Nếu ở Việt Nam có “like là làm”, đọ eo thon quyến rũ với que kem vẽ hình, giới trẻ nhiều nước trên thế giới cũng không kém cạnh khi sản sinh ra những trào lưu được đánh giá là khá nhảm, vô bổ, thậm chí gây nguy hiểm.
Từ những thử thách vô hại như dùng giấy A4 chứng minh mình có vòng eo chuẩn, đặt đồng xu lên xương quai xanh để khoe cơ thể mình hạc xương mai, người trẻ thậm chí chịu đau, tiêm mực trực tiếp vào nhãn cầu để có màu mắt cá tính.
Bóp méo tiêu chuẩn về cái đẹp
Các thiếu nữ Trung Quốc khoe mình có vóc dáng mảnh mai bằng cách đặt đồng xu 1 hào và 1 tệ lên cổ tay. Ảnh: Castday. |
Việc theo đuổi vóc dáng hoàn hảo dường như trở thành nỗi ám ảnh đối với phái đẹp châu Á, đặc biệt là các thiếu nữ Trung Quốc. Chính vì thế, họ không ngừng cho ra đời những trào lưu kỳ lạ để tìm ra hình mẫu cơ thể hoàn mỹ.
Không hề dựa trên cơ sở khoa học hay nghiên cứu nào, các thiếu nữ tự đặt “chuẩn” cho vóc dáng hay các bộ phận cơ thể rồi đối chiếu với mình.
Mới đây, nhiều bạn trẻ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc hào hứng với thử thách dùng điện thoại để chứng minh mình có vòng một hoàn hảo - “Tawawa Challenge”.
Những người tham gia chỉ cần đặt chiếc smartphone (hoặc bất kỳ vật gì họ muốn) lên ngực. Nếu điện thoại không rơi xuống đất, họ đã có thể chứng tỏ mình sở hữu vòng một nổi bật.
Hồi tháng Năm, giới trẻ Trung Quốc nghĩ ra cách dùng đồng xu 1 tệ có đường kính khoảng 25 mm, đặt lên cổ tay để nghiêng của mình để chứng tỏ mình có thân hình mỏng manh, gầy gò.
Nhiều cô gái tích cực thử thách bản thân theo những xu hướng tương tự và chia sẻ hình ảnh về vóc dáng chuẩn lên mạng xã hội. Trong tháng Ba năm nay, không ít cô gái Trung Quốc liên tiếp “khai sinh” các trào lưu đo vóc dáng hoàn hảo mới.
Đúng như tên gọi, thử thách vòng eo A4 là người tham gia sẽ đặt dọc tờ giấy A4 sát vào mặt bụng hoặc lưng. Nếu bề rộng cơ thể không lớn hơn tờ giấy, chứng tỏ người đó có vòng eo đẹp (theo Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế - ISO, tờ giấy A4 có kích thước 21 cm x 29,7 cm).
Sau trào lưu này, các bạn trẻ tại quốc gia đông dân nhất thế giới tiếp tục khoe thân hình chuẩn qua thử thách đo đầu gối bằng iPhone 6.
Người tham gia sẽ chụm hai đầu gối và đặt chiếc iPhone 6 theo chiều ngang lên trên. Nếu hai đầu gối bị màn hình điện thoại che khuất, điều đó có nghĩa người này sở hữu đôi chân và vòng đùi thon đạt chuẩn. Trên thực tế, chiều dài của sản phẩm Apple này là 13,8 cm.
Trong tất cả trào lưu đo vóc dáng chuẩn, vòng tay chạm rốn là thử thách có độ phủ sóng lớn nhất. Nó bắt nguồn từ Trung Quốc hồi giữa tháng 6/2015 với ý niệm cho rằng nếu bạn vòng tay ra sau lưng, qua eo và ngón tay chạm đến rốn thì chứng tỏ bạn sở hữu vòng hai hoàn hảo.
Nhiều cô gái trẻ trên khắp thế giới hào hứng trải nghiệm xu hướng đo eo thon nhờ dễ dàng thực hiện tại nhà, không cần thêm dụng cụ và không gây đau đớn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng trào lưu này có thể khiến nhiều người tự ti, ép mình giảm cân để đạt chuẩn. Vòng tay chạm rốn cũng như những thử thách kiểm tra vóc dáng chuẩn tương tự đã “bóp méo” tiêu chuẩn của xã hội về cái đẹp.
“Thử thách khá vui nhộn song đôi khi lại khiến người chơi bất an hay tự ti vì mình không đạt chuẩn”, Jolene Tan - Người phụ trách chính mảng tổ chức và truyền thông tại Aware (tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho quyền của phụ nữ tại Singapore) – nhận xét.
Trao đổi với BBC, bà Tan cho hay phái đẹp dường như mù quáng khi tin rằng xu hướng này có thể giúp mình kiểm tra xem vóc dáng liệu có hoàn hảo không.
“Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để thân hình gầy gò, mảnh mai hay mũm mĩm, thon thả đều được chấp nhận”, bà Tan nói.
Thiệt hại vật chất, tổn hại cơ thể
Mặc dù có nguy cơ bị mù, nhiều bạn trẻ vẫn chọn cách nhuộm nhãn cầu để khoe cá tính. Ảnh: Daily Mail. |
Để khoe cá tính và phô diễn sự dẻo dai của cơ thể, không ít bạn trẻ tham gia những thử thách như kẹp điện thoại sau lưng, nhuộm nhãn cầu hay tung điện thoại chụp selfie.
Ngoài những giờ phút thư giãn, xả stress, người chơi phải đối mặt nguy cơ rơi vỡ điện thoại hay thậm chí nhập viện khi hưởng ứng những trào lưu này.
Nối tiếp chuỗi trào lưu khoe vóc dáng chuẩn, kẹp điện thoại sau lưng xuất hiện vào cuối tháng 8/2015 tại Trung Quốc. Để thực hiện được thử thách, người chơi cần có vai và cánh tay dẻo, có thể gập lại sau lưng. Ngoài ra, eo thon cũng góp phần giúp thử thách được thực hiện dễ dàng hơn.
Thực tế, việc người chơi phải giữ chiếc điện thoại trong tư thế không thuận là khá khó. Nếu phần thân trên của người đó không mềm dẻo hoặc lực cánh tay quá yếu, điện thoại sẽ rơi, vỡ nát.
Tương tự, các bạn trẻ tham gia trào lưu tung điện thoại chụp selfie mới đây cũng có nguy cơ khiến chiếc smartphone của mình “rơi tự do” nếu lỡ tay.
Theo đó, người chơi cố gắng selfie trước gương bằng cách nhấn nút chụp ảnh (không hẹn giờ) ngay khi tung điện thoại lên cao, đồng thời, đập hai tay lại với nhau để có được tấm hình trong lúc điện thoại đang lơ lửng trên không.
Ngay cả tác giả của trào lưu – nam kỹ sư người Mỹ Seth Schneider – cũng cảnh báo những ai có ý định chứng minh khả năng của mình theo cách này cần suy nghĩ thật kỹ bởi chất lượng ảnh rất thấp, mà nguy cơ làm rơi điện thoại khá cao.
Tháng 11/2015, giới trẻ thế giới rộ mốt đổi màu trắng vốn có của nhãn cầu thành các màu khác như xanh lá, đen, tím để khoe cá tính. Trào lưu này được khởi xướng đầu tiên tại Mỹ bởi chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ Luna Cobra, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới.
Để có được màu mắt yêu thích, những người trẻ buộc phải tiêm mực trực tiếp vào nhãn cầu. Sau khi trải qua quá trình đau đớn này, lòng trắng của mắt sẽ được phủ diện mạo hoàn toàn mới.
Bất chấp lời cảnh báo mắt có nguy cơ mù loà vĩnh viễn đến từ các bác sĩ chuyên khoa, những dị nhân vẫn quyết tâm “thay áo” cho “cửa sổ tâm hồn”.
Trước đó, rapper người Mỹ có nghệ danh Mace phải nhập viện vì hưởng ứng trào lưu nhuộm mắt đen phổ biến trong giới của anh hồi đầu năm 2015. Mace hồi phục sau 2 tuần chữa trị và tự cảm thấy mình may mắn khi không bị mù.