'Giải mã' nghệ sĩ lệch chuẩn

GD&TĐ - Một số nghệ sĩ lợi dụng mạng xã hội để có hành vi, lối ứng xử kém văn hóa, lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử văn minh mà người nghệ sĩ cần có.

Khán giả còn 'nuông chiều' nghệ sĩ? Ảnh minh họa/ITN
Khán giả còn 'nuông chiều' nghệ sĩ? Ảnh minh họa/ITN

Phải ngồi bàn tròn để cùng “giải mã” về thực trạng lệch chuẩn trong ứng xử văn hóa của nghệ sĩ với công chúng là điều không ai mong muốn, nhất là với những người trong giới. Vậy nhưng cũng không thể để “con sâu làm rầu nồi canh” ấy tiếp tục xảy ra…

Do công chúng “nuông chiều”?

Nói đến nguyên nhân của thực trạng lệch chuẩn trong ứng xử với công chúng của nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tham gia hội thảo “Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức đều cho rằng, đó là hệ quả chiều nghịch của thời công nghệ số.

Không ai phủ nhận sự hỗ trợ của các nền tảng số trong việc nâng tầm sản phẩm nghệ thuật từ hình ảnh, âm thanh, ánh sáng đến phụ trợ biểu diễn và nhất là việc lan tỏa đến công chúng.

Giờ đây, một tác phẩm nghệ thuật sẽ nhanh chóng được cả thế giới biết đến nhờ vào những YouTube, Facebook, TikTok… Điều đó cũng đồng nghĩa với sự nổi tiếng đến rất nhanh, nhiều khi chỉ sau nửa giờ đồng hồ đã trở thành idol (thần tượng).

Tuy nhiên, hệ quả đằng sau của sự sớm thành sao này lại không nhỏ khi nó tạo ra những ảo tưởng độc hại. Không ít người tự cho mình là bề trên và có những ứng xử lệch chuẩn, thiếu tôn trọng công chúng thậm chí thiếu tôn trọng cả thế hệ trước.

Nhiều câu chuyện điển hình được nhắc đến như: Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng bị bắt quả tang đánh bạc; trang phục áo dài bị lạm dụng dung tục, phản cảm; nghệ sĩ chưa công khai minh bạch và chậm chuyển tiền hỗ trợ của đồng bào đến người dân gặp thiên tai, địch họa đến nửa năm trời. Nhất là, nghệ sĩ thế hệ sau mà có những “phát ngôn ngông ngạo” về bản thân và với nhạc sĩ tiền bối đáng kính.

NSƯT Quang Khanh còn nêu, một vài năm gần đây trong cách nói và viết của một vài nghệ sĩ thể hiện sự thiếu tôn trọng công chúng, coi công chúng là đám đông thiếu hiểu biết hoặc tạo ra câu chuyện khiên cưỡng, phản đối những người không ủng hộ tác phẩm nghệ thuật của mình.

Cùng với đó, dù nhắc đến niềm vui và tự hào với những danh xưng chân chính của nghệ sĩ, song theo ông Khanh, “danh xưng” cũng chính là “cái bả vinh hoa” dễ làm cho người ta mờ mắt và: “Rất tiếc, tới nay vẫn còn một số nghệ sĩ quá vui với “bả vinh hoa”! Chính “bả vinh hoa” là mồi nhử cho những ai luôn ham muốn đề cao bản thân, không coi trọng mọi người”.

Và, “tiếp tay” cho những ứng xử lệch chuẩn không đâu khác chính là các nền tảng mạng xã hội. Theo NSND Trần Quốc Chiêm, những biểu hiện phổ biến như: Sử dụng lời lẽ thô tục, vô văn hóa; thông tin chưa được kiểm chứng để gây sự chú ý nhằm “câu like”, “câu view”.

Thậm chí, không ít nghệ sĩ livestream để “bóc phốt” đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kị cá nhân… “Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay.

Một số nghệ sĩ lợi dụng mạng xã hội để có hành vi, lối ứng xử kém văn hóa, đi lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử văn minh mà người nghệ sĩ cần có. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa “chợ búa” trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng”, NSND Trần Quốc Chiêm nói.

NSND Thanh Trầm thì cho rằng, một số nghệ sĩ chưa ý thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chưa thấy được mối quan hệ giữa người nghệ sĩ - công dân nên thường để cho cái tôi cá nhân, chủ quan lấn át, chi phối.

Họ hành động theo cảm tính, thói quen, để cho những cảm xúc bồng bột, nhất thời chi phối, thậm chí chạy theo tâm lí, xu hướng đám đông, đua “trend”, tạo scandal ảo để gây chú ý của cộng đồng, đánh bóng tên tuổi.

Họ thiếu hiểu biết về pháp luật và kỹ năng ứng phó, xử lý thông tin, truyền thông, để cho những vụ việc vốn đơn giản trở nên phức tạp. Hơn thế, nhà nghiên cứu Minh Nguyệt nhận định: “Đã có một bộ phận không nhỏ văn nghệ sĩ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc dẫn đến tha hóa về tư tưởng chính trị, tư duy lệch lạc, chống lại đường lối của Đảng, đi ngược với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Sự lệch lạc trong nhận thức, hành xử của các văn nghệ sĩ sẽ tạo dựng lên những sản phẩm không chuẩn mực làm sai lệch, thậm chí đảo lộn, nhiễu loạn giá trị thẩm mỹ và nhân văn trong đời sống văn học, nghệ thuật cũng như việc bồi đắp, định hướng những chuẩn mực trong cuộc sống, rất tai hại với lớp trẻ và làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ”.

Ngoài ra, Nhà báo Thúy Hiền còn đưa ra thực trạng một bộ phận nghệ sĩ đưa lên sân khấu những tiết mục, những chương trình dễ dãi, gây cười tục tĩu. Với chị, đây là những biểu hiện thiếu trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, thậm chí là vô trách nhiệm bởi những hành vi ứng xử lời nói, chia sẻ không phù hợp, những chương trình nghệ thuật phản cảm đã vô hình trung làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, lối sống của công chúng.

Cùng với đó, nữ Nhà báo Thúy Hiền còn cho rằng, góp phần không nhỏ vào hiện tượng nghệ sĩ ứng xử “lệch chuẩn” có cả sự “nuông chiều” của khán giả.

Hình tượng mỗi nghệ sĩ thể hiện đã in hằn trong lòng công chúng. Ảnh minh họa: ITN

Hình tượng mỗi nghệ sĩ thể hiện đã in hằn trong lòng công chúng. Ảnh minh họa: ITN

“Vướng phải những bê bối lớn về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật… nhưng nghệ sĩ Việt chỉ cần xin lỗi, nộp phạt rồi ở ẩn một thời gian ngắn chờ cơ hội tái xuất. Họ trở lại một cách hồn nhiên và khán giả cũng hồn nhiên đón nhận. Chính sự dễ dãi này của công chúng là một phần khiến cho trách nhiệm làm gương của nghệ sĩ không được giữ nghiêm và dần lệch lạc”, nhà báo Thúy Hiền nêu.

Để xứng đáng là người của công chúng

Mỗi nghệ sĩ cần có bản lĩnh nghệ thuật, tuân thủ quy tắc ứng xử cộng đồng. Ảnh minh họa: ITN

Mỗi nghệ sĩ cần có bản lĩnh nghệ thuật, tuân thủ quy tắc ứng xử cộng đồng. Ảnh minh họa: ITN

“Cơ quan chức năng trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, cũng cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của nghệ sĩ, làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mĩ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh những hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, cũng cần quan tâm, tạo điều kiện về vật chất lẫn tinh thần, đảm bảo những điều kiện cần thiết để nghệ sĩ yên tâm công tác, giữ được tình yêu nghệ thuật, sáng tạo tác phẩm xứng tầm, góp phần hình thành những con người mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”. NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Cùng với việc tìm nguyên nhân gây ra hành vi ứng xử lệch chuẩn của một bộ phận nghệ sĩ, các văn nghệ sĩ, nhà báo còn lên tiếng cảnh báo về hậu quả phải trả giá đắt của thực trạng đó. “Công chúng đưa nghệ sĩ đến vinh quang thì cũng có thể hạ xuống không thương tiếc, nếu nghệ sĩ đó đi ngược với giá trị chân - thiện - mỹ mà sứ mệnh của họ phải đem lại cho xã hội, cho cộng đồng”, nhà báo Thúy Hiền cảnh báo.

Cùng với đó, công chúng vốn là những người luôn theo sát các hoạt động của các nghệ sĩ và họ nhanh chóng đổ vỡ niềm tin khi “thần tượng” có ứng xử lệch chuẩn. Không ít nghệ sĩ có tên tuổi, thậm chí làm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng đã bị cách chức vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên trang cá nhân. Không ít nghệ sĩ bị xử phạt vì đăng tải những thông tin thiếu kiểm chứng… Nhưng, “có lẽ, hình phạt nặng nề nhất đối với người nghệ sĩ là sự coi thường, mất niềm tin, “tẩy chay” của người hâm mộ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người hâm mộ đã đề nghị với các cơ quan quản lý phải có những hình thức kiểu “phong sát” giống như ở Trung Quốc, Hàn Quốc đối với những nghệ sĩ có lối ứng xử “lệch chuẩn”, NSND Quốc Chiêm nói.

Trong khi đó, nghệ sĩ Ngọc Dương cho rằng, hình tượng mỗi nghệ sĩ thể hiện thông qua các phương tiện nghệ thuật đã in hằn trong lòng công chúng. Công chúng sẽ nhớ nghệ sĩ đó là một ông vua đạo mạo trên sân khấu, một ông vua trừ gian diệt bạo, hay một chú công an nghiêm nghị trên phim ảnh.

Vì vậy, trong cuộc sống đời thường, nghệ sĩ đó không thể để khán giả thấy một “ông vua” văng tục chửi bậy, nằm vật bên đường, hay chú công an cười đùa, cợt nhả.

“Những câu nói thiếu chuẩn mực không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng đến đồng nghiệp hay nói rộng hơn là ảnh hưởng đến cả một nền nghệ thuật nước nhà”, nghệ sĩ Ngọc Dương bày tỏ.

Tuy nhiên, vai trò, sứ mệnh của nghệ sĩ đối với sự phát triển của xã hội – là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, luôn được các văn nghệ sĩ đề cao và cho rằng, không có gì hãnh diện hơn khi được trở thành người của công chúng, được khán giả chọn là “thần tượng” để học tập và noi theo.

Khi đó, việc nghệ sĩ giữ cho mình một hình ảnh chuẩn và đẹp trong con mắt của khán giả là điều cần thiết, trong chừng mực nhất định nó còn mang ý nghĩa nhân văn, xã hội rộng lớn.

“Tầm ảnh hưởng của người nghệ sĩ đến công chúng rất lớn, đặt ra vấn đề quan trọng về văn hóa ứng xử của người nghệ sĩ trước công chúng. Nhà văn Sê khốp đã từng nói rằng: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo từ trong cốt tủy””, tác giả Nguyễn Minh Nguyệt nhấn mạnh.

Đồng thời, tác giả Minh Nguyệt còn cho rằng, văn hóa ứng xử nói lên tầm vóc, phản ánh trí tuệ của mỗi người, trong đó có văn nghệ sĩ. Người có trí tuệ, hiểu biết và kỹ năng sống chuẩn mực sẽ có cách ứng xử khôn khéo để lan tỏa những ý nghĩa tốt đẹp, văn minh cho xã hội.

Không ít nghệ sĩ tên tuổi vang danh mà trong cuộc sống thường nhật cũng như mọi phát ngôn, hành động, cách đối nhân xử thế của họ vẫn giữ được sự dung dị, khiêm tốn, hòa đồng. Vì thế, họ giữ được sự tôn trọng cũng như tình cảm yêu mến, khâm phục của công chúng.

Để phát huy hơn nữa vai trò ấy, các văn nghệ sĩ nhấn mạnh đến việc mỗi người cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của một người công dân; tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, trong sáng; có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội…

Nghệ sĩ rất cần thấu hiểu và có trách nhiệm trước các hành vi của mình, nói cách khác, mỗi nghệ sĩ phải thực hiện tốt đạo đức công dân và đạo đức nghề nghiệp, hiểu rõ tầm quan trọng của mỗi ứng xử cá nhân đã và đang tác động tới một bộ phận lớn công chúng.

Nghệ sĩ phải tự rèn mình và phải chuẩn bị cho mình một hành trang văn hóa khi đối diện với công chúng.

Đối với các nền tảng mạng xã hội, mỗi nghệ sĩ cần có bản lĩnh nghệ thuật, làm chủ thông tin, hiểu biết pháp luật, tuân thủ những quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng. Mỗi người phải cẩn trọng, suy nghĩ trước khi phát ngôn, bình luận, khi chia sẻ thông tin, hình ảnh với công chúng; có tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh vòng vo, đổ lỗi.

Hơn thế nữa, theo tác giả Nguyễn Minh Nguyệt, nghệ sĩ phải là người có lăng kính chính trị sâu sắc, xác định đúng đắn trách nhiệm đối với xã hội, Tổ quốc, từ đó nêu cao tinh thần gương mẫu trong lối sống, trong đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc, có chính kiến cá nhân chuẩn mực, tránh để các phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc.

Thẳng thắn nêu quan điểm: Phải lên án những “phát ngôn gây sốc và lệch chuẩn” của người có vị trí nổi tiếng trên mọi lĩnh vực, trong đó có các nghệ sĩ, tác giả Hoàng Thanh Du còn cho biết, ngay từ lúc là sinh viên học chuyên ngành đào tạo văn hóa nghệ thuật, nhất là với ngành biểu diễn luôn có môn học “Đạo đức diễn viên” (năm thứ nhất).

“Đó là môn bắt buộc các sinh viên sẽ là những nghệ sĩ biểu diễn tương lai phải học để mong muốn họ sẽ là những nghệ sĩ có đạo đức, phải là những tấm gương tốt trong xã hội, để từ đó định hướng lối sống cho công chúng nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng.

Và tất nhiên họ cũng đã được học về sự phát ngôn phù hợp, hành vi chuẩn mực khi ra hành nghề trong xã hội…”, tác giả Hoàng Thanh Du nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ