Chuẩn bị tâm lý cho trẻ vùng cao vào lớp 1

GD&TĐ - Các trường mầm non vùng cao đang khẩn trương bù đắp kiến thức, kỹ năng, tăng cường dạy Tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng tâm thế vào lớp 1.

Cô trò Trường Mầm non Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Cô trò Trường Mầm non Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Tăng cường kĩ năng, tiếng Việt

Dịch bệnh kéo dài khiến ngành Giáo dục ảnh hưởng không nhỏ trong dạy và học. Với trẻ mầm non vùng dân tộc, hạn chế cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học trực tuyến càng khiến chất lượng hạn chế. Thực tế này đòi hỏi địa phương, nhà trường khi trở lại bình thường ngoài dạy học theo chương trình, nội dung chính khóa phải tập trung bù lấp kiến thức, kỹ năng, tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi trước khi vào lớp 1.

“Tháng 5, trẻ được hoạt động ngoại khóa với chủ đề ‘trường tiểu học’. Chúng tôi sẽ tổ chức tham quan trường tiểu học để trẻ làm quen thiết bị, đồ dùng học tập, trải nghiệm, quan sát học sinh lớp 1. Qua đó kích thích hứng thú, tò mò khám phá của các em. Nhà trường đã lưu ý các gia đình có trẻ 5 tuổi rèn tính chủ động về giờ giấc bởi bước vào môi trường học tập mới rất khác về cách sinh hoạt, học tập. Các em sẽ chuyển từ chơi là chính sang học 2 buổi/ngày. Giai đoạn quá độ, trẻ cần sự đồng hành của bố mẹ, người thân...” – cô Mai chia sẻ.

Cô Dương Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Ấm (Sơn Dương, Tuyên Quang) - cho biết: “Đầu năm học, sở, phòng Giáo dục đã chỉ đạo trường chọn lọc kiến thức cốt lõi để dạy, hướng dẫn trẻ 5 tuổi. Quá trình triển khai, ngoài dạy trên lớp giáo viên còn xây dựng video gửi phụ huynh dạy con ở nhà. Cùng đó, trường đã chú trọng hướng dẫn trẻ nhận biết bảng chữ cái, số; cách cầm bút, tư thế ngồi, tính tự lập; tổ chức hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa theo chủ đề”.

Giúp phụ huynh hiểu tầm quan trọng của giai đoạn chuyển cấp, Trường Mầm non Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) tổ chức giáo viên đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn. Cô Sền Thị Thơm, Hiệu trưởng, trao đổi: “Với 100% học sinh DTTS, chưa mạnh dạn, dễ nhớ nhanh quên, giao tiếp chính tại gia đình bằng tiếng mẹ đẻ.

Mặt khác, ảnh hưởng dịch bệnh khiến việc tới trường có thời điểm bị gián đoạn, việc dạy học tiếng Việt chưa đạt hiệu quả mong muốn. Thế nên, nhà trường đã tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi; yêu cầu, khuyến khích trẻ sử dụng tiếng Việt trong quá trình sinh hoạt, học tập, tham gia trò chơi và hoạt động trải nghiệm làm quen. Trẻ sẽ không bỡ ngỡ, áp lực với thay đổi khi vào lớp 1”.

Tại trường vùng cao biên giới, Mầm non Cao Mã Pờ (Quản Bạ, Hà Giang), cô Dương Thị Huyền - Hiệu trưởng - chia sẻ: “Khó khăn nhất của trẻ DTTS là phát âm không chuẩn. Quá trình trao đổi bài học, vui chơi… trẻ vẫn nói tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, với trẻ 5 tuổi, chúng tôi ưu tiên dạy tiếng Việt. Xây dựng các bài giảng giới thiệu trường, lớp tiểu học với thuyết trình tiếng Việt. Điều đó, không chỉ giúp trẻ hình thành suy nghĩ, tâm thế đón chờ cấp học mới, mà còn rèn luyện thêm tiếng Việt từ hoạt động cơ bản nhất.

Ngoài ra, vào thời gian đón trẻ, giáo viên hướng dẫn phụ huynh dạy con kỹ năng tự lập, làm quen sách vở, ngồi tại chỗ học trong thời gian nhất định. Khuyến khích gia đình giao tiếp với trẻ tại nhà bằng tiếng Việt để tạo môi trường, tăng cường ngôn ngữ, thời gian luyện tập…”.

Cô trò Trường Mầm non Lũng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường Mầm non Lũng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: NTCC

Linh hoạt hỗ trợ trẻ

Để chuẩn bị tâm thế vững vàng cho lứa trẻ mầm non chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh trước khi vào lớp 1, nhiều phòng giáo dục đã sớm yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy linh động, phù hợp đối tượng, sát thực tế.

Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình quy định tại Văn bản hợp nhất số 01/BGDĐT của Bộ GD&ĐT và dựa trên Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi nhằm đảm bảo yêu cầu kiến thức, kỹ năng các lĩnh vực. Để phát triển ngôn ngữ, nhận thức, giáo viên dạy trẻ nhận biết, phát âm đúng 29 chữ cái, làm quen toán học, cách cầm bút, tư thế ngồi chuẩn; Tổ chức một số hoạt động giao lưu, trải nghiệm, tham quan trường tiểu học…

Cô Phan Thị Hoàn, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, cho biết: “Năm học 2022 - 2023, Phòng yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy trong đó chủ đề hướng theo chương trình giáo dục mầm non, phát triển phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với trẻ mầm non DTTS, ngoài dạy kiến thức cơ bản, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trải nghiệm giữa các điểm trường với trường chính, giữa các trường trong huyện để trẻ tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Việt”. Đặc biệt, trẻ DTTS tại điểm trường Bản Rào Tre (Trường Mầm non xã Hương Liên), hàng ngày giáo viên đến tận nhà đón đến lớp, cho ăn sáng… để giúp các em có thể trạng, sức khỏe tốt, đáp ứng được yêu cầu thể chất học sinh lớp 1.

Huyện Bắc Hà (Lào Cai) tuy không ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch Covid-19 nhưng việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1 vẫn được chú trọng. Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết: “Vào đầu năm học, Phòng yêu cầu các trường mầm non tổ chức các chuyên đề, mô hình giúp trẻ nắm bắt kiến thức, kỹ năng cơ bản dưới hình thức vừa học vừa chơi, tạo hứng thú và giúp trẻ phát triển toàn diện. Các hoạt động phải lấy trẻ làm trung tâm, được trực tiếp thực hành, trải nghiệm. Không những thế, khuyến khích nhà trường tạo động lực, tinh thần thi đua cho đội ngũ giáo viên khi triển khai, giảng dạy nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất cho trẻ…”.

Phòng đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng, phụ huynh để tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, nâng cao chất lượng chăm sóc, phát triển trẻ toàn diện. Tổ chức hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm giữa điểm trường và các trường trong huyện; khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt chuyên đề, mô hình “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Giáo dục kỹ năng sống, kĩ năng xã hội cho trẻ”, “Xây dựng trường học hạnh phúc”, “Xây dựng môi trường giúp trẻ làm quen đọc, viết và toán ở tất cả các điểm trường”…

“Đầu năm học, chúng tôi đã phối hợp với trưởng thôn, già làng, trưởng họ… tuyên truyền cho phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc phối hợp với nhà trường quan tâm, hỗ trợ, giáo dục kỹ năng… từ đó giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1” - cô Dương Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Mã Pờ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ