“Ô nhiễm” ngôn từ
Núp bóng dưới một vỏ bọc nữ sinh trường khác, chị Việt Hằng (Công ty CP cung ứng vật liệu xây dựng Thăng Long) gửi đề nghị kết bạn với cậu con trai đang học lớp 11 để tìm hiểu tâm tư tình cảm của con. Đột nhập được vào thế giới của con, lần giở ngày tháng những trạng thái cảm xúc của con, chị Hằng choáng váng cả người khi đọc được những ngôn từ mà con trai và bạn bè của nó văng ra trên Facebook. Chị bức xúc gọi điện than thở với một người bạn là giáo viên để hỏi thực hư chuyện rác rưởi ngôn ngữ mạng bây giờ trong giới học sinh thì cũng nhận được những tiếng thở dài sườn sượt…
Cứ tưởng con chỉ xả rác ngôn từ trên mạng thôi, ai dè hôm chứng kiến con cãi lộn với bạn trước cổng trường và đôi lần để ý con nói chuyện điện thoại với bạn chị Hằng ớn lạnh cả người. Thật khó mà tin được, đứa con trai tưởng như kiệm lời, hơi rụt rè trước đám đông, ở nhà đi thưa về gửi như nó mà lúc vào cơn hứng chuyện và lúc cãi vã lại có thể bốc đồng, văng tục trơn tru đáng sợ như vậy.
Chị Hằng lo lắng chia sẻ với bạn bè, thì nhận lại những hồi đáp đáng buồn hơn. Nhiều đứa trẻ tiểu học cũng nói tục nói bậy, đem thứ rác ngôn ngữ học được từ bạn bè, từ ngoài đường về nhà và áp dụng một cách thích thú, lạ lẫm. Bình thường chả có chuyện bực bội, mâu thuẫn mà nghe bọn trẻ trêu đùa văng bậy ra đã rất khó nghe. Thế mà khi chúng tức tối, mâu thuẫn kèm thêm thái độ hung hăng khó kiềm chế nữa thì chẳng hiểu sự thể sẽ dẫn đến đâu.
Bạo lực học đường cũng có mầm mống từ đây chứ từ đâu. “Bắt đầu từ thái độ thiếu tôn trọng nhau, chửi tục nói bậy xúc phạm nhau cùng với sự nóng nảy và vô tâm trong hành xử nữa thì môi trường học đường còn đâu sự hồn nhiên trong sáng nữa? Nhiều vụ học sinh đánh nhau cũng bắt từ một câu chửi bậy mạt sát mà ra…” - chị Minh Hà - giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) bày tỏ bức xúc.
Tạo dựng môi trường lành mạnh
Chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn, người đã từng có nhiều năm đảm đương vị trí Hiệu trưởng Trường THCS Xã Đàn (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Chẳng có một trường học nào khuyến khích hay dung túng cho hành vi văng tục, chửi thề, ứng xử thiếu văn hóa của học sinh cả. Thế nhưng, tệ nạn này vẫn không kiềm tỏa, xóa bỏ được? Tại sao vậy? Giáo dục, nhắc nhở động viên học sinh hướng đến điều hay lẽ phải nếu chỉ là lý thuyết suông thì không ổn. Nhìn từ góc độ xã hội, nhìn vào mỗi gia đình sẽ thấy môi trường học đường chỉ tác động đến các em được một phần nào, còn những bầu không khí gia đình bị ô nhiễm vì bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn, hành xử bản năng, trút xả ra những ngôn từ “chát chúa” khi cãi chửi bạn đời hoặc có thể nói dối, mánh mung trước mặt con cái thì “mưa dầm thấm lâu” con cái làm sao tránh được những ảnh hưởng xấu”.
Theo ông Đinh Đoàn, nhà trường cần nghiêm khắc với những hành vi nói tục, chửi thề. Thầy cô giáo cần có thái độ cư xử cởi mở, đúng mực và tôn trọng học sinh. Hãy giúp các em hiểu và biết yêu quý sự trong sáng, đẹp đẽ của ngôn ngữ Việt.
Bố mẹ cần làm gương, cư xử văn hóa để con nhận được ảnh hưởng tốt, rèn luyện thói quen tốt để hình thành nhân cách... “Uốn cây từ thuở còn non”, các cụ đã có lời răn “trẻ lên ba cả nhà tập nói”. Vậy thì khi đứa trẻ đã sử dụng thành thạo ngôn ngữ rồi bố mẹ cần dành thời gian chuyện trò, nhắc nhở để bồi dưỡng thứ tài sản ngôn ngữ quý báu cho con.