Cho con học ngoại ngữ sớm: Nên hay không?

GD&TĐ - Việc cho trẻ nhỏ học ngoại ngữ từ rất sớm đang dần phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, không ít phụ huynh có con ở tuổi mầm non băn khoăn là không biết việc học ngoại ngữ sớm có tốt cho trẻ hay không? Khi nào mới nên cho con bắt đầu học ngoại ngữ? Đâu là độ tuổi lý tưởng để bé làm quen với một ngôn ngữ mới?

Cho con học ngoại ngữ sớm: Nên hay không?

Băn khoăn của các bậc cha mẹ

Mới đây, Facebook cá nhân của dịch giả, nhà văn, nhà thơ Thái Bá Tân đăng tải status nêu quan điểm cá nhân về học tiếng Anh: Không bắt trẻ học thêm tiếng Anh. Ông đặt vấn đề, người lớn, nhất là sinh viên không chịu học, lại bắt trẻ con nói chưa sõi học và mất cả “núi tiền”.

Ý kiến cá nhân của ông Thái Bá Tân nhận được 1.500 lượt thích, gần 1.000 chia sẻ và rất nhiều bình luận. Nhiều gia đình đang có con ở độ tuổi mẫu giáo cũng đồng cảm với ông Thái Bá Tân.

Đây cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều phụ huynh hiện nay. Một mặt, họ muốn trang bị cho con nền tảng ngoại ngữ vững chắc từ đầu để làm bệ phóng cho tương lai. Mặt khác, họ e ngại ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên nếu cho bé học ngoại ngữ quá sớm.

Vợ chồng anh Tuấn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự, vợ chồng anh cho con học tiếng Anh từ năm 4 tuổi. Từng du học tại Úc, anh Tuấn muốn tập cho cu Tom nói song ngữ Anh – Việt để phát âm chuẩn từ nhỏ.

Thế nhưng gần đây, thấy hiệu quả không như mong muốn, vợ chồng anh quyết định cho con nghỉ. Vợ anh lo lắng: “Tiếng mẹ đẻ chưa thạo mà nhồi thêm tiếng Anh vào không khéo rối loạn ngôn ngữ”.

Chị Lê Thị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng rất băn khoăn điều này vì chị cũng nhận được nhiều lời khuyên nên cho con học tiếng Anh càng sớm càng tốt, từ trước khi vào lớp 1 (hoặc học song song với tiếng Việt)...

Nhưng chị lại lo nhỡ nhồi nhét con quá làm con sợ học. Chị nói: “Như thời của chúng tôi, lên cấp 2, cấp 3 mới được làm quen với bộ môn Tiếng Anh mà vẫn học tốt, vẫn làm việc, giao tiếp tốt với các chuyên gia nước ngoài đấy thôi”.

Dục tốc bất đạt

Chia sẻ về vấn đề này, TS Vũ Thu Hường - Giảng viên Khoa Tiểu học Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Thực tế các bố mẹ thường nghĩ con cần học càng sớm càng tốt là sai lầm.

Từ tuổi 0 đến 6, ngoài việc học rất nhiều kĩ năng, con cần tập trung sức lực để lớn lên, phát triển đầy đủ các bộ phận. Đó là giai đoạn phát triển nền tảng. Vì thế, những món nền tảng như sức khỏe, kĩ năng, đạo đức cần được chú trọng giáo dục.

Nếu con được rèn luyện tính kiên nhẫn, về sau con học hành hay làm việc gì cũng dễ thành công. Nếu con được rèn tính lễ phép, sau này con sẽ dễ được yêu quý và làm mọi việc thuận lợi. Nếu con có tính tự giác, mọi việc con sẽ sắp xếp theo kế hoạch và sau này con học tập rất dễ dàng tự giác.

Nếu con biết tự lo thân tốt thì sau này con có thể sống tốt mọi lúc mọi nơi dù bố mẹ có ở nhà hay không? Điều này sẽ giúp con tự chủ trong sinh hoạt và cuộc sống.

Nếu sức khỏe con cũng được phát triển tốt, con khỏe mạnh dù đen nhẻm, nhanh nhẹn, thì sau này con sẽ ít ốm, vui tươi. Việc đó sẽ khiến con có thể dễ dàng theo đuổi mọi điều con mong muốn. Sức khỏe càng tốt, con càng có nhiều cơ hội để vươn cao trong học tập và công việc.

Dục tốc bất đạt, ở mỗi một giai đoạn của cuộc đời, ta chỉ nên chú trọng vào phát triển một nhiệm vụ nào đó. Nếu tham lam ép con học tất cả, con sẽ học rất rộng nhưng không sâu. Sau đó mọi thứ sẽ chỉ mờ nhạt, chứ không sâu sắc, rõ nét.

Theo TS Vũ Thu Hường, các cha mẹ cần kiên nhẫn. Đó không phải chỉ là sự nhẫn nhịn khi giáo dục con mà còn là kiên nhẫn dìu con từng bước nhỏ nhưng chắc chắn trong suốt 18 năm đầu đời. Đó không phải chỉ là yên lặng lờ đi khi con ăn vạ, mà còn là sự chủ động đặt các mục tiêu nhỏ cho từng tháng năm thơ ấu của con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.