Vượt sóng đến trường

GD&TĐ - Không phải trèo đèo lội suối như học sinh (HS) vùng cao, nhưng chuyện đi học của HS huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) cũng lắm gian nan. Để đến được trường không những các em phải vượt hàng cây số đường đất mà còn chông chênh trên chiếc xuồng, vỏ lãi, giữa dòng nước chảy xiết. Chính từ sự vượt khó ấy mà nhiều em HS nối tiếp nhau vào đại học.  

Hình ảnh quen thuộc mỗi ngày tới lớp của HS ở “đảo hiếu học” cù lao Bảy Trúc
Hình ảnh quen thuộc mỗi ngày tới lớp của HS ở “đảo hiếu học” cù lao Bảy Trúc

Đưa rước học sinh an toàn

Vĩnh Hội Đông là xã biên giới đầu nguồn của huyện An Phú (An Giang). Mỗi năm mùa lũ về, nơi đây lại chồng chất lo toan bởi các em HS bậc tiểu học (TH), mẫu giáo (MG) đến trường hết sức gian nan. Hiện tại, nhiều tuyến giao thông ở ấp Vĩnh Hoà, Vĩnh An xuống Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông đã bị nước lũ cô lập khiến HS không thể đến trường.

Mặt khác, đa số gia đình HS làm nghề câu lưới mưu sinh nên việc tự tổ chức đưa rước con em đi học gặp nhiều khó khăn, phương tiện không đảm bảo an toàn. Từ những khó khăn trên, UBND xã Vĩnh Hội Đông đã xây dựng kế hoạch đưa rước nhằm đem lại sự an tâm cho phụ huynh (PH) và đảm bảo an toàn cho HS đến trường.

Ông Lâm Ngọc Hồ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, cho biết: “Mỗi năm, tùy vào tình hình nước lũ về sớm hay muộn mà địa phương tiến hành đưa rước HS. Năm nay, lũ về sớm nên đầu tháng 8 đã triển khai công tác này. Chúng tôi đang tổ chức đưa rước 291 em, tập trung trên 5 tuyến, chủ yếu HS ở 2 ấp ngập sâu là Vĩnh Hòa và Vĩnh An”.

Ông Hồ kể, những ngày đầu khi mới triển khai, lực lượng đưa rước gặp rất nhiều khó khăn, nào là phụ huynh không tin tưởng an toàn, đến chuyện kinh phí hoạt động, phương tiện. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, công tác này đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Lực lượng đưa rước HS là những anh em tình nguyện của xã đội và người dân nhiệt tâm. Tất cả mọi người đều không tính công và chỉ mong sao quá trình học tập các em không bị gián đoạn.

Đúng hẹn, 5 giờ 30 phút sáng, chúng tôi có mặt tại UBND xã Vĩnh Hội Đông để tháp tùng các anh xã đội đi rước HS vùng lũ đến trường. Mọi việc đã sẵn sàng, anh Trần Văn Hiền cùng Nguyễn Trí Hải mang áo phao, phao cầm tay xuống chiếc vỏ lãi chạy máy xe. Vượt sóng hơn 20 phút, chúng tôi đã đến điểm rước HS xa nhất chính là ngọn kênh Cả Hàng. Tại đây, những gương mặt ngây thơ đứng trên bến chờ đò rước đi học.

Các em HS ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) đi qua cầu khỉ để đến trường.

Các em HS ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) đi qua cầu khỉ để đến trường.

Bà Dương Thị Kim Chi (ngụ ấp Vĩnh An) cho hay: “Xóm này có khoảng 50 cháu đến lớp nhưng cha mẹ đi mưu sinh các em tự đi học rất nguy hiểm. Nhờ có mấy anh xã đội đưa rước mà cháu tôi và nhiều đứa trẻ được đến trường, gia đình yên tâm lo việc đánh bắt để ổn định cuộc sống. Nếu không tổ chức đưa rước có lẽ HS ở đây nghỉ học nhiều lắm!”.

Trao đổi về tình hình giáo dục tại địa phương, thầy Thi Xuân Nhân, Hiệu trưởng Trường TH B Vĩnh Hội Đông, cho biết: “Trường có 18 lớp với 552 HS, trong đó có 203 em thuộc diện nghèo và cận nghèo. Đoạn đường đưa rước xa nhất là 6km, còn gần khoảng 2km. Nhờ công việc đưa rước này mà tình trạng HS chán nản bỏ học giảm đáng kể. Năm nay, lũ lớn và lên nhanh khiến các em HS của 7 lớp điểm lẻ không đến trường dự khai giảng được”.

Vượt khó xây “đảo hiếu học”

Cù lao Bảy Trúc thuộc tổ 1 (ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang), cứ đến tháng 7 âm lịch là bị nước lũ bao vây. Do vậy để mỗi ngày được đến trường, hàng chục em HS nơi được gọi “ốc đảo” chỉ còn cách tự bơi xuồng, chạy ghe...

Ông Nguyễn Văn Thận (53 tuổi) cho biết: “Giờ công việc chính của tôi là đưa 2 đứa cháu đi học bởi người dân trong này dù khó khăn cỡ nào cũng không để tụi nhỏ dốt. Ở đây mùa lũ vất vả lắm do phải đi đò, xuồng ghe nhưng ai cũng quan niệm chỉ cho con em học mới có cơ hội thoát nghèo. Từ đó mà nơi đây được mọi người đặt là… “đảo hiếu học”, ông Thận chia sẻ.

Những em ở khu vực xa trường được lực lượng xã đội tổ chức đưa rước đi học khi nước lũ dâng cao

Những em ở khu vực xa trường được lực lượng xã đội tổ chức đưa rước đi học khi nước lũ dâng cao

Dẫu rằng việc học ở “đảo hiếu học” vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của các em và sự hỗ trợ tận tình của các cấp chính quyền địa phương, HS nơi vùng lũ vững tin trên con đường tìm tri thức, trong đó xuất hiện nhiều gia đình điển hình.

Ông Võ Tấn Hương, Trưởng ấp Phú Hiệp, cho biết: “Vào tháng 8 âm lịch, tuyến đường dẫn vào tổ 1 bị nước lũ chia cắt. Để phục vụ việc học của 50 HS và đi lại của người dân UBND xã có vận động kinh phí thuê phương tiện đưa rước. Cù lao Bảy Trúc hiện có 44 hộ, với 185 nhân khẩu. HS ở Bảy Trúc rất hiếu học và nhiều gia đình được công nhận danh hiệu gia đình hiếu học như hộ ông Năm Trưng, Sáu Khang, Bảy Đăng, Tám Tề… Tính đến thời điểm này, cù lao Bảy Trúc có hơn 55 em đỗ đại học”.

Ông Thái Kim Khải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú - chia sẻ thêm: “Hiện tổng số HS đưa rước của toàn huyện là 476 em, trong đó địa phương tổ chức là 283 em, còn gia đình tự rước 193 em. Theo kế hoạch huy động HS ra lớp, năm học này huyện sẽ vận động 200 em mầm non, 3.070 em MG, 18.000 em TH và 10.385 em THCS. Vì đặc thù là vùng biên giới còn nhiều khó khăn nên tỉ lệ HS bỏ học vẫn còn cao nên ngành Giáo dục và chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ và tìm nhiều giải pháp để giữ vững sĩ số”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ