Điều này khiến tôi nhớ đến một điển tích. Trong một lần lên viếng cảnh chùa Từ Hiếu cùng những người bạn thời trung học phổ thông, được bạn kể về câu chuyện hiếu đạo của sư Nhất Định, lòng tôi trào dâng sự cảm kích, khâm phục. Bạn kể, chuyện bắt đầu từ năm 1843, thời vua Thiệu Trị (1841-1847), khi sư Nhất Định từ chức Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự và trao quyền trụ trì chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là sư Nhất Niệm. Nguyên do là, nhà sư không thể bỏ mẹ già trơ trọi một mình nên đã về nhà cõng mẹ, tìm đến vùng đất chùa Từ Hiếu tọa lạc ngày nay để lập Thảo Am An Dưỡng.
Tại đây, vừa tu hành, nhà sư vừa nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ già. Rồi một ngày nọ, dưới thời vua Tự Đức (1847-1883), mẹ của nhà sư bị bệnh rất nặng. Sáng tối, nhà sư chăm sóc, lo thuốc thang hết lòng nhưng bệnh vẫn không khỏi. Thầy thuốc khuyên nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ bởi mẹ của nhà sư đã quá suy nhược cơ thể. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, nhà sư chống gậy băng rừng đi bộ xuống chợ cách đó hơn 5 km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ ăn. Nhờ thế, mẹ của nhà sư mới qua được cơn hiểm nghèo, lần hồi bệnh thuyên giảm. Trong “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có thuật lại tấm gương hiếu thảo này.
Ở Huế, nhiều gia đình vẫn “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”. Đối với bậc sinh thành, con cháu luôn hết lòng hiếu kính. Từ việc thưa gửi, chuyện trò, từ việc lo chuyện cơm nước đến chuyện tắm rửa, vệ sinh đều không nề hà. Tôi từng chứng kiến nhiều gia đình ở Huế, ông bà cha mẹ lớn tuổi nằm một chỗ nên đại tiện, tiểu tiện con cháu đều vệ sinh giúp và không một chút khó chịu. Ở khu phố cổ Gia Hội nơi tôi sống, điều đó càng điển hình hơn. Bởi thế, nhiều lúc xem phim nước ngoài, thấy cảnh ông bà cha mẹ già yếu bị con cháu đưa vào viện dưỡng lão để tiện cuộc sống riêng tư, để tiện đi du lịch, tôi thấy “gai con mắt”.
Một vị sư già ở chùa Từ Hiếu |
Để con cháu có lòng hiếu thảo, người Huế không ngừng nuôi dạy con cháu bằng hiếu đạo. Trong lần đi cùng nhà văn Lê Vũ Trường Giang đến Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế, tôi đã xúc động và khâm phục khi được nghe nội dung cuốn sách “Thư gửi con” (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2012) của TS Thái Kim Lan, một người con xứ Huế lập nghiệp ở phương trời Tây.
Được biết, “Thư gửi con” của TS Thái Kim Lan dành cho cô con gái Mai Lan. Mai Lan sinh ra, lớn lên và sinh sống ở CHLB Đức, học tập nền giáo dục phương Tây nhưng cô gái này lại không giống như những đứa trẻ phương Tây khác. Bởi khi ra đời, Mai Lan được nằm trong chiếc nôi tre được mẹ cẩn thận đưa từ Việt Nam sang, được mẹ dạy cho tiếng Việt khá nhuần nhuyễn, được mẹ căn dặn “phải biết vâng lời của bà nội nghe con” và niệm Phật khi đã trưởng thành khôn lớn.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, chia sẻ: “Nếu ai gặp Mai Lan cũng sẽ cực kỳ yêu quý cô, không những về bề ngoài xinh đẹp mà còn vì cái cách cô, một cô gái phương Tây biết giữ lễ phép truyền thống và lòng hiếu đạo của người phương Đông”.
Là vùng đất của Phật giáo, lại là vùng đất Cố đô với Nho giáo đã thẩm thấu sâu đậm nhiều thế kỷ nên hiếu đạo được người Huế trân trọng giữ gìn. Mong sao, Huế sẽ giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống này. Bởi lẽ, những thành phố lấp lánh ánh kim tiền không thể nào trân quý bằng những thành phố có sự gắn kết bền chặt của gia đình – tế bào của xã hội.
Cảnh chùa Từ Hiếu |
Cổng chùa Từ Hiếu |
Khuôn viên chùa |