Năm 2015, Yoon Chang-hyun, 32 tuổi, bất ngờ từ bỏ công việc nghiên cứu ở hãng điện tử Samsung để bắt tay phát triển một kênh YouTube.
Trước lúc nghỉ việc, anh hưởng mức lương 65 triệu won (57.600 đô la)/năm, gấp ba lần mức lương khởi điểm bình quân ở Hàn Quốc mỗi năm, cộng với các khoản phúc lợi y tế cao cấp và các bổng lộc khác từ nhà sản xuất chip và smartphone lớn nhất thế giới.
Yoon là một trong những lao động gia nhập làn sóng thế hệ thiên niên kỷ Hàn Quốc (sinh năm 1981 đến 1996) từ bỏ các công việc “cổ cồn trắng” ổn định dù cho tỷ lệ thất nghiệp đang tăng, hàng triệu người khác vẫn đang cạnh tranh để được vào làm việc ở các tập đoàn khổng lồ thuộc sở hữu của các gia tộc (còn gọi là chaebol).
Họ nghỉ việc vì cảm thấy mệt mỏi và thất vọng do phải tăng ca làm việc vào ban đêm cũng như các cơ hội thăng tiến bị thu hẹp trong khi giá bất động sản tăng vọt, khiến giấc mơ sở hữu nhà vượt quá tầm với của họ.
Một số thanh niên Hàn Quốc cũng đang rời bỏ các thành phố để về các miền quê làm nông trại hay ra nước ngoài làm các công việc tay chân. Họ từ bỏ các thước đo thành công theo truyền thống trong xã hội Hàn Quốc: một công việc văn phòng được trả lương cao, lập gia đình và mua một căn hộ.
Yoon nói: “Tôi bị nhiều người hỏi rằng tôi có điên hay không. Nhưng tôi sẽ nghỉ việc nữa nếu tôi quay trở lại công việc văn phòng. Các sếp của tôi chẳng vui vẻ chút nào. Họ quá tải công việc và cô đơn”.
Giờ đây, Yoon đang sống dựa vào các khoản tiền tiết kiệm trong khi quản lý một kênh YouTube nói về nỗ lực theo đuổi các công việc mơ ước.
Các cheabol tiếng tăm như Samsung và Hyundai đã giúp Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ từ đống tro tàn của cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Đối với thế hệ lớn tuổi Hàn Quốc, những người sinh từ năm 1946 đến năm 1964, các công việc ổn định, có mức thu nhập tốt là cánh cửa để bước vào tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc chững lại cộng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất đang gây áp lực cho triển vọng lương bổng, khiến nhiều lao động nhảy việc thường xuyên hơn.
Một cuộc khảo sát vào năm 2012 cho thấy người lao động Hàn Quốc có thời gian làm việc trung bình cho một công ty chỉ là 6,6 năm, ngắn hơn nhiều so với mức trung bình 9,4 năm ở các nước thành viên khác của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hay mức 11,5 năm ở nước láng giềng Nhật Bản.
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy chỉ có 55% người Hàn Quốc hài lòng về công việc của họ, mức thấp nhất trong số các nước thành viên OECD.
Hồi tháng 1-2019, phong trào “nghỉ việc” lọt vào top 10 các vấn đề quan trọng của các thành viên ở các mạng xã hội lớn tại Hàn Quốc.
Một số người lao động Hàn Quốc thậm chí còn tham gia các lớp học hướng dẫn kế hoạch nghỉ việc. Một ngôi trường gồm ba lớp học ở phía Nam Seoul, có tên gọi “Trường nghỉ việc”, đã thu hút hơn 7.000 học viên kể từ năm 2016.
Jang Su-han, 34 tuổi, cho biết anh nghỉ việc ở hãng điện tử Samsung vào năm 2015 để thành lập ngôi trường lạ đời này. Giờ đây, trường của Jang đang cung cấp khoảng 50 khóa học bao gồm các khóa học đào tạo kỹ năng để trở thành nhà phát triển nội dung của YouTube, quản lý khủng hoảng cá nhân (identity crisis) hay cách để xây dựng ý tưởng cho kế hoạch B về việc làm.
Tuy nhiên sức hấp dẫn việc làm ở các chaebol vẫn mạnh mẽ. Hãng điện tử Samsung vẫn được bình chọn là nơi làm việc đáng mơ ước nhất với các sinh viên mới tốt nghiệp ở Hàn Quốc, theo cuộc khảo sát mới đây của Cổng tìm kiếm việc làm Saramin.
Tuy nhiên, Duncan Harrison, Giám đốc chi nhánh Công ty tuyển dụng việc làm Robert Walters (Anh) ở Hàn Quốc, nhận xét ngày càng có nhiều người lao động trẻ không sẵn sàng chấp nhận giờ giấc làm việc quá dài hoặc các cuộc ăn nhậu bắt buộc, một phần văn hóa doanh nghiệp ở các công ty Hàn Quốc.
“Tâm thế của những người mới bước vào độ tuổi lao động ở Hàn Quốc rất khác so với các thế hệ trước đây”, Harrison nói.
You Hoe-joong (phải) đang dạy cho học viên sử dụng camera trong khóa học đào tạo nhà phát triển nội dung Youtube. Ảnh: Reuters
Theo kết quả khảo sát ý kiến của các học sinh tiểu học do chính phủ Hàn Quốc thực hiện vào năm 2018, nhà phát triển nội dung YouTube giờ đây đứng thứ năm trong danh sách việc làm mơ ước của chúng, chỉ đứng sau ngôi sao thể thao, giáo viên, bác sĩ và đầu bếp.
Một số lao động Hàn Quốc muốn chọn cuộc sống đơn giản hơn ở miền quê. Giữa hai năm 2013 và 2017, Hàn Quốc chứng kiến số hộ gia đình bỏ thành phố để về quê làm nông tăng 24% với tổng cộng hơn 12.000 hộ.
Và khi cơ hội việc làm ở trong nước ngày càng ít ỏi, gần 5.800 người Hàn Quốc ra nước ngoài làm việc vào năm ngoái, tăng hơn gấp ba lần so với năm 2013.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Cho Seung-duk, một kỹ sư 37 tuổi ở Hàn Quốc đưa vợ và hai con sang sinh sống ở TP. Brisbane, Úc. Cho Seung-duk đã chuyển việc từ Công ty xây dựng và kỹ thuật Hyundai sang một công ty xây dựng hàng đầu khác trước khi rời Hàn Quốc.
Anh cho biết anh đưa gia đình sang Úc vì lo ngại các con của anh sẽ không có triển vọng nghề nghiệp. “Tôi có thể làm nghề lau dọn văn phòng ở TP. Brisbane nhưng không sao cả”, anh nói.