Tác giả của- cuốn sách- TS Bùi Chí Trung- phó trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Báo chí Việt Nam ngày càng lớn mạnh phát triển bởi một phần không nhỏ là chúng ta làm tốt kinh tế báo chí.
Không ít tờ báo in, báo hình, báo điện từ không những đảm bảo đời sống cho đội quân hùng hậu, mở mang và phát triển đơn vị mà còn đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà báo cùng với những kiến thức sâu rộng về chính trị- kinh tế- xã hội thì còn phải nắm bắt, hiểu biết về nguyên lí hoạt động của thị trường truyền thông để tích cực tham gia vào các dự án, góp phần xây dựng chiến lược phát triển của cơ quan mình.
Tuy nhiên phần lớn những thông tin kiến thức về kinh tế báo chí, kinh tế truyền thông tại Việt Nam hiện nay còn có nhiều hạn chế bất cập, chưa có những đúc kết học thuật về vấn đề này.
Do vậy, một số cơ quan báo chí tuy đã mạnh dạn nắm bắt và vận dụng xu hướng phát triển kinh tế truyền thông để tạo nguồn thu bù đắp một phần chi phí, nhưng hoạt động này vẫn mang tính tự phát, chưa có hệ thống, bài bản.
Cuốn sách được xuất bản với mục đích cung cấp những nghiên cứu chuyên sâu, phân tích có cơ sở lí luận và thực tiễn đã được đánh giá, phản biện một cách khoa học nhằm góp phần xây dựng một nền kinh tế báo chí Việt Nam vận hành lành mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, góp phần để khoảng cách giữa báo chí Việt Nam với thế giới tiến gần đến nhau hơn.
TS Bùi Chí Trung
Cuốn sách tập trung vào những vấn đề chính của kinh tế báo chí như: Các mô hình kinh doanh, kinh tế báo chí trên nền tảng kĩ thuật số, hội tụ và đa phương tiện; kĩ năng phân tích thị trường và xây dựng chiến lược kinh doanh, những vấn đề cơ bản, cuốn sách đồng thời hướng đến cả những vấn đề thực tiễn trong hoạt động kinh doanh báo chí hiện nay ở Việt Nam.
Để hoàn thành cuốn sách, tác giả đã sử dụng các nguồn tài liệu nước ngoài về kinh tế truyền thông như Mỹ, các nước Tây Âu, Nga; các giáo trình, tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia: GS.TS Tạ Ngọc Tấn, PGS.TS Đinh Văn Hường, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang... đồng thời tham khảo các công trình đã công bố trong và ngoài nước.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét: Để hoạt động kinh tế báo chí truyền thông có hiệu quả, đúng pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam và các chuẩn mực xã hội thì việc nghiên cứu, hệ thống hóa cơ sở lí luận về kinh tế báo chí; đào tạo, đào tạo lại, tự đào tạo và nâng cao hơn nữa kiến thức về kinh tế, về luật pháp cho nhà báo là việc cần thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.
Với cách tiếp cận mới, kết hợp giữa cơ sở lí thuyết về kinh tế báo chí với việc khảo sát trên thực tế sự vận động phát triển của các hình thức kinh doanh sinh lời và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực kinh tế báo chí hiện nay, cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích với rất nhiều gợi ý tốt, giúp các nhà lãnh đạo, quản lí tham khảo, vận dụng trong quá trình phát triển hệ thống báo chí truyền thông nước ta trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới.