Các hoạt động được tổ chức như văn hóa - văn nghệ, xây dựng khu vực “check-in”, cộng điểm khuyến khích trong giờ học…
Những điểm 10 đón Tết
Giờ học Ngữ văn đầu tuần của lớp 8/1, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Nhân thông báo có một cột điểm đánh giá thường xuyên cho học sinh tham gia phát biểu xây dựng bài.
“Đây là tuần học cuối cùng trước khi nghỉ Tết, cô biết các em đang náo nức với không khí ngày cuối năm. Cô cũng có tâm trạng này. Nhưng nếu chúng ta tập trung cao trong mỗi tiết học, lắng nghe cô giảng bài, hỏi những ý trong bài học sẽ có điểm số đẹp khởi đầu cho học kỳ mới”, cô Nhân chia sẻ với học sinh.
2 tiết Ngữ văn của lớp 8/1 vì vậy sôi nổi và cuốn hút với bài giảng “Bếp lửa”. 3 điểm 10 cho học sinh tích cực phát biểu xây dựng bài ngay tiết học đầu tiên đã khuyến khích tinh thần học tập của cả lớp. Cô Nhân cho biết: “Nhiều em bắt đầu chuẩn bị hành trang cho đợt nghỉ Tết dài ngày như đi du lịch hoặc về quê ăn Tết với gia đình nên không tránh khỏi sao nhãng học hành.
Giáo viên vì vậy phải có nhiều hình thức khuyến khích để trò tập trung học tập. Trong tiết dạy, giáo viên có thể đặt câu hỏi để các em nhắc lại kiến thức đã học hoặc hỏi ý trong bài giảng. Những em phát biểu đúng sẽ có cột điểm đánh giá thường xuyên nên ai cũng hứng thú, không nói chuyện riêng trong giờ học”.
Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thiết kế khu vực “check-in” Tết với cây ước nguyện được trang trí đèn lồng đỏ và phong bao lì xì. Cô Nguyễn Thị Việt Hà - giáo viên Toán cho biết: “Với Chương trình GDPT 2018, không còn kiểm tra bài cũ vào đầu mỗi tiết học. Trong quá trình dạy bài mới, giáo viên có thể đặt câu hỏi để học sinh nhắc lại các kiến thức cũ và lấy điểm đánh giá thường xuyên. Đây cũng là cách để kiểm tra mức độ vận dụng kiến thức của học trò”.
Tiết dạy những ngày cận Tết Nguyên đán, cô Việt Hà vẫn dành thời gian để học sinh chia sẻ cùng bạn kế hoạch kỳ nghỉ. “Khi các em được “tâm sự” chuyện Tết với cả lớp, lắng nghe, trao đổi thì không có tình trạng nói chuyện riêng hay sao nhãng học tập. Cùng với dạy - học, nhà trường có hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, trang trí lớp học… gắn với không khí Tết. Học sinh vì vậy cân bằng việc học tập, vui chơi vừa có cơ hội hình thành kỹ năng xã hội”, cô Việt Hà chia sẻ.
Tại Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), những ngày giáp Tết Nguyên đán, sĩ số học sinh các lớp học đạt gần 100%. “Học sinh vắng chủ yếu do đau ốm chứ không còn tình trạng bỏ học lên rừng phụ giúp kinh tế gia đình. Nhà trường phân phối hoạt động trải nghiệm, văn nghệ, thể dục thể thao, gói bánh chưng tái hiện không gian Tết cổ truyền… xen kẽ hoạt động dạy - học nên không khí học tập duy trì bình thường”, thầy giáo Võ Văn Tuấn - giáo viên Vật lý nhận xét. Trong các tiết dạy, thầy Tuấn tổ chức hoạt động nhóm, trò chơi nhỏ… để lôi cuốn học sinh học tập.
Bữa ăn bán trú của Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu). Ảnh: Hà Thuận |
Giữ chân học trò vùng khó
Trường Tiểu học Mỹ Chánh A (Châu Thành, Trà Vinh) nằm trên địa bàn vùng đồng bào Khmer. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, tập thể nhà trường đều có kế hoạch từ sớm để đảm bảo sĩ số. Cô Trương Thị Mỹ Xuyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc đảm bảo sĩ số học sinh được nhà trường triển khai thời điểm trước, trong và sau Tết.
Bởi địa phương là vùng đồng bào, điều kiện kinh tế khó khăn nên nhà trường, thầy cô phải chủ động, hỗ trợ các em yên tâm học tập. Cùng đó, trước Tết, trường tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền, vận động cho con em đi học đầy đủ thời điểm trước và sau Tết; mặt khác nắm bắt tình hình học tập, hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ kịp thời…
“Dip Tết Nguyên đán, nhà trường tổ chức chương trình Áo Xuân tặng bạn. Theo đó, mỗi lớp chọn 1 học sinh và trao tặng chiếc áo mới cùng món quà. Tuy giá trị không lớn nhưng thể hiện tấm lòng tương thân tương ái và đoàn kết của tập thể. Học sinh có điều kiện sẽ tiết kiệm, bỏ ống để tặng bạn áo mới đón Tết. Đồng thời thầy cô giáo, phụ huynh, nhà hảo tâm cũng chung tay hỗ trợ các em hoàn cảnh khó khăn... Cách làm này được nhà trường thực hiện nhiều năm và góp phần duy trì sĩ số dịp Tết”, cô Trương Thị Mỹ Xuyên chia sẻ.
Trường Tiểu học Hàm Giang B (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, Trà Vinh) có gần 100% học sinh dân tộc Khmer. Những năm trước, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là thời điểm nhà trường lo nhất vì tình trạng học sinh nghỉ học dài ngày hoặc bỏ học giữa chừng.
Hơn 10 năm qua, nhà trường triển khai nhiều giải pháp, trong đó có hoạt động chăm lo cho học sinh dịp Tết. Chương trình Áo Xuân tặng bạn, Hũ gạo tình bạn, Kế hoạch nhỏ… được trường duy trì thực hiện và hỗ trợ cho hàng trăm học sinh hoàn cảnh khó khăn. Nhờ chương trình Nuôi heo đất và Hũ gạo tình bạn, nhiều em có áo mới, gạo, học bổng nên không nỡ xa bạn bè, thầy cô.
Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Cao Văn Tần: Những ngày giáp Tết, nhà trường cùng các lớp tổ chức đập heo đất, mua áo mới, gạo, quà tặng học sinh nghèo. Hàng trăm kg gạo, hàng chục áo xuân được quyên góp. Có áo mới, quà, gạo, nhiều học trò hoàn cảnh gia đình khó khăn, có ý định bỏ học giữa chừng được hỗ trợ đã yên tâm đi học, dù dịp hè hay nghỉ Tết.
Trao tặng áo và gạo cho học sinh hoàn cảnh khó khăn Trường Tiểu học Hàm Giang B (huyện Trà Cú, Trà Vinh). Ảnh: Q. Ngữ |
Để học sinh không “bám trường một tay”
Trước đây, cứ đến dịp trước và sau Tết Nguyên đán, tình trạng học sinh bỏ, nghỉ học diễn ra khá phổ biến ở vùng cao Nậm Nhùn (Lai Châu). Duy trì sĩ số học sinh được xem như giải pháp căn cơ giúp trường học vùng cao nâng chất lượng dạy học. Vì vậy, hàng loạt giải pháp được chính quyền địa phương và ban giám hiệu các trường đưa ra. Từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều tích cực vào cuộc.
Ông Vũ Tiến Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho hay: “Huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn nghỉ Tết và đảm bảo tỷ lệ chuyên cần thời điểm trước và sau Tết. Cùng đó, tăng cường chỉ đạo các trường tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút học sinh. Chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền đến phụ huynh về việc nghỉ Tết và đảm bảo công tác huy động, duy trì tỷ lệ chuyên cần”.
Để tránh tình trạng học sinh bỏ về trước và trở lại muộn dịp Tết, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn) trao đổi, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kiểm tra và giám sát, phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc duy trì tỷ lệ chuyên cần. Cùng đó nâng cao công tác bán trú, tổ chức thăm và tặng quà Tết cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.
“Trước nghỉ Tết, nhà trường tổ chức cho học sinh ăn tất niên tại trường với khẩu phần ăn gấp đôi ngày thường. Đồng thời, tổ chức ngày hội để học sinh tìm hiểu về văn hóa dân tộc tạo khí thế học tập, lồng ghép với hội thi thể thao sẽ đảm bảo huy động học sinh đến trường sau nghỉ Tết”, thầy Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Còn tại huyện biên giới Sìn Hồ (Lai Châu), từ trước Tết, Phòng GD&ĐT đã tăng cường công tác chỉ đạo cơ sở giáo dục, ban giám hiệu các trường tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp xã vận động gia đình, học sinh đến trường học và chỉ nghỉ Tết theo quy định. Mặt khác, chỉ đạo các trường tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao để thu hút học sinh ra lớp, ổn định sinh hoạt khu bán trú và tổ chức nấu ăn cho học sinh.
“Dự kiến, khi học sinh trở lại trường sau Tết, chúng tôi tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng cấp huyện. Đây không chỉ là hoạt động thể thao để tìm ra những nhân tố mới cho ngành, địa phương mà còn là dịp để huy động học sinh đến trường đông đủ, tránh tình trạng chán đến trường sau Tết”, ông Phạm Văn Phôi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ chia sẻ.
“Từ khi có bữa trưa bán trú, sĩ số học sinh những dịp trước, sau Tết được duy trì tốt hơn. Giáo viên không phải vất vả đi từng nhà huy động trò có ý định bỏ, trốn học. Tuy nhiên, nhà trường chỉ đạo giáo viên thông báo lịch nghỉ Tết cho phụ huynh để chủ động đưa học sinh trở lại trường sau Tết. Cùng đó, thầy cô xuống thôn, bản, phối hợp chính quyền cơ sở để nhắc nhở học sinh tựu trường đúng thời gian quy định”, cô Nguyễn Thị Thuý - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) cho biết.