Giữ chân giảng viên trẻ: Cần môi trường làm việc - nghiên cứu đúng nghĩa

GD&TĐ - Có ý kiến cho rằng, rất khó để giữ chân giảng viên trẻ vì lý do kinh tế. Thế nhưng, đối với một giảng viên đại học có năng lực thì không thiếu gì cách nâng cao thu nhập.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vấn đề quan trọng là làm sao để giảng viên trẻ không vơi nhiệt huyết, toàn tâm toàn ý vào việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng): Cải thiện môi trường làm việc - nghiên cứu để giữ giảng viên trẻ

PGS.TS Phan Cao Thọ
PGS.TS Phan Cao Thọ

Ngoài hưởng lương tập sự, giảng viên trẻ cũng nhận được sự “san sẻ” từ các giảng viên chính như đảm nhiệm giúp sinh viên ở các giờ thực hành, hướng dẫn bảo vệ đề tài, trợ giảng, hướng dẫn đề án môn học… Vì thế, dù giảng viên tập sự không được tính giờ giảng nhưng trên thực tế vẫn có thu nhập (tiền trợ giảng…).

Thực ra, tổng thu nhập bình quân những năm đầu của cán bộ trẻ không thấp vì họ vẫn được hưởng các chế độ phúc lợi của trường. Chúng tôi luôn tìm mọi cách giúp giảng viên trẻ ổn định cuộc sống, vững chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy. Như nguồn quỹ tương trợ của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật với khoảng 300 triệu đồng hầu như được giải quyết cho các cán bộ trẻ mượn để trang trải chi phí học tập nâng cao trình độ.

Trong điều kiện “cạnh tranh” để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay, điều quan trọng không phải ở chỗ chế độ đãi ngộ mà là điều kiện, môi trường làm việc cùng những chính sách thuận lợi cho việc phát triển chuyên môn.

Nếu môi trường làm việc thân thiện, giảng viên trẻ được tôn trọng, tạo điều kiện tốt để thể hiện được năng lực bản thân, cùng các cơ chế hỗ trợ từ nghiên cứu khoa học (NCKH), hợp tác quốc tế như cho phép giảng viên liên kết với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức hội thảo là đòn bẩy rất tốt để cán bộ trẻ thể hiện năng lực cũng như duy trì nhiệt tình cống hiến… Ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật hiện có nhiều giảng viên thế hệ cuối 7X, 8X đảm nhiệm công tác quản lý từ bộ môn, khoa cho đến cấp trường.

Cách bền vững nhất để các cơ sở giáo dục đại học giữ chân được giảng viên trẻ chính là cải thiện môi trường làm việc – nghiên cứu của giảng viên như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các cơ hội tiếp xúc với thông tin khoa học. Ở môi trường làm việc nào cũng cần có tình đồng nghiệp chân thành và thiện chí. Đấy là đôi cánh nâng đỡ cho cán bộ trẻ có thể vượt qua những khó khăn khi bước vào nghề và trưởng thành nhanh chóng trong chuyên môn.

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng: Tăng cường năng lực nghiên cứu

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh

Ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho giảng viên nghiên cứu và giảng dạy, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên trẻ về công bố quốc tế, phương pháp phân tích dữ liệu, khai phá dữ liệu, phần mềm nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ….

Việc duy trì đều đặn mô hình Nhóm đọc tại các khoa cũng góp phần tạo dựng thói quen sinh hoạt học thuật, là cách để thúc đẩy sự lan tỏa kiến thức, hình thành “cộng đồng bạn đọc khoa học” tại trường và tại các khoa. Với khối ngành kinh tế, để đăng được bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín là không đơn giản.

Người làm NCKH phải biết thế giới nghiên cứu đến đâu rồi từ đó mới tìm được khoảng trống. Muốn như vậy phải tiếp cận được tri thức của thế giới và Nhóm đọc là một kênh giúp giảng viên cập nhật hướng nghiên cứu trên thế giới rất hiệu quả. Qua đó, để có thể cùng nhau đào sâu, tìm được khoảng trống làm nên sự sáng tạo cho những công bố kế tiếp. Chính vì vậy, đối với giảng viên trẻ, đây là cơ hội giúp họ làm đầy tri thức, phục vụ cho công tác giảng dạy, tiếp cận các xu hướng nghiên cứu và hỗ trợ hướng dẫn sinh viên trong nghiên cứu.

Chỉ tính riêng trong năm học 2020 – 2021, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng có 65 công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus, trong đó có 44 công trình trên các tạp chí WoS/ISI và 21 công trình trên các tạp chí Scopus. Đặc biệt, một số bài báo thuộc nhóm A* và 60% số bài thuộc xếp hạng Q1 theo Scimago Journal Rank của Scopus.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng lọt vào tốp 3 trường có nhiều công bố nhất Việt Nam trên danh mục WoS/ISI khối ngành Kinh tế và Kinh doanh/Quản lý. Các giảng viên của nhà trường cũng đã công bố hơn 88 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, tham gia 105 báo cáo tham luận tại các hội thảo trong nước và quốc tế. Nhà trường cũng ký mới 27 đề tài NCKH các cấp, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước. Hơn một nửa trong số này do giảng viên trẻ đảm nhiệm.

TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân: Giúp giảng viên trẻ sống được bằng năng lực của mình

TS Võ Thanh Hải
TS Võ Thanh Hải

Chúng tôi ý thức rằng, có nhiều tiền cũng chưa chắc đã làm NCKH được nếu không giữ chân nhà nghiên cứu. Vì vậy, việc “treo thưởng” nhiều tiền cũng chưa chắc đã thu hút được nhà khoa học trẻ đầu quân về trường nếu không tạo dựng được một môi trường NCKH đúng nghĩa.

Ngoài đầu tư phòng lab, nhà trường còn xây dựng cơ chế chính sách, bảo đảm cho các nhà khoa học được phát huy tính sáng tạo và sống được bằng chính năng lực khoa học của mình. Từ năm 2009, Trường ĐH Duy Tân xây dựng lại chiến lược phát triển, đánh giá lại đội ngũ, những cán bộ, giảng viên chuyên môn hóa NCKH - giảng dạy sẽ chủ yếu tập trung vào NCKH, nghiên cứu những công trình ngoài trường, tham gia giảng dạy chỉ đạt định mức tối thiểu theo quy định. Bên cạnh đó, nhóm giảng viên giảng dạy -  nghiên cứu thì các công trình nghiên cứu sẽ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đề tài cấp cơ sở hoặc tham gia nhóm nghiên cứu.

Hiện, trường đã xây dựng hoàn chỉnh cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà nghiên cứu. Trong đó, thu nhập phải cao hơn hệ giảng viên và được tính vào lương chứ không chỉ dừng lại ở việc khen thưởng đột xuất khi có kết quả. Nhà trường cũng đầu tư cho cán bộ, giảng viên tham gia hội nghị - hội thảo chung với nhóm nghiên cứu của các trường ĐH mà giảng viên nhà trường hợp tác được và đầu tư cho cán bộ nghiên cứu ra nước ngoài hợp tác thực hiện nghiên cứu của mình.

PGS.TS Lê Phước Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng: Chính sách mới giúp giảng viên trẻ có thêm động lực trong nghiên cứu

PGS.TS Lê Phước Cường. Ảnh: NVCC
PGS.TS Lê Phước Cường. Ảnh: NVCC

Năm 2012, tôi làm giảng viên tập sự sau 7 năm nghiên cứu và học tập tại Nga. Vì đã xác định sẽ theo con đường nghiên cứu chuyên sâu nên môi trường giảng dạy ở cơ sở giáo dục ĐH là phù hợp. Trong thời gian tập sự, ngoài công việc chủ yếu là chuẩn bị bài giảng cho năm học tiếp theo sẽ giảng dạy, tôi còn đề xuất một số nhiệm vụ khoa học công nghệ để triển khai.

Thời gian đầu tập sự, trường hỗ trợ cho giảng viên trẻ mỗi tháng vài trăm nghìn ngoài lương, tuy ít nhưng cũng vui vì đời sống cán bộ viên chức, đặc biệt là cán bộ trẻ được quan tâm. Còn nói về thu nhập của giảng viên trẻ không đủ sức để giữ chân hoặc thu hút, điều này tùy thuộc vào quan điểm sống của mỗi cá nhân. Với tôi, do thực hiện được một số đề tài nghiên cứu nên đời sống tạm ổn, không cảm thấy quá thiếu thốn và vẫn có nhiều nhiệt huyết để cống hiến.

Với những chính sách mới về KHCN, điều kiện tham gia các hoạt động hội thảo trong nước và quốc tế, chính sách về khen thưởng trên tạp chí quốc tế đã có tác dụng hỗ trợ và khuyến khích sức trẻ trong công tác giảng dạy, sáng tạo và NCKH. Cán bộ trẻ NCKH hiện nay cũng khác trước, có nhiều cơ hội đăng ký thực hiện những đề tài lớn như Nafosted, cấp Bộ, cấp Nhà nước và tỉ lệ có được đề tài để thực hiện khá cao.

Chính sách phát triển ưu tiên dành cho Khoa học công nghệ của Nhà nước và nhà trường đã đi vào thực chất, nhu cầu chứ không còn hình thức như trước nữa. Giảng viên trẻ được khuyến khích và hỗ trợ công tác giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giúp họ được cọ xát và tạo động lực để tìm ra cái mới, tiếp thu cái mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.