‘Tuần 0’ – hành trang lần đầu tiên đi học cho trẻ vào lớp 1

GD&TĐ - 'Tuần 0' giúp học sinh lớp 1 Hà Tĩnh làm quen với trường lớp, trang bị thêm nhiều kỹ năng cần thiết giúp các em sẵn sàng bước vào năm học mới.

Giáo viên Trường Tiểu học Nam Hà hướng dẫn học sinh lớp 1 cách cầm phấn.
Giáo viên Trường Tiểu học Nam Hà hướng dẫn học sinh lớp 1 cách cầm phấn.

Tạo hứng khởi cho học sinh

Sau buổi tựu trường, gần 28.000 học sinh lớp 1 tại các trường học trên địa bàn TP Hà Tĩnh bắt đầu làm quen với môi trường học mới. Đây thường được gọi là “tuần 0” ngoài 35 tuần thực học, giúp các em không bỡ ngỡ khi bước sang cấp học mới.

Nhằm tạo sự hứng khởi cho học sinh ngay tuần học đầu tiên, Trường Tiểu học Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) đã xây dựng đa dạng các hoạt động thực tế ngay tại khuôn viên trường.

Một tiết học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn).

Một tiết học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn).

Ngay sau buổi tựu trường, 97 học sinh ở 4 lớp lớp 1 Trường Tiểu học Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) đã được tham quan làm quen với cảnh quan nhà trường như: nhà truyền thống nhà trường, thư viện, công trình nước và vệ sinh...

Cô giáo Nguyễn Thị Trung Châu – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong tuần lễ này, học sinh lớp 1 cũng được tập luyện để hình thành các kĩ năng và thói quen học tập: tư thế ngồi học đúng cách; cầm bút đúng kĩ thuật; cách sử dụng đồ dùng học tập,… hình thành các động hình, động lệnh, thói quen và nền nếp học tập tích cực.

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Thạch Quý đón khoảng hơn 100 học sinh lớp 1. Từ ngày 22/8, học sinh đã có những buổi học làm quen do GV chủ nhiệm hướng dẫn.

Học sinh Trường Tiểu học Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) tham quan nhà truyền thống.

Học sinh Trường Tiểu học Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) tham quan nhà truyền thống.

Nhiều giáo viên cho biết, học sinh vào lớp 1 rất bỡ ngỡ do thiếu thời gian để làm quen, thích ứng với việc thay đổi rất lớn trong việc học tập từ mầm non lên lớp 1. Cùng với dạy các kỹ năng, các giáo viên chủ nhiệm còn tạo các trò chơi giữa tiết học, chuyển tiết học để tạo sự hứng khởi cho học sinh.

Cô giáo Phan Thị Thanh Hồng (giáo viên chủ nhiệm lớp 1D) chia sẻ: “Phần lớn các em rất thích thú với môi trường mới, nhưng cũng nhiều em còn rụt rè, chưa hợp tác, bắt nhịp cùng giáo viên. Chúng tôi phải ân cần hỏi han, tăng cường các hoạt động làm quen, động viên các em. Những buổi học đầu khá vất vả nhưng cũng rất hứng khởi đối với cô trò”.

Những trò chơi giữa tiết giúp các em thêm hứng khởi trong những buổi học đầu tiên.

Những trò chơi giữa tiết giúp các em thêm hứng khởi trong những buổi học đầu tiên.

"Trong sáng nay chúng em được tham quan thư viện và nhà truyền thống của nhà trường. Em thấy mọi thứ rất đẹp và thú vị. Mỗi ngày em đều mong đợi đến trường để học tập", em Nguyễn Tuệ Nhi ( lớp 1D) hào hứng.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Quý thông tin, trong ngày đầu tiên, toàn trường vắng 4 em, nhưng những ngày tiếp theo học sinh đã đi học đầy đủ. Các em được làm quen với thầy cô giáo, với bạn bè, tham quan các phòng chức năng, thư viện, phòng học tiếng Anh, tin học, bể bơi… với các thiết bị học tập hiện đại trong trường.

"Thông qua các hoạt động học tập, vui chơi nhẹ nhàng, bổ ích, giáo viên lớp 1 cũng sẽ tạo dựng bầu không khí thân thiện, gần gũi, khơi gợi hứng thú học tập để học sinh yêu trường, yêu lớp và thích đi học ngay từ những tiết học đầu tiên”, cô Cúc nói.

Rèn luyện nề nếp cho học sinh

Với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, trong những ngày qua, hơn 200 học sinh khối 1 Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) đã có những buổi học đầu tiên trong tuần học làm quen.

Cô giáo Tống Thị Thanh Bình (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà) cho biết, giáo viên xác định rõ nhiệm vụ là phải giúp các em làm quen với môi trường học tập. Tập cho học sinh có tác phong nhanh nhẹn, mạnh dạn, có tính kỉ luật. Việc hình thành các kĩ năng ở "tuần 0" rất quan trọng. Những thói quen, những thao tác, những tư thế, tác phong,... đúng, đẹp sẽ rất có lợi lâu dài và ngược lại.

Giáo viên sửa tư thế ngồi học đúng chuẩn cho học sinh.

Giáo viên sửa tư thế ngồi học đúng chuẩn cho học sinh.

Theo cô giáo Thu Sen (giáo viên chủ nhiệm lớp 1G, Trường Tiểu học Nam Hà) ngày đầu, giáo viên sẽ phân công chỗ ngồi, tổ, nhóm cho học sinh; tạo điều kiện cho các em giới thiệu về tên, sở thích... tạo không khí thân thiện, gần gũi trong lớp học.

Trong tuần lễ này, giáo viên cũng hướng dẫn các em làm quen với các động hình động lệnh thói quen và nền nếp học tập tích cực. Tất cả những việc ấy đều cần có một nề nếp tốt nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học tập của một giờ học.

Hình thành những quy ước trong giờ học cho học sinh lớp 1.

Hình thành những quy ước trong giờ học cho học sinh lớp 1.

"Tôi cũng dành nhiều thời gian hướng dẫn học sinh những kỹ năng như: Chơi, học, làm việc nhóm, các hoạt động tập thể. Cùng với đó, rèn nền nếp cho các em trong ăn uống, nghỉ trưa, cách thức đi vệ sinh, rửa tay; các kỹ năng cầm bút, ngồi viết, chuẩn bị đồ dùng học tập và mặc đồng phục đúng quy định trước khi đến lớp", cô Thu Sen chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng các thiết bị điện; cách đảm bảo an toàn khi đến bể bơi, khi tắm, khi di chuyển cầu thang... và cách phòng ngừa các nguy cơ không an toàn khác khi ở nhà một mình cũng được ban giám hiệu nhà trường lưu ý giáo viên chủ nhiệm lớp 1 truyền đạt đến học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học Nam Hà hướng dẫn học sinh làm quen với các đồ dùng học tập.

Giáo viên Trường Tiểu học Nam Hà hướng dẫn học sinh làm quen với các đồ dùng học tập.

Là trường học miền núi có học sinh dân tộc thiểu số, việc triển khai "tuần 0" còn giúp học sinh Trường Tiểu học Hương Liên (huyện Hương Khê) củng cố lại tiếng Việt thông qua giao tiếp, trò chơi, quy định tại lớp học.

"Với HS dân tộc bước vào lớp 1, tiếng Việt càng vững vàng bao nhiêu thì khả năng tiếp nhận kiến thức, hoàn thành mục tiêu cơ bản là nghe, nói, đọc, viết hiệu quả bấy nhiêu…", thầy giáo Đặng Khánh Tùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.