Làm báo trong tình yêu thương

GD&TĐ - Ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi và các đồng nghiệp được làm báo trong tình yêu thương - trước tiên là từ lãnh đạo Bộ.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Báo Giáo dục và Thời đại vinh dự được đón Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tới chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Báo Giáo dục và Thời đại vinh dự được đón Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tới chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên.

Không có “vùng cấm”

Trước khi trao quyết định Tổng Biên tập báo Giáo dục và Thời đại, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gọi tôi lên gặp. Ông nói tới sự mong muốn của lãnh đạo Bộ về việc đổi mới tờ báo của Ngành, chỉ vẽ những giải pháp để đạt được sự thành công.

Lo tới việc đảm bảo đời sống của cán bộ, phóng viên trong tình hình kinh tế báo chí khó khăn, ông chỉ rõ những địa chỉ để tôi liên hệ khi cần. “Thực túc, binh cường” – Chia sẻ sự tin cậy nhưng ông hiểu muốn tờ báo phát triển thì đời sống anh em phải ổn định.

Bộ trưởng nói: Đối với báo chí nói chung và báo Ngành nói riêng không có “vùng cấm” nào cả. Lãnh đạo Bộ và cá nhân tôi luôn chia sẻ mọi thông tin với báo chí, sẵn sàng lắng nghe các luồng ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân qua các phương tiện truyền thông để cân nhắc, tiếp thu trong hoạch định chính sách, để xử lý các hiện tượng tiêu cực trong Ngành. Sự đồng thuận của báo chí, những tấm gương, điển hình tốt mà các nhà báo phát hiện là sự cổ vũ, động viên cho đội ngũ các thầy cô giáo, cho các em học sinh.

Riêng với báo Giáo dục và Thời đại, ông dặn dò: Các nhà báo giáo dục cũng là những người thầy nên khi viết cần có sự am hiểu, sự cảm thông sâu sắc. Khen hay chê cần có lý, có tình, có sự phân tích thấu đáo thì người được khen hay bị chê mới thấm thía để vươn lên hay khắc phục.

Báo phải như là cột thu phát sóng để lãnh đạo Bộ hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, các thầy cô giáo, của các em học sinh nhưng cũng  cần truyền thông sao cho xã hội hiểu được các quyết sách của Ngành, hiểu và thông cảm với những khó khăn mà toàn Ngành đang phải vượt qua.

Sự nghiệp giáo dục mà toàn Đảng, toàn dân đang giao cho Ngành cần sự tin tưởng, chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân thì mới thành công. Muốn vậy thì sức mạnh truyền thông từ báo Ngành hết sức quan trọng.

Thấu hiểu từ nỗi lo nhỏ bé của những người làm báo Ngành nhưng Bộ trưởng đã chỉ ra phong cách làm việc của đội ngũ, chỉ ra tầm vươn lên của tờ báo. Đó là điều tôi luôn cảm nhận được từ người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo.

Người chị cả

Đó là từ mà tôi muốn dành để gọi Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa. Phụ nữ vốn được dành cho thiên chức chăm lo tới những người khác nhưng những người phụ nữ của các vùng đất khó khăn thì sự chăm lo dường như còn nồng đượm hơn.

Chị là người được Ban cán sự Đảng và Bộ trưởng giao trực tiếp phụ trách báo nên tôi thường nhận được điện thoại của chị. Lúc thì vui tươi, hồ hởi khi có một bài báo hay; lúc băn khoăn khi biết chúng tôi đang gặp khó khăn. Chị luôn hỏi han cặn kẽ để đưa ra những gợi ý trong công tác lãnh đạo của Ban Biên tập Báo.

Còn nhớ, năm 2013, lãnh đạo Báo muốn thay đổi manchette để tạo khí thế mới. Thông cảm với quyết tâm của Báo, nhưng chị gọi riêng tôi nói rõ những việc nên làm trước, việc thay đổi manchette cần tính toán vào một thời gian hợp lý.

Khi Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, khi ngày kỷ niệm 55 năm báo Giáo dục và Thời đại xuất bản số báo đầu tiên đang đến tập thể Báo mong muốn có sự thay đổi lớn trong nội dung và hình thức trình bày thì vấn đề năm trước lại được đặt ra.

Khi chúng tôi đang bí về lực lượng sáng tác thì chị gợi ý nhờ sự giúp sức của các trường đại học mỹ thuật. Chỉ dẫn đó đã được nghe theo và giờ đây một manchette mới, một layout mới đã sẵn sàng cho những thay đổi lớn của Báo cùng sự thay đổi của toàn Ngành trong năm 2015.

Người chị ấy cũng thường xuyên lo cho “nồi cơm” của Báo chúng tôi khi thường xuyên quan tâm tới chỉ số phát hành, quảng cáo của Báo. Ngay như trong dịp chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm, một câu hỏi của chị khiến cho tôi cũng phải suy nghĩ: Dịp này có khoản nào cho anh em để động viên không? Lo những nỗi lo đời thường của chúng tôi như thế nên có cơ hội nào giúp Báo phát triển là chị gọi ngay. Những chỉ vẽ, tạo điều kiện như thế của chị giúp chúng tôi thêm ấm lòng, thêm vững tin.

Hai ông thầy vẫn đêm đêm “chấm bài”

8 giờ 56 ngày 25/11/2014. Khi tôi đang ngồi viết bài báo này thì có điện thoại của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển gọi: “Chú động viên anh em đợi chút nữa nhé. Tôi đang tính toán để sửa lần nữa”. Chắc Thứ trưởng Hiển vừa xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) thì gọi lại ngay. Bởi trước đó, khi đang trên đường ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) khi tôi điện thoại hỏi về bài phỏng vấn thì ông đáp: “Tôi đang đọc bài trên điện thoại để chuyển cho các chú”.

Tôi hình dung ra ông đang tập trung vào màn hình nhỏ của điện thoại Blackberry Bold, bấm thoăn thoắt trên bàn phím cơ để sửa bài cho phóng viên. Trước khi lên máy bay ông đã kịp gửi bài về cho Tòa soạn.

Chắc chắn thời gian ngồi trên máy bay ông vẫn tiếp tục suy nghĩ về bài báo khi cậu phóng viên viết bài về cuộc họp ông chủ trì đã xong bữa cơm đầm ấm cùng gia đình đang thảnh thơi xem TV. Xuống sân bay, khi được gọi điện thoại, ông đã gọi về ngay động viên chúng tôi.

Truyền lại thông tin đó, cả kíp thư ký tòa soạn, kỹ thuật viên vi tính đều ồ lên: “Bác Hiển, bác Ga nói thế là yên tâm rồi!”. Còn nhớ, có tối gọi điện nhờ Thứ trưởng Hiển xem lại bài, ông hồ hởi nói: “Tớ đang uống rượu mừng sinh nhật anh em, 15 phút nữa sẽ về nhà đọc bài cho các chú!”. Rất gần gũi, khi uống cũng hết mình nhưng “bác” - theo lối gọi dân dã, trìu mến của chúng tôi – luôn thương nỗi ngóng bài của cánh nhà báo.

Một “bác” nữa là Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ông cũng như người thầy đêm đêm sửa cho phóng viên từng câu, từng chữ; thậm chí viết lại cả đoạn. Đôi khi nhận được bản thảo trả lại đầy những chữ đỏ, chữ xanh mới biết ông sửa bài cho chúng tôi không chỉ một lần bằng công cụ Track Changes trên máy tính. cả phóng viên lẫn biên tập đến Tổng Biên tập chỉ biết lè lưỡi nhìn nhau, thán phục sự làm việc nghiêm túc của một nhà khoa học và tự nhắc mình lần sau phải cẩn thận hơn.

Một điều khiến phóng viên trong báo rất vui vì thường nhận được tin nhắn, hay email khen ngợi của hai “bác”. Chẳng hạn, sau cuộc giao lưu trực tuyến về hoạt động của Đề án Ngoại ngữ, có ngay tin nhắn của “bác” Hiển khen ngợi là có hiệu quả. Còn trong điện thoại của tôi vẫn còn những tin nhắn, email vào sáng 30 Tết Giáp Ngọ của “bác” Ga khen ngợi, động viên nhóm phóng viên báo điện tử miệt mài làm việc để kịp thời xuất bản đề án tuyển sinh riêng của các trường ngoài công lập.

Đọc tin nhắn, toát mồ hôi

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng tôi cũng nhận được những lời khen. Nguyên Thứ trưởng Trần Quang Quý từng gọi điện thoại nhắc về những hoạt động của Bộ mà báo điện tử cập nhật chậm. Hay có lần Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chuyển tiếp một tin nhắn của bạn đọc phản ánh báo Giáo dục và Thời đại vừa “đổi họ” cho ông thành… Nguyễn Mạnh Hùng.

Vốn là người giảng dạy Văn học ở trường đại học, cẩn thận, kỹ lưỡng nên khi gặp gỡ trong các cuộc họp, đôi lúc ông vẫn gọi riêng tôi góp ý về từng lỗi câu, lỗi chính tả hay văn phong, cách đưa tin, cách biên tập.

Cũng có lần Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng tham dự một cuộc họp nội bộ ở phía Nam. Vốn thân thuộc với cơ sở nên phóng viên cứ đàng hoàng dự họp rồi nhanh nhảu gửi tin cho báo điện tử. Thứ trưởng Hùng gọi ngay cho Tổng Biên tập nhắc phóng viên nên cẩn trọng hơn khi dự để biết tính chất từng cuộc họp.

Quả thực, qua những lần nhắc nhở của các Thứ trưởng, quy trình tác nghiệp của phóng viên đều được sửa đổi, bổ sung thêm hoàn thiện, bớt đi những “tai nạn nghề nghiệp”.

Một điều hết sức ấn tượng nữa là có tiếng cẩn trọng nhưng các công việc liên quan đến Báo đều được Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ưu tiên dành thời gian xem xét và xử lý rất nhanh. Nhiều lần, báo có những vấn đề hết sức quan trọng, tôi cứ canh thời gian để xin được trình bày thêm nhưng khi hỏi qua thư ký thì biết ông đã chủ động hỏi các bộ phận giúp việc và ký thông qua.

Thật may mắn cho một Tổng Biên tập, một tập thể báo chí được làm việc với những người thầy giàu tri thức, giàu tình cảm, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung như thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.