Giữ đường đến trường cho trẻ em gái dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, song nhiều học sinh vùng cao đã sớm bị gia đình vận động ở nhà lấy chồng.

Cán bộ dân số huyện Tuần Giáo phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền phòng tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Cán bộ dân số huyện Tuần Giáo phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền phòng tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Với muôn vàn lý do mà người dân địa phương đưa ra, cứ thế, những thiếu nữ còn thơ ngây đã sớm được làm mẹ ở độ tuổi trăng tròn...

Gia đình ép buộc

Năm nay em Giàng Thị Sinh (sinh năm 2008) trú tại ở bản Phình Cứ, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) mới tròn tuổi 15. Thế mà cô gái này đã lấy chồng từ năm ngoái. Mẹ mất sớm, gia đình lại đông anh chị em mà Sinh là chị cả nên em bị bố ép gả sớm với lý do: “Để đỡ gánh nặng cho gia đình”. “Bố bảo con gái thì không cần học nhiều. Nếu không lấy chồng thì bố cũng không cho đi học nữa. Không lấy người này thì bố bảo sẽ gả cho người khác ở xa hơn”, Sinh kể.

Nhìn dáng người nhỏ bé, chưa nổi 40kg mà đã làm vợ, làm dâu và chẳng mấy chốc nữa Sinh sẽ lại làm mẹ. Sinh kể, hai vợ chồng quen nhau từ đầu năm lớp 8 (năm 2021) qua sự giới thiệu của bạn bè, ít lâu sau thì cưới. Chồng Sinh ở xã bên cạnh. Hai gia đình cách nhau gần 10 cây số. Đầu năm nay chồng Sinh lại đi nghĩa vụ quân sự nên không được ở gần nhau.

Vào năm học mới, được các thầy cô giáo đến nhà vận động, bố mẹ chồng em cũng cho phép nên Sinh tiếp tục được đến trường. Nhưng con đường đến trường ấy chông gai hơn khi các quan niệm hủ tục vẫn hiện hữu.

“Các cô, các bác hàng xóm cứ nói với bố mẹ chồng em là lấy con dâu về phải để cho nó đi làm nương, làm rẫy phụ giúp gia đình chứ để nó đi học làm gì? Rồi chồng đi xa không có nhà nên mọi người cũng bàn tán xì xào sợ em không chung thuỷ. Nhiều khi nghe họ nói em cũng chạnh lòng, nhưng được thầy cô quan tâm, bố mẹ chồng ủng hộ rồi mỗi sáng thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, em lại có động lực để đi học mỗi ngày”, Sinh chia sẻ.

Thầy giáo Giàng A Trinh, Trường PTDTBT THCS Ta Ma (Tuần Giáo) cho biết, Sinh rất ngoan, thành tích học tập khá tốt, lại là “cây” văn nghệ của lớp. Vì em lấy chồng vào dịp nghỉ hè nên các thầy cô cũng không kịp thời nắm bắt để khuyên bảo. Nghe tin Sinh lấy chồng, các thầy cô cố gắng đến nhà động viên để Sinh có thể đi học như các bạn.

Khi hỏi về tương lai Sinh nhìn xa xăm nói: “Trước mắt em cứ cố gắng học hết lớp 9 để có bằng tốt nghiệp rồi sau đó tính tiếp”.

Bảo đảm quyền đi học cho trẻ

Thực tế ở các bản vùng cao, hủ tục vẫn hiện hữu, người dân cho rằng, con gái đến độ 13, 14 tuổi lấy chồng là chuyện bình thường. Với các nhà giáo, đây lại là nỗi lo thường trực. Để có thể vận động các em đi học sau khi “kết hôn” cũng như tuyên truyền để các em hiểu về quyền lợi cùng những hệ lụy của việc tảo hôn là một hành trình dài của nhà giáo.

Thầy Phan Văn Đạt, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ta Ma chia sẻ: “Các em vẫn đang là học sinh, chưa đến tuổi kết hôn, chưa có nhiều kiến thức về cuộc sống. Vì thế, khi làm vợ, làm mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều lo toan, gánh nặng cuộc sống. Khi lấy nhau về thì các em thường có tâm lý cam chịu, buông xuôi, không muốn đi học hoặc không được đi học trở lại”.

Nhiều năm công tác tại vùng cao, thầy Đạt thấu hiểu những tập tục của đồng bào địa phương. Năm học 2022 - 2023, trường có 3 trường hợp học sinh lớp 9 tảo hôn nhưng đều được nhà trường vận động đi học đầy đủ, đảm bảo quyền được đi học của các em. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà trường vẫn kiên trì các biện pháp vừa vận động, tuyên truyền, vừa nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để hạn chế nạn tảo hôn.

Hàng tuần vào các buổi chào cờ hoặc buổi sinh hoạt lớp, giáo viên nhà trường thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, giải thích cho học sinh trong trường nắm được hậu quả của việc tảo hôn. Bên cạnh đó, tăng cường các buổi ngoại khóa, thành lập các câu lạc bộ như để thảo luận về vấn đề tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học sinh, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hay như vấn đề xâm hại và lạm dụng tình dục vị thành niên và cách phòng tránh, chăm sóc vệ sinh thân thể đối với học sinh nữ...

Đa phần các em đã có nhận thức và sự hiểu biết nhất định về các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình cũng như những hệ quả của tảo hôn. Bởi vậy, các giáo viên vừa dạy học nhưng cũng vừa là bạn để kịp thời nắm bắt thông tin. Từ đó, sẽ tác động, định hướng cho các em có những quyết định đúng đắn. Đồng thời vận động gia đình tạo điều kiện cho con em học xong ít nhất là hết lớp 9 để có bằng tốt nghiệp THCS.

Ông Vũ Hoàng Long, Trưởng phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn đang ở mức khá cao. Năm 2022, toàn huyện có 746 người kết hôn thì có tới 49,87% tỷ lệ các cặp tảo hôn. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các xã: Ta Ma, Mùn Chung, Phình Sáng, Nà Tòng, Pú Xi, Rạng Đông và Tênh Phông.

Thời gian qua, Phòng Dân số (TTYT huyện Tuần Giáo) đã tăng cường phối hợp với các trường THPT, THCS trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nội dung chủ yếu về hôn nhân gia đình, về sức khỏe sinh sản. Đối tượng được truyền thông là học sinh và phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh ở các bản vùng cao. Đối với các trường THPT là 2 buổi/năm học, với các trường THCS là 1 buổi/năm. Tất cả chỉ với mục đích nhằm giúp bà con có thêm kiến thức về pháp luật, xóa bỏ mọi hủ tục lạc hậu để hướng đến cuộc sống văn minh, hạnh phúc.

“Không thể cứ nói cấm các em không được lấy chồng, lấy vợ là các em nghe theo, vì ở đây dễ yêu, dễ cưới. Tâm lý độ tuổi mới lớn dễ tổn thương, chạm lòng tự ái, nhiều em khi thấy giáo viên khuyên còn dọa tự tử, ăn lá ngón… Vì vậy chỉ có thể thuyết phục, vừa bằng lý lẽ, vừa bằng tình cảm, vận động cả gia đình ủng hộ. Đồng thời xây dựng và tạo môi trường học tập vui vẻ, tích cực để tạo cho các em niềm vui và niềm mong chờ được đến trường”, thầy Đạt chia sẻ.

_____________________________________

* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ