Không có… “cửa”
Hiện nay hầu hết những chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn hay sự kiện kỉ niệm từ lớn đến nhỏ, từ Trung ương đến địa phương hay các cơ quan, ban ngành dường như đều không thể vắng bóng sự tham gia của lực lượng nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn múa.
Hay trong các mùa hội diễn, liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, toàn quân do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng chủ trì có tới hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm múa của các nhà biên đạo được ra đời.
Nhưng có lẽ, ngoài phóng viên Tạp chí Nhịp điệu của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tác nghiệp với một số bài phản ánh chi tiết, trực diện về nghệ thuật múa thì hầu như không có phóng viên của cơ quan báo chí, truyền thông nào theo dõi sát sao để có những bài viết mang tính lý luận, phê bình chuyên sâu về nghệ thuật múa; có chăng chỉ là những bài viết đưa tin chung chung.
Phải khẳng định rằng, số lượng nghệ sĩ sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn múa của nước ta hiện nay rất hùng hậu, đông đảo và ngày càng xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng. Thế nhưng, lực lượng đội ngũ lý luận phê bình múa thì ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc.
Nhìn sang các nhà hát, có biên chế, chỉ tiêu cho đội ngũ chỉ huy, sáng tác, biểu diễn nhưng không có vị trí nào cho đội ngũ lý luận phê bình múa. Nhìn tới các đơn vị hành chính chuyên về mảng văn hóa nghệ thuật Nhà nước có đầy đủ chỉ tiêu cho các vị trí văn thư, hành chính văn phòng, tổ chức, tài chính - tài vụ, văn hóa, văn nghệ... nhưng cũng không có “chân” cho vị trí nhân sự tốt nghiệp lý luận phê bình múa.
Tìm đến các trường văn hóa nghệ thuật có mã ngành đào tạo về nghệ thuật múa song cũng chỉ có vị trí dành cho giảng viên huấn luyện - thực hành, giảng viên môn kỹ thuật biểu diễn, không có vị trí nào cho cán bộ nghiên cứu hoặc giảng viên môn Lịch sử, Lý luận phê bình múa.
Chạy sang các cơ quan báo chí, truyền thông, những chuyên trang văn hóa nghệ thuật cũng chỉ quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn sân khấu chung chung hoặc có những tờ báo thị trường thì còn mải ưu tiên cho chuyện showbiz của nhân vật nổi tiếng với những bài viết, tin tức giật gân gây tò mò “câu like”, “câu view”... làm gì có “đất” cho những bài viết chuyên biệt về nghệ thuật múa.
Sát sườn hơn, cứ mỗi đầu nhiệm kỳ của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, người trong ngành múa lại khấp khởi mừng thầm với những chương trình Hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và và các Hội VHNT địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao.. của Chính phủ.
Nhưng, đối với những đối tượng hoạt động lý luận phê bình múa để tiếp cận được với chương trình hỗ trợ này thì điều kiện đầu tiên bạn phải là hội viên của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam hoặc hội viên các hội văn học nghệ thuật... Nếu may mắn được duyệt đề cương sách hoặc đề tài nghiên cứu thì cũng chỉ là một nguồn kinh phí ít ỏi so với khối lượng hàng trăm trang sách mà người nhận tài trợ phải có nghĩa vụ hoàn thành.
Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương hàng năm cũng triển khai việc Xét hỗ trợ các tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật cho các đối tượng là nhà báo, nhà nghiên cứu đang công tác tại các hội văn học nghệ thuật, các khối trường đại học văn hóa nghệ thuật hoặc các cơ quan báo, đài, tạp chí. Nhưng thử hỏi, nếu những đối tượng đó không công tác tại các đơn vị trên liệu có biết đến sự quan tâm này.
Và nếu đặt giả thiết các tác giả được xét hỗ trợ của Hội Văn học nghệ thuật hay của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương thì đó cũng chỉ là nguồn kinh phí mang tính động viên, hỗ trợ chứ chẳng thể là nguồn sống đảm bảo cho cuộc sống mưu sinh dài lâu của người làm lý luận phê bình.
Tác phẩm 'Trúp mèng lai' do Nguyễn Chiến Thắng biên đạo. Ảnh: Thanh Hoa. |
Thiếu sự bồi dưỡng, kế tục
Còn nói đến mảng đào tạo kế tục cho nhân lực làm công tác lý luận phê bình múa lại càng cảm thấy ngao ngán, buồn tủi. Nhớ lại từ thời những năm 1970, Bộ Văn hóa đã có những chính sách, chiến lược đầu tư cho đội ngũ làm công tác lý luận phê bình múa và sân khấu; một số nghệ sĩ của múa có tư duy lý luận, nghiên cứu được cử đi du học ở nước ngoài nhằm tạo dựng nền tảng cho đội ngũ này.
Các nhà nghiên cứu, lý luận như: PGS.TS Phạm Duy Khuê, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, Phạm Hùng Thoan, Bùi Đình Phiên (Thái Phiên)... sau khi tu nghiệp trở về nước đều trở thành những hạt nhân lý luận phê bình múa cội cán, cống hiến thiết thực cho ngành, cho nghề. Thật hẩm hiu là kể từ đó đến nay, không có thêm nhà nghiên cứu lý luận phê bình múa nào được quan tâm, bồi dưỡng kế tục.
Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - sau nhiều nỗ lực đã mở được một lớp lý luận - phê bình múa đại học chính quy niên khóa 2001 - 2005. Song đáng tiếc, mã ngành Lý luận phê bình múa của trường cũng đành ngậm ngùi bị xoá bỏ bởi sau nhiều năm liền nhà trường không thể chiêu sinh được thêm một sinh viên nào chịu “dấn thân” vào lĩnh vực đầy truân chuyên này.
Lý do thực tế mà những người làm nghề đều hiểu đó là sau khi nhận bằng tốt nghiệp, những nhà lý luận phê bình múa thật khó lòng tìm được một chốn nương thân đúng nghĩa. Sau khi ra khỏi cánh cửa trường đại học không có một cơ quan, tổ chức nào tập hợp, giúp đỡ, hỗ trợ cho các nhà lý luận phê bình múa tương lai.
Bản thân tôi - một sinh viên của lớp Lý luận phê bình múa đầu tiên và duy nhất của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội sau gần 20 năm ra trường, một lòng một dạ vì công tác lý luận phê bình múa nhưng đến giờ phút này vẫn cảm thấy nghề của mình quá đỗi chông chênh, không có được sự bảo hộ nào của cơ quan chuyên môn, không có một chế độ nào cho người cầm bút về múa ngoài đồng lương hợp đồng thời vụ ít ỏi theo mỗi số ra của Tạp chí Nhịp điệu.
Còn trụ được với nghề đến giờ phút này, tôi cũng phải tự hào rằng ngoài ý chí phi thường và một niềm tin vào cái nghiệp đã vận vào thân thì chẳng còn lý do nào khác. Thỉnh thoảng tôi vẫn đùa vui với một số bạn bè rằng: “Tôi đi làm vì đam mê, chứ đâu phải vì tiền”. Đó vừa là câu nói đùa vui, nhưng cũng là nỗi niềm rất thật của người cầm bút chúng tôi.
Các cụ ta xưa đã có câu “có thực mới vực được đạo”. Chúng tôi cứ được an ủi, động viên rằng: Phải thúc đẩy, phải quan tâm, phải phát triển, phải bồi dưỡng công tác lý luận phê bình, nhưng “đẩy mạnh bằng cách nào” đây, trong khi những người còn kiên trì làm công tác lý luận phê bình vẫn hàng ngày chật vật với công cuộc mưu sinh, vẫn mãi chẳng có một điểm tựa vững chãi. Đó cũng là lý do vì sao ngày càng thiếu những bài viết sâu sắc, ngày càng khan hiếm nhân lực lý luận phê bình trẻ.
Vậy là, nhiều bài viết về múa được đăng trên Tạp chí Nhịp điệu đều do các nghệ sĩ tay ngang hoặc diễn viên, biên đạo đã hết tuổi lao động “lui về ở ẩn” cùng con cháu, thỉnh thoảng tham gia cho vui nên phần lớn dừng lại ở mức kí ức, kỉ niệm, kinh nghiệm… Vô hình trung, những cây bút nhiệt tình, năng nổ góp tiếng nói cho ngành lại là những nghệ sĩ múa lão thành.
Tác phẩm múa 'Giã vải' của biên đạo Hà Trung. Ảnh: Thanh Hoa. |
Còn các nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo, nhà giáo trẻ gần như không mấy mặn mà với chuyện viết bài cho múa chứ chưa bàn tới chuyện viết lí luận - phê bình. Thỉnh thoảng có một vài bài viết chuyên sâu thì không có ai khác ngoài vài tác giả: Ứng Duy Thịnh, Thanh Hoa, Phương Lan.
Có lẽ, đối với người từng cầm bút viết đều hiểu cảm giác của nỗi trằn trọc, suy tư để ra một bài viết tâm huyết thì mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn này. Với bản thân tôi, một người chuyên làm nghề viết mà có những bài khi viết xong tôi cảm thấy mình như kiệt sức…, kiệt sức vì phải vắt óc ra nghĩ, vì phải đắn đo, lựa lọc, viết sao đây, nói gì đây khi không được nói thật, nói thẳng... mà nói cong, nói tránh thì tâm can day dứt, áy náy.
Chúng ta đều biết và đều hiểu lí luận - phê bình phải được đúc rút trên cơ sở thực tiễn chứ không phải là thứ lí luận suông, lí luận phi thực tế thì ắt hẳn sẽ khó lòng thuyết phục được bạn nghề và độc giả. Nhưng thực tiễn đó lấy ở đâu ra? Tất nhiên là đòi hỏi tự thân người viết phải có sự kết nối nhất định, phải tìm cách để có thể tiếp cận được với sự kiện, sự việc hay những kì cuộc có múa tham gia.
Hàng năm, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam vẫn định kỳ có các hạng mục xét giải thưởng nghệ thuật múa cho các biên đạo, diễn viên, nhà giáo - huấn luyện với hàng trăm tác phẩm, chương trình giảng dạy; trong khi số lượng những cây viết lý luận phê bình múa nhận giải thưởng nghệ thuật múa thì ngày càng giảm sút, èo uột.
Những năm gần đây, mỗi năm các đơn vị nghệ thuật ca múa trong toàn quốc, toàn quân cứ dàn dựng đều đều với hàng trăm tiết mục múa mới được sáng tác; và con số đó còn tăng đột biến vào những năm có nhiều liên hoan, hội diễn, lễ hội…
Vậy mà hầu như không có các bài viết, nhận xét, đánh giá nghiêm chỉnh trên báo chí... Trong ngành có rất ít người viết, vì viết không phải dễ, vả lại tìm đất để đăng những bài phê bình múa thật khó, hơn thế nữa lại dễ va chạm với bạn nghề! Thiếu hẳn mảng phê bình múa trên báo chí, kể cả tờ báo ruột Nhịp điệu của hội cũng ít những bài có chính kiến.
Mong rằng, những tâm sự, chia sẻ chân thật xuất phát tự đáy lòng này sẽ được lắng nghe, thấu hiểu một cách nghiêm túc với niềm mong mỏi thiết tha rằng: Chúng tôi - những người đã, đang và sẽ làm công tác lý luận phê bình múa đang rất rất cần một điểm tựa để yên tâm gắn bó với nghề.
Giai đoạn trước, những bài viết sắc sảo, sâu sắc, thấm đượm thực tế của ngành được đăng tải, phổ biến thường do các nhà lý luận, phê bình thế hệ trước đảm nhiệm, như: Bùi Đình Phiên, Phạm Hùng Thoan, Lâm Tô Lộc, Lê Ngọc Canh, Thành Đức, Đặng Hùng, Bùi Chí Thanh, Cao Hoàng Hà... Đó là những cây bút đã trở thành quen thuộc với nhiều bạn đọc yêu múa một thời.
Đến nay, một số nghệ sĩ - nhà lý luận như GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, GS.TS.Lâm Tô Lộc, Cao Hoàng Hà, Đặng Hùng... đã đi xa, còn nhà lý luận phê bình Bùi Đình Phiên, Hùng Thoan thì cũng đã đến tuổi “bát thập” nên đành “lực bất tòng tâm”, gần như đã “rửa tay gác kiếm”.