PGS.TS Ngô Văn Minh, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu phát triển, trường Đại học Giao thông vận tải, thành viên tổ chuyên gia Hội đồng kiểm tra nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chia sẻ về người thầy của mình.
Người thầy đáng kính
Nhà giáo Nguyễn Văn Nhậm sinh năm 1939, tốt nghiệp trường Trung cấp Giao thông năm 1960, tiếp tục học lớp Chuyển cấp Cầu khoá 1 của Trường ĐH Giao thông vận tải (GTVT). Năm 1981, thầy chuyển công tác từ trường Cao đẳng GTVT về bộ môn Sức bền vật liệu, Trường ĐH GTVT. Năm 1985, thầy chuyển công tác về bộ môn Cầu Hầm.
Năm 1990, thầy nhận nhiệm vụ trưởng Bộ môn Cầu Hầm và là trưởng bộ môn mẫu mực trong giai đoạn khó khăn ban đầu của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Là người kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và năng lực tổ chức lao động sản xuất khoa học, hiệu quả, thầy đã cùng với các thầy cô lãnh đạo Bộ môn giai đoạn 1990 - 1999 tổ chức đào tạo và nghiên cứu theo hình thức "thực học - thực nghiệp".
Thầy Nguyễn Văn Nhậm cặm cụi dưới gầm cầu nghiên cứu bản vẽ thiết kế. |
PGS.TS Ngô Văn Minh chia sẻ: Trong giai đoạn cả nước "bung ra", với khí chất của một người thầy và bàn tay, năng lực của một chỉ huy công trường giỏi, thầy đã tổ chức bộ môn thành một đơn vị không chỉ nghiên cứu, giảng dạy chất lượng mà còn là một trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động sản xuất mạnh.
Thầy và trò ngành Cầu vừa giảng dạy, học tập; vừa trực tiếp tham gia thiết kế, thi công, kiểm định công trình cầu, đường trên khắp đất nước. Các công trình cầu do Bộ môn trực tiếp thi công trong giai đoạn này như cầu Đò Trai, Đức Trung, Rào Qua (QL8), các cầu Ma, cầu Gon trên QL 18, các công trình cầu tại mỏ Apatit Lao Cai hiện vẫn còn được khai thác, sử dụng.
Thầy Nguyễn Văn Nhậm và các đồng nghiệp và học trò tại công trường. |
Nhắc lại những kỉ niệm trong giai đoạn này, thầy Nhậm nhớ lại: "Việc tham gia thi công thực tế các công trình cầu là công trường thực tập rất hiệu quả cho các em sinh viên, đặc biệt là các em lớp cầu K26, 27, 28 và 29. Giai đoạn đó, các công trình cầu do Tổ cầu thiết kế, thi công đều đạt chất lượng rất tốt, nhận được đánh giá rất cao của chủ đầu tư và đồng nghiệp".
Giản dị mà chuyên nghiệp
Ở tuổi tám tư, thầy vẫn say mê tham gia các dự án chuyên môn cùng học trò trải dài trên khắp đất nước với vai trò là chuyên gia của Hội đồng kiểm tra nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng và là "đầu mối" tư vấn giải quyết các vấn đề kĩ thuật ngành cầu cho các học trò trên công trường.
Trải qua hơn nửa thế kỉ gắn bó với các công trình cầu, đặc biệt là với công tác kiểm định, đánh giá chất lượng công trình cầu, thầy được xem như một chuyên gia lớn của kiểm định, đánh giá công trình cầu tại Việt Nam. Tận tâm với nghề dạy, lăn lộn với nghề cầu với trình độ, đạo đức của người thầy và sự lành nghề của một người thợ, thầy Nguyễn Văn Nhậm nhận được sự kính trọng rất nhiều thế hệ sinh viên ngành cầu.
Nhắc lại về những kỉ niệm với thầy Nguyễn Văn Nhậm, PGS.TS Hồ Thị Lan Hương, một cựu sinh viên của thầy chia sẻ: “Thầy dạy cầu thép mình năm 4. Lớp có một mình nữ nên mình hay trốn học để sang lớp có nữ chơi nhưng giờ của thầy mình không bao giờ bỏ, đến muộn cũng tiếc lắm, mà hầu như cả lớp đều như vậy.
Thầy luôn miệt mài như con ong đi xây tổ. |
Sự gần gũi, giản dị, yêu quý học trò toả ra ngay khi thầy hiện diện. Cả lớp mình, đứa nào cũng phô tô một cuốn bài giảng viết tay của thầy và hầu như tụi mình không dám viết chữ nào vào cuốn bài giảng đó vì nó quá sáng sủa và gọn gàng và đẹp. Tụi mình thích nghe thầy giảng lắm, mọi thứ phức tạp đều được thầy giải thích ngắn gọn.
Với thầy cái gì cũng đơn giản, ngắn gọn và cốt lõi nhất có thể, và cũng chính cái tư duy này của thầy giúp mình thấy “học cầu” không quá sợ như trước và sau này có rất nhiều việc thấy khó và phức tạp nhưng mình vẫn quyết làm vì hi vọng sẽ tìm ra được cách “ đơn giản” và nhận ra được điều “ cốt lõi” chính là học từ thầy.
Nhiều năm sau, khi mình đi công trường, có em học trò bảo mình “trường mình có thầy gì trong đoàn thử tải. Thầy đứng ngắm cầu một chút sau dự đoán số liệu và máy đo ra kết quả gần như khớp các điểm cô ạ”, tất nhiên nghe biết ngay là thầy. Có lần thầy lên công trường cậu em mình cũng là trò của thầy, thầy lúc đó lớn tuổi rồi nhưng vẫn nhanh nhẹn thực hiện nội dung công việc của mình một cách giản dị, chuyên nghiệp.
Thầy Nhậm là người rất thực tế và đơn giản nên vừa nhanh nhớ nhanh hiểu. Hình vẽ phức tạp, thầy tách chi tiết ra cho dễ nhìn, bài tập chưa hiểu, thầy giải thích từ công thức cơ bản sang tới chuyên môn luôn, mấy món này mà tự mò mẫm chắc cả tuần. Thầy giản dị như vậy nhưng thực ra đối với mình và nhiều học trò, người Thầy ấy chính là “người Thầy cầm tay, mở ra trí óc và chạm tới trái tim”. - PGS. TS Ngô Văn Minh