Giới thiệu sách, đừng vội viết lời có cánh nếu chưa đọc

GD&TĐ - Ra mắt sách là một sinh hoạt văn hóa rất phổ biến hiện nay, đặc biệt ở mảng sách văn học.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Với sự cởi mở trong xuất bản, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, việc cấp giấy phép xuất bản không hề khó khăn. Do đó, việc in ấn phát hành sách cũng thuận lợi và phong phú, đa dạng thể loại.

Chúng ta chưa có nhà xuất bản tư nhân, nhưng lại có những công ty tư nhân làm về mảng xuất bản. Thậm chí, một cá nhân cũng có thể xin được giấp phép xuất bản, tự chế bản hoặc nhờ người chế bản, sau đó chuyển bản thảo tới nhà in. Đến hẹn, những cuốn sách còn thơm mùi giấy, mùi mực sẽ được đưa về nhà.

Sơ qua như vậy về một phần của quy trình xuất bản để lý giải vì sao hiện nay sách xuất bản nhiều như vậy. Một tác giả có hàng chục đầu sách in trong vài năm cũng là chuyện bình thường.

Sách nhiều, đồng thuận với các buổi lễ ra mắt sách nhiều. Các buổi này có thể do nhà xuất bản tổ chức, nếu đó là sách do họ bỏ kinh phí thực hiện. Ra mắt sách là một hoạt động giới thiệu, truyền thông hữu ích mà không mấy tốn kém.

Bên cạnh đó, các tác giả cũng tổ chức ra mắt sách. Kinh phí tất nhiên tự lo, nhiều ít tùy thuộc từng người. Có nhiều tiền và có quan hệ rộng thì mời được nhiều khách là những nhân vật uy tín, có ảnh hưởng; mối quan hệ với báo chí truyền thông cũng tốt đẹp.

Các buổi ra mắt sách luôn đem lại niềm vui, sự hoan hỷ cho cả hai bên, thậm chí ba, bốn bên: Tác giả, nhà xuất bản, khách mời và công chúng biết tin thì đến dự. Nhưng nếu theo dõi nội dung các buổi ra mắt sách, lắng nghe từng lời nhận xét hữu tình của khách mời, đọc/nghe/xem các nội dung giới thiệu sách trên báo đài, và tự mình thẩm định tác phẩm, thì sẽ thấy không ít cuốn sách, giữa nội dung thực và những lời thẩm bình là một khoảng cách. Khoảng cách ấy đôi khi rất xa vời.

Lời giới thiệu đầy thiện ý, cả những lời khen có cánh của khách mời dành cho tác giả, cho một tập thơ, tập truyện ngắn hay tiểu thuyết – đó là điều thường thấy trong không gian buổi ra mắt sách, và là điều chấp nhận được. Bởi ở không gian đó, mọi người giới thiệu nhau, chào hỏi nhau, động viên nhau trên tinh thần giao lưu gặp gỡ.

Nhưng nếu các nhà báo đưa nguyên những lời có cánh ấy vào bài giới thiệu sách của mình, phát trên đài, trên tivi, đưa báo viết, báo điện tử, thì bài viết ấy thiếu tính xác thực. Bởi báo chí không đơn giản là phản ánh những điều xem/nghe thấy. Báo chí là nhìn nhận, phân tích, bình luận và rất nhiều chức năng khác.

Một phóng viên, biên tập viên của một báo X đi dự buổi lễ ra mắt sách, không hề đọc sách mà chỉ biến những lời phát biểu, trao đổi tại đó như một căn cứ xác thực đánh giá cuốn sách, đánh giá tác giả - đó chỉ là sao chép, tường thuật lại, không có tính chất của một bài giới thiệu tác phẩm, càng không thể gắn mác phê bình.

Người viết báo hay công chúng nói chung cần tự thẩm định tác phẩm bằng năng lực của mình, biết lắng nghe, cảm nhận và phân tích với chính kiến riêng. Điều ấy tốt cho tác giả, tác phẩm hơn là nghìn lời hoa mỹ dài dòng nhạt nhẽo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ