Gìn giữ sắc phong gấm dài nhất Việt Nam

GD&TĐ - Tại nhà thờ của dòng họ Nguyễn Văn (xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) còn lưu giữ hơn 40 đạo sắc phong có từ thế kỷ 16, 17.

Bức sắc phong có chiều dài 4,5m, được vua Lê phong tặng cho đại thần Nguyễn Văn Giai, người từng làm tể tướng 3 triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông).
Bức sắc phong có chiều dài 4,5m, được vua Lê phong tặng cho đại thần Nguyễn Văn Giai, người từng làm tể tướng 3 triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông).

Trải qua hàng trăm năm, những đạo sắc phong này được xem như “báu vật” linh thiêng của dòng họ Nguyễn Văn và đang được các thế hệ con cháu tiếp nối lưu giữ và bảo quản.      

Sắc phong gấm dài nhất Việt Nam

Theo chỉ dẫn của người dân trong làng, chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Văn Tân (68 tuổi). Ông Tân là hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Văn, chịu trách nhiệm trông coi, quản lý đền thờ Nguyễn Văn Giai. Đồng thời, ông cũng là người được tín nhiệm trông coi nhiều sắc phong của dòng họ.

Thời gian này, ông cùng con cháu đang sửa soạn, dọn dẹp và trang trí toàn bộ khu vực nhà thờ lớn để chuẩn bị đón năm mới cũng như các ngày lễ quan trọng của dòng họ. “Mỗi năm vào dịp Tết, tại nhà thờ chính, ngoài việc con cháu sum vầy tế lễ, dòng họ chúng tôi còn có phần nghi thức rất quan trọng đó là rước các sắc phong ra làm lễ tại khu vực này”, ông Tân cho biết.

Theo ông Tân, tất cả sắc phong này đều được vua Lê phong tặng cho đại thần Nguyễn Văn Giai, người từng làm tể tướng 3 triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông), là bậc khai quốc công thần nổi tiếng chính trực, có công bình định nhà Mạc, đồng thời cũng là một nhà thơ thời Lê - Trịnh.

Hiện trên bia mộ ông tại quê nhà vẫn còn khắc rõ đôi câu đối do vua Lê Kính Tông tặng trước lúc ông tạ thế: “Quốc thạch trụ tam triều danh tướng/ Địa giang sơn vạn cổ phúc thần” (Trải ba triều thuộc hàng danh tướng trụ cột của nước nhà/ Vạn năm sau là bậc phúc thần nơi sông núi quê hương).

“Tính ra dòng họ Nguyễn Văn có hơn 100 sắc phong bằng chất liệu vải và giấy. Theo thời gian, một số đạo sắc phong đã bị thất lạc, mất trộm, hiện chỉ còn hơn 40 sắc phong. Số sắc phong này, được giao cho các tộc trưởng kế cận cất giữ, bảo quản”, ông Tân cho hay.

Riêng sắc phong bằng lụa được xem là bảo vật vô giá của dòng họ nên ít người được trực tiếp chiêm ngưỡng. Biết chúng tôi mục sở thị sắc phong, ngần ngừ một lúc, hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Văn cũng đồng ý. Sau khi kính cẩn dâng nén nhang thơm lên các chư vị tổ tiên, ông Tân cẩn thận bê xuống chiếc hộp lớn được đặt trên bàn thờ.

Quá trình này, ông Tân luôn phải để hộp nâng cao ngang đầu, nhằm thể hiện sự trân trọng đối với báu vật của dòng họ. Toàn bộ sắc phong được ông đựng trong một hộp tráp hình chữ nhật bằng gỗ lim. Theo ông chiếc hộp này cũng đã có niên đại gần 300 năm, được vua Lê dùng để đựng sắc phong khi trao cho đại thần Nguyễn Văn Giai.

Cất giữ phía trong hộp gỗ, bản sắc phong còn được cuộn tròn vừa vặn trong ống nhựa. Sau khi đặt một tấm vải đỏ quanh nền nhà, ông Tân mới chầm chậm trải nhẹ sắc phong ra nền nhà để chúng tôi chiêm ngưỡng.

Dù đã nhiều lần mở sắc phong cho các nhà nghiên cứu tham quan, nhưng mỗi lần mở ra ông Tân vẫn rất hồi hộp vì sợ chỉ một sơ suất nhỏ cũng hư hỏng “báu vật dòng họ”. Sau gần 10 phút, ông Tân mới trải được hết tấm đạo sắc phong gấm dài nhất Việt Nam.

Đạo sắc phong gấm này có màu vàng nhạt, chiều dài 4,5m, rộng gần 50cm, tổng số chữ là 318, bố cục theo 63 hàng cột dọc, 5 - 6 hàng ngang, được viết trực tiếp lên nền vải lụa gấm. Phần ghi niên hiệu do nằm ở cuối của khổ vải đã bị sổ nên chỉ còn lại 1/2 phần ấn dấu triện màu đỏ của nhà vua.

Theo ông Tân, từ khi sinh ra, con cháu dòng họ Nguyễn Văn đều được các cụ dặn dò không được phép mở hộp gỗ đựng sắc phong ra, nếu không sẽ mắc tội. Trải qua nhiều thế hệ, dòng họ Nguyễn Văn vẫn lưu giữ chiếc hộp gỗ mà không ai dám làm trái quy định của dòng họ.

Mãi đến năm 1995 khi đền thờ danh thần Nguyễn Văn Giai của dòng họ được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, bí mật trong hộp gỗ hàng trăm năm tuổi mới được hé lộ. “Lúc đó ai cũng hồi hộp và tò mò, khi tận mắt thấy, mọi người đều bất ngờ về độ dài của sắc phong”, ông Tân nhớ lại.

Đến năm 2009, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Di sản Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Bảo tàng Hà Tĩnh nhận định, đây là sắc phong bằng gấm dài nhất Việt Nam. Mặc dù phần ghi niên hiệu của đạo sắc nằm ở cuối khổ vải đã bị rách, chỉ còn nửa phần ấn dấu của nhà vua nhưng các nhà nghiên cứu xác định đạo sắc này có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông.

Nội dung là phong công trạng, khen thưởng cho ông Nguyễn Văn Giai (sinh năm 1553, ở thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An - nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Không hoa văn, dù niên hiệu đã bị rách, nhưng với nét chữ Hán thanh mảnh nổi bật trên màu vàng óng của lụa gấm khiến sắc phong trở nên linh thiêng, huyền bí. Nhiều chuyên gia khi xem sắc phong cũng rất ngỡ ngàng vì hầu như nội dung vẫn được giữ y nguyên.

Ông Nguyễn Văn Tân, tộc trưởng dòng họ Nguyễn Văn (xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) – nơi cất giữ đạo sắc phong gấm dài nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tân, tộc trưởng dòng họ Nguyễn Văn (xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) – nơi cất giữ đạo sắc phong gấm dài nhất Việt Nam.

Giữ gìn cho muôn đời sau

Ai đó đã từng ví von, một trong những “báu vật” quý giá nhất của làng, xã, dòng họ chính là các đạo sắc phong xưa. Bởi, chúng không chỉ đơn thuần là “bằng khen” của làng, xã hay cá nhân, dòng họ, mà sâu xa hơn, mỗi tấm sắc phong được bảo tồn, lưu giữ nâng niu, trân trọng qua từng thế hệ, chính bởi phần giá trị truyền thống, hồn cốt tinh thần vẹn nguyên qua những biến động của thời gian.

Với con cháu dòng họ Nguyễn Văn, các đạo sắc phong được coi là báu vật dòng họ, mọi người đều có trách nhiệm ra sức gìn giữ. Ông Nguyễn Văn Tân, khẳng định: “Tôi được anh em tín nhiệm giao trông coi đền và gìn giữ các sắc phong này. Các đồ vật của gia đình tôi có thể mất, chứ không thể để mất hay làm hư hỏng các sắc phong này được”.

Bởi những bản sắc phong của dòng họ còn lưu giữ được đã ghi lại đầy đủ công lao đóng góp của các vị thần đã có công “khai thiên lập làng” mở mang bờ cõi quê hương, bảo vệ bình yên cho mọi người.

Cụ Nguyễn Văn An, một bậc cao niên trong làng cho biết: “Các bản sắc phong được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, thời chiến tranh trong mưa bom bão đạn ác liệt là vậy nhưng làng vẫn quyết tâm giữ gìn, bảo vệ với phương châm “người ở đâu vật ở đó, người còn vật còn”. Mọi người dân trong làng đều coi việc gìn giữ được sắc phong là cái gốc để con cháu muôn đời nhớ về thuần phong mỹ tục của quê hương”.

Ngoài việc bảo quản gìn giữ, hàng năm con cháu dòng họ Nguyễn Văn đều tổ chức lễ rước sắc phong. “Với chúng tôi, đó là cách để thể hiện tấm lòng thành kính, ghi ơn với bậc tiền hiền có công khai khẩn nên làng. Qua đó cũng giáo dục con trẻ về truyền thống văn hóa của dân tộc và dòng họ”, cụ An tâm niệm.

Lễ rước sắc phong cũng là dịp duy nhất trong năm người làng Ích Mỹ được “mục sở thị” những sắc phong có niên đại hàng trăm năm này. Theo đó, lễ được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Vào ngày này, con cháu dòng họ Nguyễn Văn ở làng Ích Mỹ lại tụ tập tại nhà thờ Nguyễn Văn Giai để tổ chức nghi lễ rước sắc phong từ nhà thủ sắc (người trông coi sắc phong) về nhà thờ.

Đội rước sắc gồm các thanh niên phụ trách nhiệm vụ cầm cờ, cùng 4 người khiêng chiêng, trống và 4 người khiêng kiệu rước sắc phong sẽ đi bộ từ nhà Thủ sắc đến khu vực nhà thờ. Tại nhà Thủ sắc, chủ bái và chủ xướng phải thực hiện hoàn tất các nghi thức cúng bái long trọng, thì sắc phong mới chính thức được rước lên kiệu để theo đội rước sắc phong về nhà thờ. Tại đây sắc phong sẽ được đặt lên bàn chính điện thực hiện nghi lễ cúng đầu năm.

Sau lễ chính tế, tại nhà thờ Nguyễn Văn Giai, hội khuyến học của dòng họ sẽ tổ chức khen tặng những con em địa phương học hành giỏi giang, đỗ đạt thành tài. Việc khen thưởng con em trong làng giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết hơn về công lao của các vị tiền nhân cũng như truyền thống tốt đẹp của quê hương để noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ