Giữ lại phần hồn di sản của 200 năm

GD&TĐ - Trong khi chuyện "mới hóa" trong trùng tu di tích diễn ra tại nhiều nơi, thì tại một làng quê phía Nam cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, người dân đồng lòng quyết giữ lại những gì là di sản của tổ tiên - Ðó là câu chuyện trùng tu đình của làng Nam Sơn (xã Minh Cường, Thường Tín).

Phối cảnh đình làng Nam Sơn sau khi được trùng tu.
Phối cảnh đình làng Nam Sơn sau khi được trùng tu.

Trải qua hơn 300 năm tồn tại với thời gian, đến nay đình làng Nam Sơn xuống cấp nặng nề. Trước tình trạng trên toàn dân làng họp lại để bàn việc đại trùng tu đình.

Sau nhiều cuộc họp, làng Nam Sơn đã thống nhất tìm những nhóm thợ uy tín nhất, trong đó có những thợ nghề Nề đến từ quê Thanh Hóa chuyên trùng tu đình, chùa, miếu, mạo; nghề mộc, chạm khắc hội tụ những nghệ nhân và những tốp thợ giỏi ở Thanh Oai (Hà Nội).

Với sự tham gia góp ý của những người thợ cả có kinh nghiệm, các cụ cao niên của làng trong xã Minh Cường đã bàn bạc, thống nhất phương án trùng tu "phục nguyên xi". 

Theo tính toán của người dân làng Nam Sơn tổng số tiền được phác thảo theo thiết kế phê duyệt di tích cấp quốc gia của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội trong khoảng 5 tỷ đồng. Các cụ cao niên trong làng với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể làng Nam Sơn đứng ra vận động đóng góp trong toàn thể cộng đồng làng, theo suất: 500.000 đồng/người trong độ tuổi dưới 70 (miễn phí cho hộ nghèo).

Bộ vì kèo, hoa văn có trình độ kỹ thuật cao từ người thợ để giữ nguyên những dấu xưa của đình Nam Sơn.
 Bộ vì kèo, hoa văn có trình độ kỹ thuật cao từ người thợ để giữ nguyên những dấu xưa của đình Nam Sơn.

Cùng với đó làng Nam Sơn cũng lập ra Ban điều hành xây dựng đình làng được bầu do trưởng thôn làm trưởng ban. Mỗi xóm lập ra danh sách lao động để ban điều hành xây dựng có thể điều động luân phiên đến phụ việc cho nhóm thợ kép chính.

Về Nam Sơn những ngày này, đình làng Nam Sơn đã và đang đi vào những công đoạn cuối cùng, cụ Hán Kỳ Hiền – Trưởng ban các cụ làng Nam Sơncho biết, để trùng tu mới mà giống y đình ngày xưa, ngoài việc đo vẽ kích cỡ, làng đã thuê người quay phim, chụp hình từ tổng thể cho đến từng chi tiết để đối chiếu, so sánh.

Dẫn chúng tôi đi xem tổng thể đình làng, cụ Hiền chỉ cho chúng tôi biết thêm những cột, vì kèo, đòn tay, rui, mè... sẫm màu được lau chùi, sắp xếp ngăn nắp.

"Chúng tôi yêu cầu thợ trùng tu phải giữ lại được dấu xưa của đình, hạng mục nào có khả năng tu bổ thì bằng mọi cách phục hồi. Không việc gì phải vứt đi cái của cha ông tạo nên khi còn cứu vãn được. Bất đắc dĩ lắm mới cho thay mới nhưng phải cùng loại gỗ y như cũ…" - cụ Hiền nói.

Cũng theo cụ Hiền: "Trong làng từng có ý kiến đúc bê tông cho rẻ, với giá thành khoảng 400 triệu (2/3 giá trùng tu), người làng lại đỡ tốn công nhiều. Nhưng các cụ trong làng không đồng ý, các cụ phân tích nói rẻ mà lại đắt, ít nhất gấp đôi việc trùng tu, bởi vì tuổi của bêtông nhiều lắm chỉ vài chục năm là "tàn tạ", trong khi tuổi của gỗ đến cả trăm năm...”, cụ Hiền nói.

Giữ lại phần hồn di sản của 200 năm ảnh 2
  Cụ Hán Kỳ Hiền – Trưởng ban các cụ làng Nam Sơn cho rằng, việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống từ đình làng và lễ hội là việc làm cần thiết, cần có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền và người dân. 

Cụ Hiền cũng phấn khởi cho biết thêm: “Đình làng Nam Sơn đã 200 năm, mà khi dỡ còn dùng lại đến phân nửa cấu kiện. Ðó là chưa nói đến việc nếu làm mới bằng bêtông khác gì “giết chết” đình làng. Mà làm chẳng khác gì phản lại giá trị ông cha ta gìn giữ…".

Anh Phạm Văn Ngọc - người thợ phụ trách phần mộc đình Nam Sơn nói: "Không phải làng nào cũng yêu cầu trùng tu phục hồi y nguyên công trình xưa như vậy. Bởi vậy, người thợ phải làm việc thật cẩn thận, kỹ lưỡng đến mức nghiêm ngặt, nhưng cả nhóm thợ chúng tôi ai cũng thấy vui vẻ vì được dịp làm đúng công việc của người trùng tu".

Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ Phòng Văn hóa huyện Thường Tín có theo dõi việc trùng tu đình Nam Sơn nhận xét, quy trình trùng tu đình làng Nam Sơn khá bài bản và giá cả hợp lý lắm, đặc biệt thấp hơn nhiều lần so với những công trình tương đương đang trùng tu trên địa bàn huyện.

“Từ quá khứ xa xưa đến hiện tại, đình làng luôn là ngôi nhà chung kết nối những người cùng tộc họ, quê quán, góp phần tăng thêm tính bền chặt của các mối quan hệ cộng đồng. Vì vậy, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống từ đình làng và lễ hội là việc làm cần thiết, cần có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền và người dân. 

Việc khai thác những giá trị văn hóa từ đình làng và lễ hội để phục vụ du lịch cũng đang là hướng đi mở ra nhiều triển vọng, qua đó vừa phát huy được tiềm năng, vừa góp phần bảo tồn giá trị vật chất và tinh thần quý giá của mỗi làng quê…”, vị cán bộ Phòng Văn hóa huyện Thường Tín nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ