Giúp con thi bằng quan hệ và tiền bạc: Cha mẹ đã dạy gì cho con?

GD&TĐ - Trong danh sách phụ huynh những thí sinh được nâng điểm "vô tội vạ" kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa được truyền thông nêu tên, có nhiều người giữ vị trí lãnh đạo ở địa phương. Lợi hại ở đâu khi phụ huynh dùng tiền bạc và quan hệ để đưa con vào đại học? Báo Giáo dục và Thời đại xin đăng tải những phân tích và chia sẻ thẳng thắn của TS. Vũ Thu Hương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tối qua, một bản danh sách đặc biệt về những nhân vật được nâng điểm trong kì thi THPT Quốc gia đã được tiết lộ. Đó là bản kê nghề nghiệp và chức danh của cha mẹ những thí sinh được nâng điểm tại Sơn La trong kì thi tốt nghiệp THPT 2018. Ngay lập tức, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã hỏi tôi về ý nghĩa câu “Cha mẹ là số phận của con cái” mà tôi đã nói từ rất lâu.

Vâng, có lẽ, hơn lúc nào hết, câu chuyện số phận của con cái lại được đem ra bàn luận. Những thanh niên 18 tuổi đã được hưởng đầy đủ sự chăm sóc của cả gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội giờ đây đứng trước “vành móng ngựa” của dư luận. Những bạn trẻ này thậm chí còn được hưởng vô vàn ưu đãi vì đã sinh sống tại một trong những tỉnh thành được coi là vùng sâu, vùng xa của cả nước.

Với chế độ ưu đãi đặc biệt, các bạn đã lần lượt trải qua các năm tháng trên ghế nhà trường. Tại đây, các bạn được học tập, rèn giũa, trau dồi bởi một hệ thống giáo dục tuy cũ kĩ nhưng đã phần nào chứng tỏ hiệu quả bằng các lứa thanh niên ra trường nghiêm túc, chăm chỉ.

Với chế độ đặc biệt, các bạn học tập không khó khăn như những thiếu niên ngày ngày phải nhịn đói vượt lũ đến trường tại những nơi chưa xây kịp cầu. Bởi vì, tuy sống ở tỉnh nghèo, các bạn vẫn sống ở tỉnh lỵ, nơi cha mẹ các bạn làm các nghề nghiệp và chức danh cao quý, có tiếng nói với nhân dân.

Tuy nhiên, chính chế độ đặc biệt đó đã đẩy các bạn đến suy nghĩ: mình luôn được ưu đãi. Vì thế, khi cha mẹ các bạn bắt tay vào việc tính toán chạy chọt điểm cho các bạn, chúng tôi không hề nghe thấy một tiếng nói phản kháng nào đến từ các bạn, những thanh niên đã có đầy đủ điều kiện để trở thành 1 người trưởng thành.

Không có một bạn nào trong số các bạn từ chối vào trường ĐH bằng điểm số khống mà các bạn không xứng đáng được nhận. Không có một lá thư tố giác nào được phát đi. Mặc dù, tất cả chúng tôi đều biết và các bạn cũng biết, các bạn có thật sự xứng đáng với số điểm như trên hay không?

Rất nhiều người đã nói, các bạn là nạn nhân. Tuy nhiên, chúng tôi không tin là như vậy. Được sống với sự ưu đãi nhiều năm, các bạn đã mặc nhiên đòi hỏi sự ưu đãi đó cho riêng mình, đứng trên quyền lợi chính đáng của rất nhiều bạn trẻ học hành chăm chỉ nhưng vì sự chen lấn của các bạn mà mất suất học tại các trường Đại học danh tiếng.

Các bạn là sản phẩm giáo dục của cha mẹ mình. Những người nắm giữ số mệnh của các bạn chính là những người không có đủ tư cách đạo đức của người bình thường chứ đừng nói là đủ khả năng làm một bậc cha mẹ. Họ sẵn sàng làm những việc tồi tệ, chạy chọt để con em mình chèn vào suất của người khác trong cuộc chiến giành suất ở Đại học. Họ đã dạy các bạn dẫm đạp lên quyền lợi của người khác. Họ đã dạy các bạn gian dối để có thể vào cổng trường ĐH bằng con đường khác ngoài học vấn.

Tiếc thay, họ là những người có thế lực ở địa phương nhưng đã dùng vị trí của mình để làm nhiều điều sai trái, vơ vét quyền lợi, dẫm đạp lên lẽ phải và công bằng.

Tuy nhiên, thay vì hưởng lợi, họ đã làm hại chính các bạn. Mục tiêu giáo dục bao gồm kiến thức, kĩ năng và đạo đức. Với kiểu thi ĐH như vậy, họ đã cho bạn sự chủ quan và coi thường kiến thức. Họ cho bạn biết rằng bạn không cần học tập mà vẫn có chỗ trong trường. Vì thế, kiến thức của bạn rỗng từng nào phụ thuộc vào sự nghe lời cha mẹ của bạn.

Họ đã cho bạn một nền tảng kĩ năng bằng không. Khi bạn không cần phải làm bài thi vẫn có thể vào trường, bạn sẽ chẳng coi trọng việc rèn giũa kĩ năng. Vì thế, ra đời, bạn chỉ là một con số không tròn trĩnh trước sự sàng lọc của thị trường việc làm.

Họ đã cho bạn nền tảng nhân cách bằng số âm. Khi họ dạy bạn chấp nhận sự gian dối để vượt qua đầu người khác vào trường ĐH, bạn đã nhận ra, để làm việc xấu không khó, điều quan trọng là phải để việc đó không bị lộ ra. Nếu có ai hỏi, bạn chỉ cần dõng dạc nói rằng điểm số đó là của bạn, rằng bạn làm đúng là được. Sự gian dối được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách đầy tiềm năng sẽ dần dần đẩy bạn đến những việc làm xấu liên tiếp.

Với những bậc cha mẹ như vậy, để trở thành một công dân bình thường với đạo đức tư cách nghiêm túc chút thôi, các bạn cũng sẽ gặp khó khăn vô vàn. Bạn sẽ đối diện với đủ mọi khó khăn trên đời, bạn sẽ thấy quy luật cuộc sống ngoài kia khác với kiểu gian dối mà bạn đã quen. Bạn sẽ thấy bạn bè giỏi giang hơn, khéo léo hơn và cũng có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Rõ ràng, để vượt qua một kì thi không khó, giáo dục một con người khó hơn nhiều. Đã đến lúc chúng ta cần phải có chế tài xử phạt những bậc làm cha làm mẹ không giáo dục con đàng hoàng mà còn hại con như những bậc cha mẹ này.

Hi vọng các bạn trẻ mới vấp váp lần đầu sớm biết rút kinh nghiệm, vượt qua nỗi hổ nhục đầu tiên để tự điều chỉnh bản thân trở thành con người khác. Chúng tôi cũng hi vọng đây là bài học cay đắng để mọi bậc cha mẹ biết cân nhắc trước khi tìm cách hành động gian dối cho con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.