Giới trẻ và áp lực mang tên 'kỳ vọng': Gia đình là lá chắn

GD&TĐ - Theo chuyên gia tâm lý, gia đình là "lá chắn" quan trọng trong quá trình điều trị các bệnh lý tâm thần cho giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.

Bên trong khoa Rối loạn cảm xúc – Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.
Bên trong khoa Rối loạn cảm xúc – Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.

Đa số các em mắc chứng rối loạn tâm thần ở thể nặng thường do có vấn đề tâm lý trong thời gian dài mà không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Nếu nhà trường, gia đình không chủ động phòng tránh và quan tâm, phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường để điều trị sẽ dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn.

Giải quyết vấn đề từ gốc

Hiện nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng, sức khỏe tâm thần chỉ cần được can thiệp và điều trị liên quan đến bệnh lý tâm thần phân liệt hay động kinh. Từ đó, những trường hợp khác mà các em học sinh vẫn thường xuyên gặp phải như: Trầm cảm, phản ứng với sang chấn, rối loạn lo âu, loạn thần… lại bị xem nhẹ trong điều trị.

ThS Lý Đức Thanh, giáo viên tham vấn học đường Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM) cho rằng, cần xác định nguyên nhân chính gây nên tình trạng áp lực cho con trẻ. Nếu sự kỳ vọng của gia đình là yếu tố chính thì phụ huynh cần được tư vấn để nhìn rõ vấn đề, từ đó giải quyết triệt để tận gốc lý do gây áp lực cho các em. Tránh tình trạng bệnh tái phát do nguyên nhân cũ lặp lại.

Riêng đối với các em học sinh, ThS Thanh cho rằng, giáo viên, nhân viên nhà trường là người dễ nhận ra nhất. Việc phát hiện và hỗ trợ kịp thời của nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp trẻ không bị bỏ rơi, bêu xấu, cô lập… Tuy vậy, đây là cả một quá trình cần phải trau dồi và học tập, không phải bất cứ thầy cô nào cũng có khả năng tư vấn, thấu hiểu, giáo dục tâm lý các em có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Việc can thiệp tại nhà trường có thể can thiệp ở 3 cấp độ đối với tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh. Đầu tiên, ở cấp độ 1 là những chiến lược mức độ toàn trường nhằm ngăn ngừa các hành vi của trẻ gây nên những vấn đề rắc rối, thúc đẩy các hành vi tích cực ở học sinh.

Tiếp đến, can thiệp ở cấp độ 2 cần tập trung vào các hành vi có vấn đề tương đối nghiêm trọng và đánh giá nhu cầu cần sự trợ giúp của học sinh. Để từ đó xây dựng các nhóm hỗ trợ kỹ năng liên quan đến học tập, ứng xử, giao tiếp; các kỹ năng xã hội cơ bản nhằm phối hợp giữa nhà trường, gia đình và bạn bè để can thiệp kịp thời.

Cuối cùng, can thiệp ở mức độ 3, cần có kế hoạch cụ thể, mang tính lâu dài cho những học sinh có hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập tại trường.

“Học sinh là những đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình, nhà trường cần liên hệ chặt chẽ, phối hợp hiệu quả để có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cần có những chương trình, hành động cụ thể để đồng hành cùng các em, nhất là các em có vấn để về tâm lý, tránh để các em cô đơn trên chính hành trình của mình”, ThS Thanh nhấn mạnh.

gioi tre va ap luc mang ten ky vong (2).jpg
Sinh viên Trường Đại học Công Thương (TPHCM) hứng thú khi tham gia các buổi sinh hoạt tư vấn tâm lý do nhà trường tổ chức. (Ảnh: Sơn Phạm)

Chung tay vì tương lai của đất nước

Trước thực trạng giới trẻ bị áp lực từ kỳ vọng của gia đình, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) nhìn nhận: Cuộc sống hiện đại, ngoài áp lực công việc mà người lớn phải chịu, trẻ em cũng chịu rất nhiều áp lực từ xã hội, môi trường, dịch bệnh hay chính áp lực từ gia đình của mình.

Thông thường, độ tuổi dễ rơi vào khủng hoảng là các em học sinh. Tuy nhiên, sinh viên cũng là nhóm đối tượng dễ gặp những bế tắc trong cuộc sống, nhất là thời gian mới nhập học, phải tự lập vì phải rời xa gia đình.

Thấu hiểu điều đó, Trường Đại học Công Thương TPHCM duy trì tổ chức các buổi livestream (1 lần/tháng), mời các chuyên gia tâm lý đến trường chia sẻ các nội dung chủ yếu như: Sinh viên cần nói gì khi giao tiếp với người khác phái; Gen Z cần làm gì để thích ứng với xã hội hiện đại?...

“Khi phát hiện sinh viên đang có vấn đề về tâm lý, khúc mắc trong cuộc sống cần được giúp đỡ, nhà trường sẽ phân công cán bộ tư vấn riêng cho sinh viên để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể nhằm giải quyết triệt để vấn đề mà các em đang gặp phải. Nhà trường định hướng các em tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm, tham gia các hoạt động công tác xã hội để cải thiện tình trạng tự cô lập”, ThS Sơn chia sẻ.

Liên quan vấn đề này, BS.CKI Nguyễn Quang Huy, phụ trách Khoa Khám bệnh tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) cho biết, tỷ lệ trẻ em có biểu hiện rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng, nhưng cơ sở tư vấn, tham vấn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ tại nhà hiện còn ít. Đa số trẻ vào bệnh viện điều trị khi biểu hiện bệnh ở mức độ tương đối nặng và kéo dài.

Theo bác sĩ Huy, sức khỏe là tổng hòa từ 3 yếu tố sinh học - tâm thần - xã hội. Sức khỏe tâm thần là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển về trí tuệ, thể chất, nhân cách mỗi người.

Hiện nay, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; các dịch vụ y tế, dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện sớm… Dù vậy, các vấn đề về sức khỏe tinh thần vẫn còn nhiều khoảng trống. Vì đó, gia đình, nhà trường, xã hội cần phối hợp quan tâm nhiều đến trẻ em.

“Cha mẹ cần đồng hành, có thói quen sinh hoạt lành mạnh, nhịp sinh học ổn định, có cách kiểm soát, quản lý, cân bằng cảm xúc tốt hơn, quan tâm phù hợp đến trẻ nhiều hơn. Khi trẻ có vấn đề sức khỏe tinh thần, cần được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Đặc biệt, tuyệt đối không được vì xấu hổ mà không đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm lý mà tự điều trị tại nhà, kéo dài làm tình trạng trẻ nặng hơn, tự gây hại cho bản thân và những người xung quanh”, BS Huy nói.

Trong khảo sát sàng lọc về tình trạng sức khỏe tinh thần của hơn 8.500 học sinh THCS, THPT trên địa bàn TPHCM, nhóm nghiên cứu của Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã đưa ra những con số đáng báo động. Có 1.117 (12,92%) học sinh được khảo sát cảm thấy stress ở mức vừa, nặng và rất nặng. 1.952 học sinh (22,58%) trong trạng thái lo âu ở mức vừa, nặng và rất nặng. 1.177 học sinh (13,62%) có biểu hiện trầm cảm ở mức vừa, nặng và rất nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ