm để động viên khuyến khích con tập trung chú ý hoàn thành nhiệm vụ đó”, cô Phạm Thị Hương Giang - Trường Tiểu học Thành Công A (Hà Nội) đưa ra gợi ý cho các bậc phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ