Giữ lửa tình yêu nghề giáo: Nghề của sự nỗ lực và sáng tạo

GD&TĐ - Dù ở tuổi đã lớn, điều kiện dạy học khó khăn nhưng nhiều giáo viên không ngừng đổi mới bản thân, cập nhật tri thức để đem đến cho trò giờ học bổ ích, đạt hiệu quả cao trong công việc.

Cô Huỳnh Hồng Loan với các em học sinh mẫu giáo. Ảnh tư liệu
Cô Huỳnh Hồng Loan với các em học sinh mẫu giáo. Ảnh tư liệu

“Trồng người” trong đại dịch

Với những giáo viên lớn tuổi, việc phải thích nghi với hình thức dạy học online là một thách thức. Mặc dù điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề, từ cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ các thầy cô giáo đều vượt qua tất cả.

Giữ lửa tình yêu nghề giáo: Nghề của sự nỗ lực và sáng tạo ảnh 1

Cô Phạm Thị Phường - giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2 (huyện Bình Chánh, TPHCM) dù cận kề về hưu nhưng luôn là ngọn đuốc truyền lửa tốt cho học sinh mỗi ngày.

Dạy học trực tuyến thích nghi với điều kiện dịch bệnh, có những người “ngoại đạo” nghĩ công việc của nhà giáo  đơn giản, chỉ cần bật laptop lên nói dăm ba câu trong bài giảng với học sinh rồi lại nghỉ ngơi. Nhưng với cô Phường là sự chuẩn bị chu đáo, kỳ công.

Để truyền kiến thức mới lạ đến học sinh, cô Phường phải thức khuya để nghiên cứu tài liệu, chắt lọc nội dung bài giảng ngắn gọn, cô đọng nhưng phải súc tích để hình thành phần trình chiếu PowerPoint, tạo slide hấp dẫn thu hút 37 đứa con ở lớp. Hay việc hướng dẫn trẻ cầm bút, nghĩ thấy đơn giản nhưng khi xây dựng video hướng dẫn trẻ, cô phải nghiên cứu, cắt ghép và chỉnh sửa đến khi ưng ý mới thôi.

“Thức khuya chăm chút bài giảng nhưng sáng hôm sau cô Phường luôn vào phòng máy đúng giờ để tương tác với học sinh. Ngành Giáo dục thời dịch Covid-19 như làm dâu trăm họ, giáo viên vừa giảng bài vừa khéo léo cách ăn nói cho vừa lòng học sinh lẫn phụ huynh tham dự. Có chứng kiến được cảnh học sinh vừa học vừa buồn ngủ, đang học xin đi tiểu, uống nước, làm việc riêng mới hiểu hết được sự vất vả của giáo viên lớp 1”, cô Phan Thị Bích Thuận, đồng nghiệp của cô Phường chia sẻ.

“Nhìn những giọt mồ hôi đọng trên khuôn mặt phúc hậu của cô, chúng tôi mới hiểu hết sự vất vả trong dạy học. Bằng tấm lòng yêu nghề mến trẻ, thấu hiểu học sinh qua bài giảng… ở tuổi 52, cô vẫn lặng lẽ, cần mẫn đưa đò. Ý chí nhạy bén, lòng yêu nghề, mến trẻ, nhiệt huyết trong công tác chắc khó có ai sánh bằng cô…” - cô Phan Thị Bích Thuận bày tỏ.

Cô Phạm Thị Phường trong giờ dạy online.
Cô Phạm Thị Phường trong giờ dạy online.

Nhà giáo Ưu tú của học sinh mầm non

ThS.NGƯT Huỳnh Hồng Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp) cũng là một tấm gương không ngừng  nỗ lực trong việc trồng người.

Cô Loan lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt, ba bị bệnh và mất đột ngột lúc cô chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Mẹ không có nghề nghiệp ổn định, chị hai là sinh viên năm thứ nhất tại Trường Cao đẳng Đồng Tháp, em trai bấy giờ chỉ mới học xong lớp 9. Gia đình rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, chị em cô Loan được người thân cưu mang nuôi dưỡng. Với ý thức không thể làm gánh nặng cho người khác, cô Loan đành khép lại ước mơ vào đại học, tìm việc mưu sinh để chị và em được tiếp tục việc học.

Khi địa phương vùng sâu, vùng xa biên giới cần hợp đồng giáo viên mầm non chỉ cần trình độ 12/12, cô Loan nộp đơn xin hợp đồng làm thời vụ dạy bán trú ở một trường mầm non của thị trấn Hồng Ngự, khi vừa tròn 18 tuổi. Chỉ với ít kiến thức được bồi dưỡng cấp tốc về chuyên ngành nên cô cũng gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non. Tuy nhiên, với nghị lực vượt khó và tình yêu thương đối với trẻ nhỏ, cô luôn tìm tòi học hỏi từ kinh nghiệm của đồng nghiệp, vừa làm vừa tham gia các lớp học nâng chuẩn chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp mầm non rồi đến đại học, mong sao nắm vững được kiến thức để chăm sóc nuôi dưỡng - giáo dục trẻ được tốt nhất.

Đến nay cô Loan đã có thâm niên 22 năm trong nghề với nhiều vị trí từ giáo viên, phó hiệu trưởng, chuyên viên phòng giáo dục ở địa phương và hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương, thành phố Hồng Ngự, một trong những vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp.

“Ở mỗi vị trí, cô Loan đều gặt hái được những thành tựu đáng tự hào. Trong vai trò giáo viên dạy lớp, cô đạt được các danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”; “Tuyên truyền viên giỏi” và đạt giải “Thiết bị dạy học tự làm” nhiều năm liền từ cấp cơ sở, huyện, tỉnh. Ở vị trí quản lý, số lượng giáo viên của trường do cô quản lý đạt giải giáo viên dạy giỏi và chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tăng theo từng năm học.

Cô đã tham mưu tích cực cho lãnh đạo giải quyết đủ biên chế về giáo viên cũng như giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải sĩ số trẻ ở các lớp, xây dựng trường lớp khang trang đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh ở địa phương…” - TS Nguyễn Quốc Minh (Giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM) chia sẻ.

Cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp, cô Loan lãnh đạo nhà trường liên tục dẫn đầu trong phong trào thi đua của địa phương, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua 4 năm liền và 1 Bằng khen; Vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua năm học 2017 - 2018 và Bằng khen năm học 2018 - 2019. Trong năm học 2019 - 2020, cô cũng đại diện nhà trường nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT do lập thành tích trong phong trào Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, đồng nghiệp đơn vị và nghị lực của bản thân, tôi được chồng hỗ trợ rất nhiều. Mặc dù không cùng ngành nhưng anh rất hiểu và thông cảm cho những khó khăn vất vả của ngành học mà tôi đang công tác. Những lúc tôi có nhiệm vụ đột xuất ở trường đi sớm về muộn, hoặc công tác xa nhà…, anh luôn sẵn sàng làm công việc nội trợ cũng như chăm sóc hai con còn nhỏ để tôi yên tâm hoàn thành công việc và việc học của mình. - Cô Huỳnh Thị Loan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.