Hồn cốt của dân tộc
Cách đây hai năm, PGS Bùi Hiền đã công bố phần 2 công trình nghiên cứu cải tiến tiếng Việt sau 40 năm nghiên cứu, ông có đề xuất cách viết và phát âm khác so với thông thường. Sự kiện này đã khiến dư luận, nhân dân “dậy sóng” khi cách thức sử dụng tiếng Việt hoàn toàn khác biệt so với phổ thông.
Mới đây nhất, bộ “Chữ Việt Nam song song 4.0” kết hợp từ hai công trình “Chữ Việt nhanh và Ký hiệu dấu” của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa chính thức nhận được Giấy chứng nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả. Trước thông tin này, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến phản hồi, trái chiều, và không ít những băn khoăn, trăn trở về việc sử dụng tiếng Việt hiện nay.
Như chúng ta đã biết, chữ viết, tiếng nói là thứ của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào, khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc. Tiếng Việt của dân tộc Việt Nam cũng như vậy.
Tiếng nói, chữ viết tiếng Việt có nguồn gốc bản địa, được các bậc tiền bối sáng tạo, gìn giữ, cải tiến trong hành trình tạo dựng cuộc sống, phát triển cộng đồng xã hội.
Trải qua các triều đại lịch sử, qua những giai đoạn phát triển, tiếng Việt đã trở thành hồn cốt của dân tộc, có sức sống lâu bền trong tâm hồn, lối sống, tư duy của con người Việt Nam. Dù có sống ở miền đất nào trên lãnh thổ Việt Nam hay sống xa quê hương, những con người mang dòng máu Việt đều không quên thứ tiếng của dân tộc mình.
Tài sản vô giá
Trải qua thời gian, các thế hệ nhân dân Việt Nam không ngừng giữ gìn, cải tiến tiếng Việt, làm cho tiếng nói của dân tộc ngày càng giàu và đẹp. Để có một hệ thống quy tắc tiếng Việt nói và viết theo chuẩn như ngày nay, chúng ta đã phải trải qua nhiều lần cải tiến tiếng Việt trên những phương diện cụ thể như phát âm, chính tả, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ...
Trên cơ sở loại bỏ, sửa chữa những yếu tố không phù hợp hoặc khó sử dụng trong tiếng Việt để tạo ra một cách nói, cách viết mang tính phổ thông, ai ai cũng sử dụng được. Đồng thời, chúng ta cũng không ngừng sáng tạo để tạo ra những yếu tố mới trong tiếng Việt, làm cho vốn từ, vốn câu và cách nói được phong phú, đa dạng, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Hệ thống quy tắc trong nói và viết tiếng Việt đã được chuẩn hóa thành quy định mang tính pháp quy để Nhà nước ban hành ra toàn dân thực hiện. Những quy định này được đưa đến người dân theo một trình tự chứ không áp đặt, khiên cưỡng.
Đó là việc chúng ta đưa tiếng Việt vào dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tùy vào tâm lý lứa tuổi để các nhà trường triển khai dạy về cách phát âm, cách viết sao cho chuẩn tiếng Việt. Dần dần, hệ thống quy tắc quy định về chuẩn mực tiếng Việt đã đi vào đời sống của nhân dân, từng người dân nói và viết tiếng Việt theo chuẩn mực đã quy định.
Cho dù có sáng tạo, cải tiến tiếng Việt nhưng chúng ta vẫn phải bảo đảm nguyên tắc trên nền tảng những quy định chung, trên cái cốt có sẵn chứ không thay đổi hoàn toàn.
Cải tiến, không cải lùi
Trở lại với vấn đề về những công trình nghiên cứu mới đây, chúng tôi nhận thấy, các tác giả đã có ý thức và dày công trong sáng tạo tiếng Việt, đặt vấn đề mới về sử dụng chữ viết trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Tuy nhiên, khi nhìn vào sản phẩm, chúng ta đều nhận thấy, sự sáng tạo ấy đã khác hoàn toàn so với cách viết, cách phát âm tiếng Việt mà chúng ta đang sử dụng chứ không đơn thuần là “gạn đục khơi trong” một hai chữ viết hay một số cách phát âm trong hành trình cải tiến. Như thế, nhìn ở một góc độ nào đó, bộ sản phẩm này liệu lại một lần nữa gây nên những ý kiến trái chiều, những tranh luận trong dư luận nhân dân?
Trước hết, việc ban hành quy định về sử dụng tiếng Việt theo chuẩn mực là thuộc về Nhà nước, không cá nhân và tổ chức nào có quyền thay thế. Đồng thời, cải tiến, sáng tạo tiếng Việt trong quá trình sử dụng là điều cần thiết nhưng không được thay đổi hoàn toàn diện mạo của nó, gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Trong sự cải tiến, sáng tạo tiếng Việt, chúng ta có thể chấp nhận sự cải tiến tiếng Việt để sử dụng cho phù hợp với đặc thù ngành nghề, nhóm ngành nghề. Chẳng hạn như, việc sử dụng tiếng Việt không dấu, viết tắt, những ký hiệu gắn với đặc thù các lĩnh vực như công nghệ thông tin, các ngành khoa học... Hay hiện nay, một bộ phận giới trẻ đã và đang sử dụng “tiếng lóng” trong tiếng Việt với tỷ lệ khá cao và đã làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Song, dù xã hội có nền khoa học công nghệ có thay đổi đến đâu, chúng ta phải nhận thức sâu sắc và xác định không được làm méo mó, lai căng tiếng Việt trong quá trình sử dụng. Mỗi người cần ý thức được việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải trên cơ sở nói và viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách ngôn ngữ. Cần loại bỏ những yếu tố không phù hợp, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn mực, trong sáng của tiếng Việt.
Mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm giữ gìn và làm giàu tiếng Việt để chúng ta luôn tự hào về tiếng của dân tộc Việt Nam. Như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.