Giơ cao, đừng đánh khẽ!

GD&TĐ - Bộ TT&TT đã trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thông tin về việc Bộ này đã trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Trong đó, Bộ tham mưu Chính phủ tăng mức phạt tiền cũng như hình phạt bổ sung với người phát ngôn “lệch chuẩn”, sai sự thật trên mạng xã hội, nhằm chấn chỉnh tình trạng nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm. Việc xác thực người dùng mạng xã hội bằng điện thoại di động là cách khắc phục tình trạng một số trường hợp không xác định được danh tính.

Đồng thời, Bộ đang phối hợp với Bộ VH,TT&DL ban hành quy chế phối hợp hạn chế lên sóng với những đối tượng vi phạm này. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, đang chờ chỉ thị của Đảng, trong thời gian sớm nhất hai bộ sẽ khởi động lại để ban hành quy chế này.

Bên cạnh đó, góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ VH,TT&DL cũng đề xuất bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 36 quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.

Bổ sung nêu rõ: Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ; hoặc sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500 nghìn. Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.

Như vậy, hai bộ cùng có những đề xuất bổ sung các quy định xử phạt đối với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng có hành vi vi phạm trong việc phát ngôn, quảng cáo trên mạng xã hội.

Cũng vì, thời gian qua, nhóm đối tượng này có những hành vi thiếu chuẩn mực, phát ngôn lệch chuẩn, sai sự thật trên không gian mạng gây mất trật tự, làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xã hội - nhất là giới trẻ.

Vậy nhưng, các chế tài xử phạt hành chính hiện hành còn quá nhẹ (khung từ 5 - 10 triệu đồng), chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn đó sự tái diễn trong thời gian dài.

Có thể thấy, dù muộn song việc tham mưu đề xuất bổ sung các quy định tăng nặng chế tài xử phạt là rất cần và cấp thiết. Mong rằng, khi quy định sớm có hiệu lực, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp áp dụng nghiêm minh, đầy đủ.

Đừng giơ cao mà chỉ đánh khẽ để rồi đâu vẫn đóng đấy, kẻ vi phạm nhởn nhơ thậm chí thách thức, coi thường pháp luật trong khi cộng đồng phải gánh chịu những hậu quả không nhỏ, nhất là việc tác động đến lối sống, cách ứng xử của giới trẻ “sính” mạng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ