Giúp con học ngoại ngữ hiệu quả: “Đúng liều” mới có tác dụng

GD&TĐ - Không ít cha mẹ băn khoăn về “liều lượng” thế nào thì đạt “tác dụng” tối đa của việc cho con học ngoại ngữ sớm.

 Ảnh minh họa. Ảnh: IT.
Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

Dục tốc bất đạt…

“Cây tre phải mất 4 năm để mọc được 3cm, nhưng từ năm thứ 5 trở đi, nó có thể mọc 30cm mỗi ngày, chỉ trong vòng 6 tuần nó có thể mọc được 15m. Thực ra, cây tre đã sử dụng 4 năm đầu chỉ để phát triển bộ rễ” - Đây là luận điểm mà TS Vũ Thu Hương, Trung tâm Giáo dục kỹ năng Cá Siêu Quậy đưa ra để bảo vệ quan điểm “không nên ép trẻ học ngoại ngữ quá sớm”.

Theo TS Vũ Thu Hương, các bố mẹ thường nghĩ con cần học ngoại ngữ càng sớm càng tốt là sai lầm. Từ tuổi 0 đến 6, ngoài việc phải học rất nhiều kĩ năng, con cần tập trung sức lực để lớn lên, phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần. Đó là giai đoạn phát triển nền tảng. Vì thế, những món nền tảng như sức khỏe, kĩ năng, đạo đức cần được đặc biệt chú trọng giáo dục.

Vấn đề khi nào nên cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ luôn thu hút nhiều quan tâm của các bậc phụ huynh với các luồng ý kiến trái chiều. Có những phụ huynh muốn cho con học ngoại ngữ càng sớm càng tốt nhưng cũng có những người rất bình tĩnh để con tự học theo nhu cầu, lại có cả những người “không quan tâm lắm”.

ThS Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Insight, phụ huynh của 2 học sinh có vốn tiếng Anh “đủ dùng” cho biết, chị không gây áp lực cũng không quá chú trọng việc ép con học tiếng Anh mà để con tự giác.

ThS Đinh Thị Thu Hoài kể: Tôi đã chứng kiến con của một người bạn hồi khoảng 4 - 5 tuổi toàn nói tiếng Anh là chính, ít khi thấy cháu giao tiếp bằng tiếng Việt, đến nỗi cứ khi bé khóc mà mẹ nói với bạn ấy một câu tiếng Anh là nín ngay. Hầu như đứa trẻ không mấy quan tâm đến những lời dỗ dành bằng tiếng Việt.

Trường hợp khác là bạn học cùng lớp với con gái tôi, nói tiếng Anh rất giỏi nhưng học các môn trên lớp cực kỳ vất vả vì đọc không hiểu yêu cầu của bài, không biết dùng từ nào trong tiếng Việt để trả lời. Trong lớp, bé cũng rất cô đơn vì không thể giao tiếp với các bạn, không hiểu hết ý các bạn nói và không biết nói lại với các bạn như thế nào. Ngay cả những từ đơn giản cũng không diễn tả được bằng tiếng Việt.

“Trẻ tiếp xúc sớm với ngoại ngữ cũng tốt nhưng không nên quá tập trung mà quên tiếng Việt. Trước tiên, cha mẹ hãy dạy con ý thức trau dồi tiếng mẹ đẻ. Từ đó tạo nền tảng để học thêm các ngôn ngữ khác. Bởi, những đứa trẻ được đầu tư quá mức vào ngoại ngữ dễ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ, ảnh hưởng đến giao tiếp, sinh hoạt thường ngày. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức, mở rộng các mối quan hệ khi trẻ sinh hoạt và học tập trong môi trường chuyên sử dụng tiếng Việt”, ThS Đinh Thị Thu Hoài nêu quan điểm.

Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

 Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

Đủ “liều” sẽ phát huy tác dụng

Trái ngược với những phụ huynh đầu tư cho con học ngoại ngữ bằng mọi giá, chị Thuỳ Dương (Đông Anh, Hà Nội) lại cho rằng: Đọc viết tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào đó chỉ là thứ công cụ để con sử dụng sau này khi ra đời. Con sẽ làm chủ được công cụ đó rất nhanh khi chúng nhận thức được sự cần thiết.

Từ kinh nghiệm cá nhân, chị Thuỳ Dương nhận định: Khi trưởng thành hơn, xác định được mục tiêu rõ ràng, học ngoại ngữ sẽ nhanh và nhớ rất lâu. Bản thân chị, làm quen với tiếng Anh từ khoảng lớp 3 nhưng chỉ thực học và đạt trình độ cao khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học.

Đồng quan điểm với chị Thùy Dương, TS Vũ Thu Hương cho rằng: Ở mỗi một giai đoạn của cuộc đời, ta chỉ nên chú trọng vào phát triển một nhiệm vụ nào đó. Nếu tham lam ép con học tất cả, con sẽ học rất rộng nhưng không sâu. Sau đó, mọi thứ sẽ chỉ mờ nhạt, luễnh loãng chứ không sâu sắc, rõ nét.

Vì thế, theo TS Vũ Thu Hương, các cha mẹ cần kiên nhẫn. Đó không phải chỉ là sự nhẫn nhịn khi giáo dục con, mà còn là kiên nhẫn dìu con từng bước nhỏ nhưng chắc chắn trong suốt những năm tháng đầu đời.

Nhất trí với quan điểm, học ngoại ngữ sớm cũng là một cách rèn luyện kỹ năng cần thiết cho trẻ, TS Vũ Thu Hương đồng thời nhấn mạnh: Mọi sự học đều có lợi ích nhất định. Không thể phủ nhận, học ngoại ngữ là một trong những phương pháp rèn luyện kỹ năng, “một tên hai đích”. Tuy nhiên, để có được điều này, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến yếu tố “liều lượng” trong việc đầu tư vào vấn đề học ngoại ngữ của trẻ.

Để làm được điều này, các bậc cha mẹ hãy chọn thời điểm khi khả năng nói tiếng Việt của con đạt đến mức tiêu chuẩn lứa tuổi, thông hiểu lời người khác nói và biết diễn đạt mong muốn của mình một cách rõ ràng. Cần lưu ý, khả năng ngôn ngữ của mỗi trẻ là khác nhau nên việc chọn thời điểm cho con làm quen với ngoại ngữ giữa các trẻ là không giống nhau.

“Việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ nên được thực hiện một cách tự nhiên, tránh ép buộc và ép mục tiêu. Được như vậy, trẻ sẽ tìm thấy niềm vui ngay trong việc học. đồng thời rèn được kỹ năng giao tiếp, tính kiên trì, trí tưởng tượng và ưa thích khám phá”, TS Vũ Thu Hương khuyên.

Với kinh nghiệm nuôi dạy hai con được gọi là thành công với việc học ngoại ngữ, ThS Đinh Thị Thu Hoài chia sẻ: Khi trẻ khoảng 4 - 5 tuổi có thể bắt đầu làm quen ngoại ngữ nhưng chỉ nên ở mức độ ít. Vì với người Việt, tiếng Việt vẫn quan trọng nhất.

Theo ThS Đinh Thị Thu Hoài: Học ngoại ngữ có thể rèn khả năng kiên trì và kỹ năng giao tiếp, khả năng diễn đạt rõ ràng và phát triển trí tưởng tượng.

Cụ thể, với việc hỗ trợ rèn tính kiên trì: Khi trẻ cần chú tâm để nhớ một từ mới, hoặc cách phát âm chưa chuẩn, trẻ sẽ phải nói đi nói lại cho đúng. Cùng đó, học ngoại ngữ rèn cho trẻ kỹ năng giao tiếp, khả năng diễn đạt rõ ràng và phát triển trí tưởng tượng: Học ngoại ngữ ở lúc nhỏ thường các thầy cô sẽ cho các con học qua hình ảnh, clip và yêu cầu các con nhắc lại, nói lại thứ mình nghe/quan sát được nên con phải tư duy tìm những từ đã biết để nói về từ mới - đây là cơ hội phát triển tư duy ngôn ngữ.

Học ngoại ngữ cũng có nhiều bài tập đóng vai, thuyết trình nên các con được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình một cách tự nhiên. Trên tất cả, đối với trẻ nhỏ, khi chúng chưa tự xác định được mục tiêu, cha mẹ cần nêu cao vai trò gia giảm liều lượng phù hợp để mọi đầu tư có hiệu quả, tránh áp lực cho trẻ và những hệ lụy không mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.