Nhìn hình ảnh 5 con voọc chà vá chân xám bị những tay thợ săn sát hại nằm xếp lớp tại một khu rừng thuộc huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) mới đây, thật quá xót xa! Khoan nói đến việc đây là loài động vật cực kỳ quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ cần nhìn chúng bị giết hại thảm thương như thế cũng đủ để những ai có chút lương tri phải chạnh lòng.
Theo phản ánh của cơ quan chức năng, trong lúc tuần tra tại khu vực Kon Căng, thôn Kon Dốc, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ mới đây, tổ công tác liên ngành xã Ba Trang đã phát hiện số voọc này vừa bị giết còn nguyên máu tươi! Kẻ thủ ác đã bỏ chạy vào rừng, để lại tang vật gồm súng săn tự chế, nhiều đạn chì và một chiếc xe máy.
Một câu hỏi được đặt ra là, đám thợ săn giết voọc để làm gì? Nếu chỉ vì bắt voọc để nuôi “cho vui”, như nuôi khỉ chẳng hạn, thì chắc chắn những gã thợ săn kia sẽ không sử dụng súng mà chỉ dùng bẫy để bắt sống con voọc mà thôi.
Nhưng dùng súng giết hại voọc như thế, dĩ nhiên là để sử dụng vào việc khác, mà nấu cao là điều chắc chắn nhất. Vì không một quán thịt rừng nào bán thịt voọc cả. Mà cũng chả ai ăn thịt loài động vật rất gần giống với con người này.
Không biết dựa vào cơ sở y học nào mà người ta rỉ tai nhau rằng, cao voọc chữa được nhiều bệnh, trong đó có việc chữa trị bệnh xương khớp cho người già, như một loại “thần dược”. Thế là bao người săn lùng để mua cao voọc cho bằng được, với bất cứ giá nào.
Cũng những lời rỉ tai như thế, người ta cho rằng, sừng tê giác mài ra có thể chữa được bệnh ung thư. Lời đồn tai hại ấy đã biến những đàn tê giác hiếm hoi ở châu Phi liên tục bị sát hại. Những thương vụ mua bán sừng tê giác đã được hải quan TPHCM phát hiện những năm gần đây, tính đến hàng tấn!
Trở lại với chuyện giết voọc ở Ba Tơ vừa rồi. Đây không phải là lần đầu tiên đàn voọc bị sát hại “tập thể” như thế. Hôm tháng 3/2021, Phạm Văn Phấy, 27 tuổi, người Hrê cũng đã dùng súng săn tự chế để giết voọc tại một khu rừng thuộc xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, có ít nhất 5 cá thể voọc đã bị săn bắt mà người dân ở hai huyện Sơn Hà và Ba Tơ đã phát hiện và giao nộp cho kiểm lâm để chuyển về rừng quốc gia Cúc Phương.
Việc xuất hiện voọc chà vá chân xám thành từng đàn ở các huyện miền núi Quảng Ngãi là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó chứng tỏ, môi trường rừng và hệ sinh thái đã được cải thiện để những loài động vật hoang dã có thể xem đó làm chốn dung thân cho chúng.
Hiện tại, các huyện vùng cao của Quảng Ngãi đã hình thành những đội thợ săn chuyên nghiệp để săn bắt động vật hoang dã. Câu hỏi được đặt ra là, chính quyền địa phương ở các thôn, xóm có biết việc này không? Lực lượng kiểm lâm có nắm được số người này không? Chắc chắn là có, vì đám thợ săn này họ cũng chả lén lút gì. Bằng chứng là, thi thoảng họ vẫn bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ trong lúc đi săn.
Điều đáng trách là, sau khi “bắt giữ” đối tượng săn bắt động vật quý hiếm, việc xử lý còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Cần phải có hình thức xử lý thật nghiêm khắc với số người này mới mong không lặp lại chuyện đau lòng nói trên.