Nhưng, sắc phong cũng có những số phận riêng, vì một lý do nào đó mà li biệt dân làng. Rồi, như duyên phận sẵn định, sắc phong lại về với làng như của báu về với chủ.
Tôi có dịp ghé thăm nhiều ngôi làng cổ nơi thôn dã, và tự nhiên thấy quý những ngôi làng ấy lắm! Có thể, bởi cảnh trí mực thước làng quê gắn liền cây đa, bến nước, sân đình hay là ở cái lệ hiếu khách, thật thà của những người quen lam lũ đồng ruộng.
Và bao giờ cũng vậy, khi đến thăm những mái đình cong là y rằng được các chức sắc trông đình kể về tích truyện làng mình. Làng nào cũng có những tự hào riêng chẳng đâu giống, nhưng có một thứ làm bằng giống nhau là sắc phong vua ban. Tay cụ thủ từ run run cung kính bưng mâm đồng đựng sắc phong cho khách ngắm, mà gương mặt kia như chờ xem người khách có trầm trồ thán phục làng mình không?
Chẳng phải tự dưng mà người ta tôn kính lẫn giữ gìn sắc phong cẩn mật đến vậy. Thật là, phải những ai hiểu được lịch sử, yêu mến quê hương, sống bằng cả tâm tưởng bên trong thì mới có được thái độ trịnh trọng đến thế. Chứ với lớp trẻ, hầu hết đều dửng dưng, hỏi sắc phong là gì, thì đố ai biết là gì chứ đừng nói đến cách giải thích cho tường tận.
Và cho đến một ngày, khi các bô lão trong làng hoảng hốt, sợ hãi lẫn lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì cái tin sét đánh: Mất sắc phong. Thì, lớp trẻ cũng chỉ biết là làng mất đi cổ vật, chứ chắc cũng chẳng biết thứ cổ vật ấy có giá trị đến cỡ nào, và quan trọng đến mức nào với làng mình.
“Linh hồn” mất tích
Ngồi trong ngôi đình Hậu Xá khá bề thế ở xã Phương Tú (Ứng Hòa - Hà Nội), cụ thủ từ Đặng Văn Thao, kể rằng: Khoảng 8 năm trước, những người đi tập thể dục buổi sáng thấy cửa đình mở toang. Mọi người chạy vào thì trời ơi! Trước mắt họ là cảnh nội điện, bộ chấp kích, lư đồng và nhiều khí tự khác đã không còn nữa.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng sợ nhất. Khi có mặt đủ thành phần của làng, mọi người kiểm tra chiếc hộp gỗ làm bằng gỗ duối, mở nắp ra thì hỡi ôi, 10 đạo sắc phong được xem là “thần cốt” đã bị lấy mất.
“Suốt 7 năm liền, làng chúng tôi như có tang, ai cũng buồn. Nhất là thế hệ già cả như chúng tôi đây, lúc nào cũng thấy có tội với tiền nhân. Đình làng thì to mà cứ thấy trống rỗng như thể thần thánh tổ tiên không còn ở với mình nữa. Bao nhiêu năm chúng tôi cho người đi tìm kiếm nhưng vô vọng”, cụ Thao tâm sự.
Từ ngày mất 10 đạo sắc phong, những ngày giỗ của làng, tuy người đến đình vẫn đông với đủ mọi phẩm vật mà các cụ cứ thấy thiếu vắng điều gì đó. Sự thiếu vắng ấy, mà như cụ Thao nói, chính là “linh hồn” của làng. Tuy ngoài mặt, ai cũng tỏ ra phấn khởi trong không khí lễ hội, nhưng trong lòng thì buồn bã, lo âu.
Cũng giống với Hậu Xá, làng Gòi Thượng, xã Xuân Lôi (Bình Lục – Hà Nam) bị mất sắc phong từ 17 năm về trước.
Cụ Trần Văn Hòa, thành viên ban khánh tiết làng Gòi Thượng, kể rằng: Từ năm 2000, Sở Văn hóa tỉnh Hà Nam về làng Gòi Thượng khảo sát các văn bản Hán Nôm. Khi các cụ trong ban khánh tiết đưa hòm đựng sắc phong từ ban thờ hậu cung xuống thì chỉ còn cái hòm rỗng.
Vậy là bảy đạo sắc phong quý giá đựng cả trong hòm đều bị mất, mà oái oăm nhất là không biết mất vào lúc nào. Dù các cao niên đã phái con cháu các chi họ đi khắp nơi điều tra, dò hỏi lẫn tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Đến năm 2007, đình làng Gòi Hạ ở kế bên được tỉnh Hà Nam công nhận là di tích lịch sử thì rộ chuyện làng Gòi Hạ ăn cắp sắc của Gòi Thượng.
Đình làng Gòi Hạ từ năm 2007 đến 2015, dù đã được công nhận là di tích lịch sử, nhưng dường như lại trở thành một cái họa. Vừa bị “người anh em” Gòi Thượng nghi ngờ là lấy trộm sắc phong, vừa trở thành nạn nhân của những vụ mất trộm báu vật.
“Năm 2000, khi ngành văn hóa của tỉnh về khảo sát thì làng Gòi Hạ vẫn đủ 16 đạo sắc phong. Trong thời gian từ năm 2007 đến 2014, làng bị mất bảy đạo sắc phong. Đến cuối năm 2015, thì chín đạo sắc phong còn lại cũng bị lấy mất”, ông Trần Văn Nghe, Trưởng ban khánh tiết làng Gòi Hạ cho biết.
Làng Nghè Tây của xã Thành Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hóa), là một ngôi làng cổ gắn với câu chuyện về Thiên Hương Phù Dung công chúa. Nhưng đau xót thay, vào một ngày đẹp trời, làng phát hiện 13 đạo sắc phong không cánh mà bay. Dân làng vừa hoảng hốt, vừa lo lắng chia người đi dò hỏi mong tìm lại “linh hồn”.
Châu về hợp phố
Làng Gòi Thượng đón sắc phong về làng
Lo lắng, hoảng hốt bao nhiêu thì người dân làng Nghè Tây lại vui mừng phấn khởi bấy nhiêu, vì sau bao nhiêu năm “linh hồn làng” mất tích đã trở về.
Vào năm 2015, nhóm sưu tầm cổ vật Tâm Phát ở Thanh Hóa đã vô tình tìm được đạo sắc phong của vua Khải Định năm thứ 2. Sau đó ít lâu, dân làng Nghè Tây đã làm lễ rước sắc phong hồi hương dưới sự chứng kiến của đông đảo ban ngành địa phương.
Còn ở làng Hậu Xá, vào một buổi chiều khi Mặt trời vừa khuất khỏi rặng tre thì cả làng bỗng như lên đồng vì nhận được tin báo đã tìm được sắc phong. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, kể rằng: Một thành viên trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông là ông Đỗ Văn Hiếu, vốn làm trong ngành Đông y đã sưu tầm nhiều hiện vật liên quan đến y dược.
Khi mua được bốn đạo sắc mà người bán nói liên quan đến ngự y ngày xưa, ông Hiếu đem nhờ người dịch thì biết đó là đạo sắc thần hoàng làng Hậu Xá. Tuy nhiên, tên làng trong các bản sắc gần như không trùng khớp vì làng từng đổi tên. May sao, người dịch là ông Nguyễn Vĩnh Hảo từng trọ học ở làng Hậu Xá nên biết rõ về làng này. Sau khi xác định chính xác, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã tặng lại sắc phong cho làng.
Vào giữa năm 2016, nhóm Nhân sĩ Hà Đông có trong tay bảy đạo sắc phong, mà qua tìm hiểu có thể là của Gòi Hạ (Hà Nam). Nhóm đã tìm về và ngỏ ý muốn dâng cho làng. Làng Gòi Hạ phấn khởi vô cùng. Nhưng thật lạ và cũng là oái oăm, khi đọc bản dịch thì lại phát hiện đó là sắc phong của làng Gòi Thượng.
Người Gòi Hạ đã gửi các bản dịch cho làng Gòi Thượng thẩm định và liên hệ để nhận sắc phong về. Lúc này, bao nhiêu hiềm khích, hiểu lầm giữa hai làng được xóa sạch. Thật là, sắc phong không chỉ là “linh hồn làng”, mà còn có sức hàn gắn tình cảm, kết nối hiện tại với quá khứ lịch sử. Đúng là, châu về hợp phố!
“Trong buổi lễ tặng lại sắc phong, những người đại diện của các làng đã xin chúng tôi giúp họ tìm lại những đạo sắc phong của làng đã bị mất. Có thể chúng tôi không làm được như họ mong ước. Nhưng, điều đó cho thấy người dân luôn hướng về những điều thiêng liêng trong cuộc sống, và họ biết tôn kính tiền nhân, trân trọng quá khứ”. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.