(GD&TĐ) - Khi một đứa trẻ ra đời được đủ một tháng (tính theo âm lịch), gia đình sẽ làm lễ cúng Mụ và đặt tên tục cho con. Lễ đầy tháng là một trong nhiều nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng làng xã. Đồng thời còn là sự biểu hiện của những ước muốn tốt đẹp của các thế hệ trước đối với các thế hệ kế thừa.
Ngày nay, lễ vật cúng Mụ trong Lễ đầy tháng được nhiều gia đình bổ sung thêm với mong muốn cho bé được phổng phao, nhanh lớn. (Ảnh: gdtd.vn) |
Bé Đức Trí - ở Sóc Sơn, Hà Nội vừa tròn một tháng tuổi. Cả nhà đã chuẩn bị đầy đủ nghi lễ để cúng Mụ cho bé. Các cụ bà trong làng và dòng tộc cũng đến đông đủ để làm Lễ đầy tháng cho cháu. Bà Bùi Thị Nhì, bà nội của bé cho biết: “Đúng 12h các cụ sẽ tiến hành nghi lễ. Gia đình chúng tôi tổ chức Lễ đầy tháng cho cháu trước là tạ ơn Mụ bà không chỉ nặn ra đứa trẻ, mà còn phù trợ cho “mẹ tròn con vuông”, sau là để trình với nội - ngoại, họ hàng, lối xóm. Mong muốn của gia đình là sau này bé sẽ được lớn lên trong sự cưu mang, đùm bọc giúp đỡ của mọi người và cộng đồng xã hội”.
Thực tế hiện nay, ở nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt là ở các làng quê, hầu hết các gia đình đều tổ chức Lễ đầy tháng cho mỗi một đứa trẻ được sinh ra. Lễ đầy tháng là một nghi lễ biểu hiện tính nhân bản của người Việt Nam nói chung.
Ở nhiều gia đình, địa phương, Lễ đầy tháng của trẻ thường được các cụ bà trong thôn, xóm, dòng tộc đến cúng Mụ. (Ảnh: gdtd.vn) |
Theo quan niệm dân gian, đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà Chúa đầu thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra. Vì vậy khi đứa trẻ đầy cữ (chào đời được 3 ngày hoặc là đầy tháng, đầy năm thì bố, mẹ, ông, bà phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các bà Mụ và cầu xin các bà Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn, tốt lành.
Lễ vật để cúng Mụ thường được sửa soạn rất cẩn thận và chu đáo, bao gồm 12 lễ nhỏ (cúng 12 bà Mụ) và 1 lễ lớn (cúng bà Mụ chúa): trầu cau, đồ chơi trẻ em, động vật, phẩm oản, bánh kẹo, lễ mặn và hương hoa.
Ngày nay, tại một số địa phương, lễ vật có thay đổi một chút, có thể thêm những thứ như bánh đa, bỏng ngô (để cháu nhanh lớn, phổng phao) hoặc cháo, bánh đúc v.v… Song tất cả các lễ vật đều được bài trí một cách hài hòa, cân đối ở chính giữa phía trên của hương án, trong đó lễ vật dâng các bà Mụ chia làm 12 phần nhỏ đều nhau và 1 phần to hơn. Mâm lễ mặn với hương, hoa, nước trắng để trên cùng và mâm tôm, cua, ốc để phía dưới.
Sau nghi thức cúng là nghi thức khai hoa, còn gọi là “bắt miếng”. Đây còn là nghi thức vừa để bày tỏ tình cảm, ước muốn của người hiện hữu, vừa để khẳng định trách nhiệm của người lớn đối với trẻ thơ. Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa, chủ lễ rót trà, thắp hương xin phép bắt miếng. Xong, bồng đứa bé một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp (có thể hoa khác) vừa quơ qua quơ lại trên miệng cháu bé vừa bày tỏ tình cảm, vừa dạy những lời tốt đẹp như:
Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
Mở miệng ra cho kẻ thương, người mến,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quí mến...
Sau nghi thức cúng Mụ là nghi thức khai hoa, hay còn gọi là "bắt miếng" cho bé, một nghi thức không thể thiếu trong ngày lễ đầy tháng. (Ảnh: gdtd.vn) |
Tuy nhiên, bên cạnh việc nhiều gia đình Việt Nam duy trì nét đẹp truyền thống văn hóa; thì trên thực tế đâu đó, vẫn có không ít gia đình do không hiểu hết ý nghĩa cao quý của phong tục này nên đã tổ chức lễ mang tính chiếu lệ; một bộ phận khác muốn phô trương hoặc vụ lợi nên tổ chức vừa lãng phí, vừa đánh mất ý nghĩa tốt đẹp của việc tổ chức Lễ đầy tháng. Do vậy để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp này, rất cần ở mỗi gia đình ý thức tự giác và trách nhiệm trong việc bảo tồn một phong tục đẹp mang đậm tính nhân văn của người Việt.
Theo quan niệm dân gian, lễ vật cúng Mụ đầy tháng thông thường bao gồm: 1. Đồ vàng mã: các đôi hài màu xanh, nén vàng màu xanh, váy áo màu xanh. 2. Trầu cau: trầu têm cánh phượng. 3. Đồ chơi trẻ em bằng nhựa hoặc sành sứ: Gồm các bộ đồ chơi giống hệt nhau với bát, đũa, thìa, chén cốc, con giống, xe cộ, nón, mũ v.v. 4. Động vật: cua, con ốc, tôm để sống hoặc có thể hấp chín. Các động vật này có 12 con kích thước bằng nhau và có 1 con to hơn. Hoặc nếu không có con to hơn thì thay bằng 3 con nhỏ. Các con này để vào bát bày cúng và sau khi cúng xong thì đem thả ra ao, hồ phóng sinh. 5. Phẩm oản, bánh kẹo: Cũng chia 12 phần đều nhau và một phần lớn hơn (hoặc nhiều hơn). 6. Lễ mặn: bao gồm xôi, gà luộc, cơm, canh, món ăn, rượu trắng 7. Hương hoa: hương, lọ hoa nhiều màu, tiền vàng, nước trắng. |
Minh Hằng