Thế nên, để giữ chân đội ngũ này, điều quan trọng không phải ở chế độ đãi ngộ mà là điều kiện, môi trường làm việc cùng chính sách thuận lợi cho phát triển chuyên môn.
Để xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho mục tiêu đào tạo giáo viên.
Đề án 89 về “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030” (Đề án 89) được xem như sự tiếp nối đề án 322 về “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” và Đề án 911 “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020”. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học.
Hiện, tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên trung bình tại cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đạt khoảng 27%. Con số này khá khiêm tốn so với các nước đang phát triển, trên 50%. Giảng viên có trình độ cao là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, số lượng công bố quốc tế và xếp loại thứ hạng trường đại học.
Chính vì vậy, mục tiêu đào tạo trên 7 nghìn giảng viên có trình độ tiến sĩ và hơn 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ mang ý nghĩa quan trọng. Tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ/sinh viên dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 10%.
Từ thực tế triển khai Đề án 322 và 911, Đề án 89 đã bổ sung thêm nhiều chế tài giúp quản lý và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nguồn ngân sách không bị lãng phí, nhân tài được cử đi học phải trở về phục vụ nhà trường. Ngoài các đề án đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách Nhà nước, thông qua quan hệ hợp tác quốc tế, giảng viên trường đại học còn có cơ hội tìm kiếm học bổng học tập ở trường đối tác.
Những giảng viên này, tuy đi bằng nguồn kinh phí suất học bổng nước ngoài hay chương trình liên kết đào tạo, nhưng thời gian học tập vẫn được hưởng 40% lương cơ bản và một số khoản phụ cấp tùy theo cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, giảng viên và trường đại học chủ quản đều có cam kết, quy định rõ ràng việc bồi hoàn nếu tự ý phá vỡ hợp đồng. Tuy nhiên, còn tỷ lệ nhất định giảng viên không quay trở về trường phục vụ sau khi đi học ở nước ngoài.
Từ năm 2017, ĐH Đà Nẵng có nhiều thay đổi trong quản lý giảng viên đi học ở nước ngoài nhằm ngăn ngừa tình trạng “một đi không trở lại”. Theo đó, 6 tháng, học viên phải báo cáo kết quả học tập một lần để trường, khoa quản lý nắm tiến độ của nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, hướng đi trong nghiên cứu khoa học của học viên được chuyển về trường. Nhà trường có thể sử dụng hoặc góp ý xây dựng nghiên cứu này. Nếu 12 tháng, học viên không có báo cáo, trường sẽ làm thông báo. Thay vì trước đây, nếu cử học viên đi học 4 năm thì gần như mất liên lạc chừng đó thời gian.
GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, thay vì chọn đi làm ở doanh nghiệp bên ngoài, người đầu quân cho giáo dục đại học đều suy nghĩ sẽ chọn con đường nghiên cứu chuyên sâu nên đây là môi trường phù hợp, không lãng phí thời gian đào tạo.
Vì vậy, cơ sở giáo dục đại học, nếu biết tạo điều kiện để công chức phát huy năng lực; cải thiện môi trường làm việc như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ hội tiếp xúc với thông tin khoa học mới là phương cách thu hút và giữ chân giảng viên giỏi, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.