Lặng ngồi đếm giọt thời gian
Giọt rơi vào đất giọt tan vào lòng
Giọt buồn góp lại thành sông
Chảy sao cho hết tận cùng khổ đau
Giọt vui chầm chậm mưa Ngâu
Nối sao cho được hai đầu chênh vênh
Giọt thương làm của để dành
Giữ thì sợ mất… thôi đành đem cho
Giọt hờn giận giọt âu lo
Giọt nào sót lại để cho riêng mình.
Câu thơ đổ quán xiêu đình
Cũng không giữ nổi giọt tình mong manh
Thôi thì phận bạc đã đành
Chỉ thương đời cỏ vừa xanh đã tàn
Lặng ngồi nhấm giọt thời gian
Ngọt tan vào đất chua tan vào lòng.
Nguyễn Thị Bình
Lời bình của Trần Thanh Xuân
Thời gian như đã hiện hình lên và nhỏ thành từng giọt như giọt nước. Những giọt nước thời gian ấy, khi rơi chìm vào trong lòng đất, khi lại rơi xoáy vào người lòng sâu thẳm: “Lặng ngồi đếm giọt thời gian/ Giọt rơi vào đất giọt tan vào lòng”.
Những giọt thời gian tưởng như vô tình ấy, đã làm dấy lên những nỗi niềm thầm kín trong thế giới nội tâm: “Giọt buồn góp lại thành sông/ Chảy sao cho hết tận cùng khổ đau”.
Khổ đau và sung sướng, nỗi buồn và niềm vui, nước mắt và nụ cười là hai bên quang gánh của đời con người trong hành trình cuộc sống. Thế mà nỗi buồn đời ở đây gom góp lại đến mức đầy như sông nước. Đã thế lại chảy đến “tận cùng khổ đau”, thì có nghĩa là không có thứ khổ đau nào ở trên đời mà không nếm trải.
Nói về nỗi khổ của con người, thơ ca cổ thường ví “đời là bể khổ”, nhưng tác giả, đã không dùng hình ảnh sáo mòn mà sáng tạo ra một cách nói mới, cũng như khi nói về niềm vui: “Giọt vui chầm chậm mưa Ngâu/ Nối sao cho được hai đầu chênh vênh”.
Sao lại dùng hình ảnh mưa Ngâu để so sánh với niềm vui? Bởi mưa Ngâu đã là hiện tượng mưa dầm dề, mưa đến thối đất, nên thường gợi cảm giác buồn. Tuy mưa Ngâu (theo truyện cổ) là nước mắt của niềm vui òa vỡ, sau một năm trời, Ngưu Lang với Chức Nữ mới được gặp nhau. Nhưng sau giây phút gặp gỡ ngắn ngủi ấy, lại là sự chia lìa, nên đây cũng là nước mắt của sự khổ đau.
Vậy thì những “giọt vui” ấy làm sao nối được hai bờ tình cảm “chênh vênh”? Cho nên tác giả phải dùng hình ảnh nghịch lý này, mới nói hết được thực chất của niềm vui, “vui là vui gượng kẻo là”, vui đấy mà cũng là buồn đấy. Đây cũng là niềm vui hiếm hoi như mưa Ngâu, một năm mới có một lần.
Sự vui, buồn là như vậy, còn tình yêu thương thì sao đây:
Giọt thương làm của để dành
Giữ thì sợ mất… thôi đành đem cho
Yêu thương bao giờ cũng hướng về một đối tượng nhất định và được nảy sinh từ một duyên cớ rất cụ thể. Chẳng bao giờ có thể giữ thứ tình cảm này riêng cho mình, trừ trường hợp mình tự thương lấy mình: “Nghĩ mình, mình lại thương mình xót xa” (Truyện Kiều).
Do đấy, nếu không cho thì không những bị mất - bị phôi pha bởi sức đào xoáy của thời gian, mà còn biến thành nỗi khổ tâm nữa. Chẳng có nỗi khổ đau nào bằng muốn thương mà không được, muốn yêu mà không xong!
Tình yêu thương ngọt ngào thì dễ mất, còn nỗi đắng cay thì cứ lẽo đẽo theo đuổi con người như hình với bóng. Đó là trạng thái hờn giận và âu lo: “Giọt hờn giận giọt âu lo/Giọt nào sót lại để cho riêng mình”.
Cuối câu thơ không có dấu hỏi, nhưng những điều cần hỏi ấy đã toát ra từ trong giọng điệu của tâm trạng, và câu trả lời cũng đã có từ trong câu hỏi ấy rồi. Nỗi hờn giận và sự âu lo, tất cả là để cho riêng mình, nó cứ đầy lên theo dòng chảy của thời gian, như giọt âm thanh tích tắc của kim đồng hồ không sao đếm được.
Kết thúc bài thơ là hình thức đầu cuối tương ứng, tuy nhiên đã có sự thay đổi một vài từ: “Lặng ngồi nhấm giọt thời gian/Ngọt tan vào đất chua tan vào lòng”. Sự thay đổi ngôn từ, làm cho ý thơ cũng biến đổi theo.
Hóa ra thời gian ở đây không chỉ chứa đựng tâm trạng, mà còn mang theo cả những vị của đời, đến mức có thể ngồi “nhấm” được. Thực ra thời gian là thời gian, chứ làm gì có thứ thời gian chua cay mặn ngọt.
Đây chẳng qua là những nỗi đời cay đắng của con người, đang đào xoáy tâm tư, âm thầm mà mãnh liệt. Nhưng éo le thay, vị ngọt thì lại rơi vào đất còn vị chua thì lại rơi vào lòng, cho nỗi đời thêm chua chát!
“Giọt thời gian” là một hình tượng thơ, mang tính sáng tạo độc đáo của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Bình. Thời gian vốn mang tính khách quan, nhưng do sự cảm nhận của con người, nên có thể chia thời gian làm nhiều loại khác nhau.
Có loại thời gian vật lý (một ngày có 24 giờ, mỗi giờ có 60 phút). Lại có loại thời gian tâm lý như khi buồn hoặc khi mong đợi một điều gì thì cảm thấy thời gian dài lê thê: “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!” (Truyện Kiều).
Ngược lại, khi vui thì cảm thấy ngày giờ trôi nhanh quá: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang” (Truyện Kiều). Còn thời gian trong bài thơ này là thời gian của tâm trạng, đã được tác giả cụ thể hóa thành “giọt” và lồng vào với những nỗi niềm riêng tư.