Lục Ngạn - Nơi “đất lành chim đậu”

GD&TĐ - Những năm 60 của thế kỷ trước, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tiếp nhận nhiều người dân từ các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình… đến xây dựng vùng kinh tế mới. Họ mang theo những tên làng, tên đất và cả phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa đi khai hoang, phục hóa nơi đất khách. Sau hơn 50 gắn bó trên quê hương thứ hai, cuộc sống của bà con đã thực sự “xanh màu” no ấm.

Thôn Nhất Thành, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) hôm nay có kinh tế phát triển.
Thôn Nhất Thành, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) hôm nay có kinh tế phát triển.

Hành trình cực nhọc

Cuộc dãn dân có tổ chức, quy mô lớn đã mang lại ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Lục Ngạn là một trong những vùng đất được nhiều người dân các tỉnh hướng đến an cư lập nghiệp.

Hàng chục làng, xã do người dân từ các tỉnh đến sinh sống, những thôn làng nghe rất miền xuôi như: Thường Vũ, Lai Hòa, Nhất Thành, Thanh Giang, Thanh Cầu, Thanh Hùng, Vạn Phúc, Cẩm Hoàng, Thanh Bình… đã trở thành địa danh in đậm dấu ấn trên huyện miền núi Lục Ngạn mấy mươi năm qua.

Trải qua bao biến cố thăng trầm, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, sự đùm bọc, chia sẻ của nhân dân sở tại, các gia đình di cư đến đây kiên trì bám đất, bám làng và chung sức xây dựng mảnh đất mới ngày càng giàu đẹp. Đồng thời các thế hệ con cháu cũng không quên hướng về gốc gác cội nguồn nơi quê nhà.

Xã Trù Hựu có 4 thôn “đặc thù” gồm: Hải Yên, Thanh Giang, Thanh Cầu, Thanh Hùng (100% là nhân dân nhập cư). Mỗi khi nhắc lại quá trình đi khai hoang đẫm mồ hôi của người dân trong thôn Hải Yên, cụ Vũ Huy Phiếu 88 tuổi, một trong những người đầu tiên đặt chân đến Lục Ngạn không khỏi xúc động bởi hình ảnh ngày rời quê hương đầy bịn rịn ngày nào lại ùa về trong tâm trí: “Quê tôi ở xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng (nay là Hưng Yên).

Nơi đó vốn đất chật người đông, cả nhà tôi khi ấy có 6 khẩu ăn mà chỉ có 7 thước ruộng nên quanh năm bị đói. Tháng Giêng năm 1961, giữa lúc Trung ương có kế hoạch đưa lao động của xã đi làm kinh tế mới thì tôi được bạn là ông Phạm Cứ, lúc đó là Bí thư Đảng ủy xã Trù Hựu mời lên thăm Lục Ngạn vào dịp đầu Xuân. Sau chuyến thăm này ông Cứ gợi ý nếu gia đình tôi muốn lên đây sinh sống thì địa phương sẵn sàng tạo điều kiện”.

Cụ Phiếu lúc đó là cán bộ xã Hồ Tùng Mậu, nhìn thấy đồng đất Lục Ngạn trù phú, mênh mông bát ngát, trái hẳn với cảnh bon chen đến ngột thở ở quê nhà nên phấn khởi mang tin vui về quê thông báo với chính quyền, gia đình, làng xóm. Cụ đã vận động thêm gia đình ông Phạm Văn Sung người cùng xã xung phong rời quê hương lên Trù Hựu sau khi đã được chính quyền nơi đến và đi chấp thuận.

Thấy có tương lai tốt đẹp, mấy tháng sau nhiều hộ dân ở Hưng Yên và huyện Thanh Miện (Hải Dương) cũng tạm biệt quê hương lên Trù Hựu với khát vọng xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

Cụ Phiếu vẫn chưa thể quên những năm tháng đầy nhọc nhằn khi mới đặt chân đến đất Lục Ngạn: “Chúng tôi đang quen ở quê có anh em, bạn bè, xóm giềng, mới lên đây mọi thứ đều thiếu, lại phải ở giữa chốn đồng không mông quạnh, nhà nọ sang nhà kia phải vén cỏ đi theo lối mòn nên hụt hẫng, buồn tủi và khó khăn lắm.

Thiệt thòi nhất là gia đình ông Vũ Tất, năm 1962 khi vừa đặt chân đến Lục Ngạn, do chưa biết củ sắn trắng có nhiều độc tố, mọi người đói quá nên ăn rất nhiều nên cả nhà bị ngộ độc phải cấp cứu và không may con trai ông Tất đã không qua khỏi. Không lâu sau đó, khi trình tường nhà giúp gia đình một bà cụ đồng hương mới lên, ông Tất bị ngã từ trên cao xuống dẫn đến tử vong”, cụ Phiêu buồn bã kể.

Cũng theo lời của các nhân chứng sống kể lại, khi ấy các hộ di dân mới lên Lục Ngạn được Nhà nước cấp gạo ăn. Tuy nhiên cuộc sống ban đầu có vô vàn khó khăn chồng chất, do đất đai mới được vỡ còn chặt lèn, bà con canh tác chỉ trông chờ vào nước trời cả năm mới cấy được một vụ nhưng hễ cứ cắm mạ xuống là thối dễ chết hết.

Hơn nữa, người miền xuôi quen canh tác ruộng đồng bằng khi lên vùng bán sơn địa như Lục Ngạn chưa có nhiều kinh nghiệm và còn rất bỡ ngỡ. Đã thế có năm cả thôn bị máy bay ném bom vài lần dẫn đến chết người, cháy nhà. Đó cũng là lý do khiến không ít gia đình sau đó đã không thể trụ được phải hồi hương.

Những hộ kiên trì ở lại, khó khăn dần cũng được khắc phục, sau này bà con đã biết mua vôi, phân lân, cắt phân xanh bón cho đồng ruộng thêm tươi tốt, đặc biệt công trình thủy nông dẫn nước từ hồ Khuôn Thần về ruộng đồng đã có thể cấy hai vụ một năm, cuộc sống dần hồi sinh và ấm no đang đến gần. Năm 1963, thôn Hải Yên được thành lập trên cơ sở ghép tên của tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, một số gia đình bỏ về quê trước đây lại quay trở lại và đến nay Hải Yên đã có sự bứt phá toàn diện.

Thôn Hải Yên, xã Trù Hựu ngày nay
 Thôn Hải Yên, xã Trù Hựu ngày nay

Ở đây bén rễ xanh cây

Lục Ngạn được xem là vựa trái cây của cả nước với kinh tế, xã hội phát triển ngày càng khởi sắc trong đó có đóng góp không nhỏ của những thế hệ người dân đến xây dựng vùng kinh tế mới. Xã Quý Sơn có đến 9 thôn “đặc thù” (phần lớn dân số có quê gốc các tỉnh miền xuôi).

Chứng kiến quá trình phát triển thôn Lai Hòa (tên ghép của xã Lai Vu và Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) hôm nay, ông Trần Quang Quyền 63 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Lai Hòa còn nhớ như in những khó khăn, vất vả ngay đầu mới đặt chân đến vùng đất mới.

Năm 1967, khi mới 9 tuổi ông Quyền cùng bố mẹ và 24 hộ dân khác ở Phủ Cừ (Hưng Yên) được Nhà nước bố trí cho 4 ô tô đưa lên xã Quý Sơn. Bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống và bắt tay vào lao động sản xuất, họ lấy đất trình nhà, lấy cỏ gianh lợp mái.

Quá trình sinh sống, nhiều giống cây, trong đó có vải thiều và kỹ thuật canh tác cũng đi theo những người dân nhập cư. Và điều quan trọng hơn, theo như đánh giá của Bí thư Đảng ủy xã Trù Hựu - ông Vũ Tất Sơn, đến nay khoảng cách giữa đồng bào đi khai hoang với người dân sở tại đã bị phai nhòa.

Bởi thực tế trước đây có lúc ở đâu đó trên mảnh đất đầy hương thơm trái ngọt này vẫn có sự phân biệt giữa “dân khai hoang” và dân bản xứ. Cụm từ “dân khai hoang” đã từng làm tổn thương nhiều người dân đi làm kinh tế mới. Đổi lại, dù cuộc sống khó khăn nhưng bà con lại như tre ấp bụi, đoàn kết dựa vào nhau sinh sống và dần cũng ổn định và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp như hôm nay.

Cơ bản đời sống bà con thuộc hộ khá, giàu, cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh. Đơn cử như ở thôn Hải Yên giao thông nông thôn cứng hóa được 75%, 70% các hộ có nhà kiên cố, thôn không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn 3%. Nhiều công dân của thôn đã trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ở nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Quý Sơn Trần Văn Bản: Xã Quý Sơn và Kim Thành (Hải Hương) có mối quan hệ khăng khít, hàng năm hai địa phương có nhiều hoạt động giao lưu, gặp mặt trao đổi, tình đoàn kết giữa quê hương gốc của người dân và quê hương mới ngày càng nồng ấm, thân thiết như anh em.

Người miền xuôi lên làm kinh tế mới rất chăm chỉ làm ăn và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên năng xuất, đời sống kinh tế tương đối phát triển. Người dân di cư vẫn luôn ý thức và có nhiều hành động hướng về quê hương bản quán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ