Gió lạnh đầu mùa và thầy tôi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trên chuyến tàu cùng một vé trở về tuổi thơ, tôi không chỉ gặp lại bạn bè, mà còn được gặp và hiểu thêm câu chuyện về những người thầy của mình…

Thầy Bùi Văn Huynh và một số thầy cô giáo chụp ảnh lưu niệm với cựu học sinh K8 chuyên Văn huyện Quỳnh Phụ
Thầy Bùi Văn Huynh và một số thầy cô giáo chụp ảnh lưu niệm với cựu học sinh K8 chuyên Văn huyện Quỳnh Phụ

Gió lạnh đầu mùa – ký ức bài thầy giảng

Đại lễ hội ngộ đầy tính lịch sử của 19 khoá học sinh trường Chuyên Quỳnh Phụ vừa tổ chức thành công thì gió lạnh đầu mùa về. Hôm qua vừa ấm nóng trong chuyến tàu trở về một mùa hạ đã xa bao nhiêu thì hôm nay cả miền Bắc đã chìm trong cái lạnh tê tái.

Tranh minh hoạ truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa.

Tranh minh hoạ truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa.

Cái lạnh lại đưa tôi về khung trời kỷ niệm năm nào, thầy Bùi Văn Huynh giảng bài văn “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam cũng đúng dịp trời trở gió. Những áng văn nhẹ nhàng như hiện lên từ lớp sương mờ đầu thế kỷ trước cứ thế nhè nhẹ vang lên trong tôi rành rọt: “Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm ròn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy nóng bứt, chảy mồ hôi.Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt…”.

Hôm qua, trở về Hà Nội, khuya muộn rồi vẫn lang thang Facebook, Zalo sống cùng dư âm của cuộc tương phùng, bất ngờ được thầy kết bạn Zalo và nhắn tin: “Chào Minh, em đã lên cơ quan chưa ? Thầy trò mình gặp nhau sau bao năm xa cách mà chưa nói được nhiều em ạ!”.

Dòng tin ngắn ngủi khiến tôi ngồi lặng đi trong căn phòng vắng. Tôi như chú bé mãi không chịu lớn đang âm thầm “tự sướng” khi được thầy khen một bài văn viết hay năm nào. Hình ảnh người thầy cao gầy với bộ sơ mi cũ kỹ, chiếc xe đạp cà tàng, điếu thuốc luôn cháy đỏ trên tay thầy tiết kiệm hút đến tận đầu lọc mỗi lần say sưa giảng văn, bình văn trên tầng 2 của Trường Đảng huyện Quỳnh Phụ năm nào lại hiện lên gần gũi, thân thương.

Trên chuyến tàu cùng một vé trở về tuổi thơ hôm qua tôi không chỉ gặp lại bạn bè, gặp lại cả khung trời kỷ niệm mà còn được gặp và được biết câu chuyện về những người thầy của mình mà ngày ấy, còn non nớt, tôi chưa thể nào hiểu được.

Thầy Bùi Văn Huynh.

Thầy Bùi Văn Huynh.

Thầy Huynh năm nay đã 69 tuổi, mừng là nghỉ hưu thầy khoẻ và béo ra, không gầy như trước. Sự có mặt của thầy như một ngôi sao showbit, lớp nào, trò nào cũng kéo thầy đến với lớp mình như những cô bé, cậu bé muốn sà vào lòng cha mẹ. Tôi học xong chuyên Văn cấp 2 rồi lên cấp 3, rồi lại về trường Phụ Dực, Quỳnh Côi học, rồi thi vào quân đội, mải miết 28 năm quân ngũ, năm nay là tròn 30 năm mới gặp lại thầy. Tôi cứ nghĩ mình đã đi một chặng đường dài nhiều nhọc nhằn nhất so với bạn bè, một số phận nhiều gian khổ xen lẫn chút hào quang không đáng kể.

Những “ông giáo Thứ” một thời sau đổi mới

Nhưng hôm nay gặp lại thầy, tôi mới hiểu thêm thầy cũng từng đi qua những năm tháng không ít đắng cay. Bùi Văn Vũ, con trai thầy hiện cũng là bộ đội chuyên nghiệp, đóng quân ở ngoài đảo xa, Lữ đoàn 242, Quân khu 3. Trong vài phút được đứng riêng hỏi han câu chuyện về thầy giữa sân trường, thầy ân cần hỏi tôi sao vào bộ đội, sao lại chuyển ra ngoài. Rồi thầy chia sẻ: “Thầy cũng bất ngờ khi thằng Vũ nó “trụ” được trong quân đội!”

“Ơ sao lại là “trụ lại” ạ? Tôi ngạc nhiên hỏi. “Vũ học cấp 3 xong đi bộ đội. Nó cố gắng ở lại thì thầy có điều kiện lo cho 3 em của Vũ ăn học. Cô thì làm ruộng, một mình thầy đưa 3 con lên học ở thị trấn. 4 bố con “cày mặt trên đường” mà lương giáo viên có bao nhiêu đâu em. Đến giờ, lo được cho cả 3 đứa công ăn việc làm ổn định, nên người, với thầy thế là hạnh phúc rồi”.

Cơm áo không đùa với khách thơ. Cái câu thầy dạy năm xưa nó đúng quá, nó không đùa cả với những nhà giáo chỉ trọn đời say nghề, yêu nghề, yêu trò như thầy Huynh, thầy Tược. Cái ngày đó, cũng làm gì có dạy thêm, học thêm hay thu nhập thêm đối với các thầy cô…

Học sinh lớp chuyên Văn ở huyện Quỳnh Phụ năm 1988.

Học sinh lớp chuyên Văn ở huyện Quỳnh Phụ năm 1988.

Hôm trước, trên Facebook, thầy Phạm Quang Huân, giáo viên dạy Văn lớp 6 chúng tôi cũng chia sẻ: “Những năm 80 của thế kỷ trước là quãng thời gian kinh hoàng khi nhớ lại đối với những ai đã từng sống ở thời kỳ đó. Cả nước lao đao vì đói nghèo, vì cơm áo gạo tiền và thiếu thốn mọi thứ về mặt vật chất. Cái nghèo sinh ra cái hèn và sinh ra bao thứ đe dọa sự đảo lộn hệ giá trị từng bền vững hàng trăm năm, nghìn năm. Những năm tháng ấy, sống khổ không là đặc quyền của riêng ai. Nhưng với các nhà giáo thì chưa bao giờ hình tượng “ông giáo Thứ” của thời kỳ 1930-1945 lại trở về sâu đậm như thời gian đó. Danh xưng “thầy giáo” trở thành tên gọi nhau của những người ngoài đường ngoài chợ”. Có lẽ, rất nhiều nhà giáo Quỳnh Phụ khi ấy còn nhớ câu chuyện thật như bịa này. Ngày ấy, mọi thứ hàng hóa (ít ỏi lắm) đều phân phối và theo tem phiếu. Có một lần, cửa hàng công nghệ phẩm của huyện ở giữa khu Một và khu Hai của thị trấn có ghi bảng thông báo treo ở bức tường mặt trước cửa hàng “Đợt này có áo may ô và khăn mặt phân phối theo phiếu cho cán bộ, trừ…giáo viên”. Hóa ra giáo viên không phải là cán bộ của nhà nước?

Thầy Phạm Quang Huân chia sẻ thêm: Thầy Bùi Văn Huynh cũng là người bạn, người đồng nghiệp thân thiết của mình. Thầy Huynh là đồng môn sư phạm với mình nhưng thầy hơn tuổi và hơn điểm này nữa: Khi còn đang là sinh viên sư phạm thì thầy Huynh đã có vợ, có con (chính là Bùi Văn Vũ đó). Rồi anh em ra trường về quê dạy học. Thầy Huynh về trường Chuyên và từ đó thầy gắn bó với các thế hệ học sinh cho đến khi trường giải thể. Hoàn cảnh gia đình gieo neo, vất vả & gian nan xoay sở lo toan đủ kiểu. Chính thầy Huynh là người “truyền cảm hứng” & trao đổi kinh nghiệm rất tận tâm cho mình học hỏi để biết làm thêm một nghề: nấu rượu (theo phương pháp mới) - nuôi lợn, một cách cải thiện đời sống bớt đi khó khăn của nhà giáo lúc ấy … Ấy vậy mà lúc gặp nhau, chẳng mấy khi anh em chuyện trò, phàn nàn chi về đời sống, chẳng nói chuyện chi ngoài chuyện chuyên môn, chuyện sách vở, chuyện học sinh …

Cái đói, cái nghèo đã bủa vây không ít những người thầy như thầy Huynh. Thầy cười hiền từ: “Ngày xưa thầy gầy và cũng đói ăn lắm. Các thầy cô khác ở trường còn gọi đùa thầy là “ông trạm biến thế” vì mặt hóp vào như hình “đầu lâu xương chéo”. Thầy nghiện thuốc nhưng cũng chẳng có tiền để mua nhiều, mỗi dịp có thuốc đầu lọc thơm thầy giảng bài như thêm nhập tâm, hút đến tận đầu lọc.

Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra

35 năm, thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Bao nhiêu thăng trầm, biến cải với mỗi con người. Trong những thước phim kỷ niệm, tôi đọc được nỗi niềm của các thầy cô như trong lưu bút viết vội tại buổi lễ, cô Vũ Thị Hiên viết: “Một cuộc gặp mặt bao xúc động nghẹn ngào. Còn biết bao điều muốn tâm sự, sẻ chia…”.

Có lẽ một trong những điều nghẹn ngào mà cô muốn nhắc đến chính là cái ngày đen tối của năm 1997, Trường Chuyên Quỳnh Phụ giải thể sau chủ trương bỏ hết trường chuyên lớp chọn. Tôi không thể hình dung lúc đó tâm trạng thầy và trò như thế nào, chỉ hình dung đó là những tháng ngày sụp đổ, thất vọng, cay đắng khôn cùng…Sau này học xong Học viện Chính trị quân sự, tôi từng “bị” giữ ở lại trường công tác, cũng từng chứng kiến cảnh nhập ra, tách vào của nhà trường, nên tôi phần nào hiểu được tình cảnh các thầy cô lúc ấy. Nguyễn Đồng, một cựu học sinh chuyên Quỳnh Phụ phải thốt lên: Đến bây giờ em vẫn không hiểu sao tỉnh mình lại giải thể trường chuyên, trong khi các trường tỉnh khác chỉ đổi tên trường là xong. Cái cảm giác lớp 9 bị ra khỏi trường thật là hụt hẫng như “chết nửa con người”.

Song cũng nên thông cảm cho đất nước của một thời sau đêm trước đổi mới, nhiều cái tư duy, nhận thức và hành động của cả xã hội và hệ thống chính trị còn rất nhiều hạn chế. Có những điều mà phải đi qua những tháng năm rất dài, chúng ta mới hiểu được “năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn”.

Nhưng như người ta vẫn nói, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra. Có lẽ cũng phải cảm ơn một niềm đau như thế đã mở ra cho nhiều thầy cô của chúng tôi con đường mới. Rất nhiều thầy cô giáo giỏi của trường chuyên sau khi giải thể trở về các địa phương khác sau đã trở thành hiệu trưởng như chính thầy Bùi Văn Huynh, thầy Nguyễn Minh Chiến, thầy Trần Duy Sử…

Mái trường trong mơ

19 khoá học, 19 thế hệ đã đi qua cuộc dâu bể thăng trầm của giáo dục mô hình trường chuyên lớp chọn. Nhưng tôi vẫn tin rằng, ngôi trường trong mơ, ngôi trường huyền thoại của chúng tôi một ngày nào đó sẽ được tái lập. Tôi tin điều đó bởi để chấn hưng đất nước, chấn hưng giáo dục, không thể không có một cách nào đó đặc biệt để đào luyện nhân tài.

Một góc Trường Chuyên huyện Quỳnh Phụ những năm 90 của thế kỷ XX.

Một góc Trường Chuyên huyện Quỳnh Phụ những năm 90 của thế kỷ XX.

Người xưa nói “nhất niên thu cốc, thập niên thu mộc, bách niên thu nhân”. Cả trăm năm mới có thể đánh giá được hiệu quả của trồng người. Bạn, chỉ cần google sẽ thấy năm 2023 vẫn có những bài viết trên Vnexpress về sự khác biệt giữa trường chuyên ở Mỹ và ở Việt Nam, về mô hình trường chuyên ở Singapore hay trường năng khiếu ở Israel. Trong giấc mơ cùng gió lạnh đầu mùa, tôi mơ sẽ có ngày được TRỞ VỀ MIỀN KÝ ỨC cùng ngôi trường xưa được tái lập..

Gió đầu mùa đã về…Lạnh một chút nhưng không gian trong tôi như im ắng quá mà lại như xôn xao quá tiếng bạn bè, tiếng thầy cô trong buổi sớm mai đầu đông đến trường suýt xoa với mũ len, áo len. Gió, gió của mùa thu hương cốm mới, gió của mùa đông đến trường trên những chiếc xe đạp khô luyn kẽo kẹt; gió của nhịp sống đô thành, gió của những chân trời góc biển, của những chuyến tàu, chuyến máy bay đã đưa tôi cùng bạn bè đi khắp đất nước, khắp năm châu.Gió, gió của ký ức trong lành mang đậm mùi rơm rạ, mùi bùn đồng quê lọt qua cửa sổ vào lớp đã nâng bước chúng tôi đi trong cõi nhân gian…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ