Gieo chữ vùng biên giới

GD&TĐ - Gắn bó với vùng đất còn nhiều khó khăn, đội ngũ thầy cô giáo ở tỉnh Đồng Tháp ngày ngày bám trường, bám lớp, gieo chữ. Tất cả đều có chung mong muốn truyền kiến thức đến học trò để các em thành người hữu ích, góp sức xây dựng quê hương.

Gieo chữ vùng biên giới
Thầy Nguyễn Phước Sang
Thầy Nguyễn Phước Sang 

1. Trường THCS Long Khánh B, một ngôi trường nhỏ nằm ở vùng cù lao của huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Nhưng cũng chính từ ngôi trường này đã có rất nhiều thầy, cô giáo luôn tận tụy, gắn bó với sự nghiệp trồng người, mà tiêu biểu là tấm gương thầy giáo Nguyễn Phước Sang.

Thầy Nguyễn Phước Sang sinh năm 1982, quê ở xã Long Khánh A, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp năm 2003, thầy được phân công giảng dạy tại Trường THCS Long Khánh B. Ngày ngày, thầy đến trường rất sớm, trên tay là một chiếc cặp đã sờn, nhưng ẩn trong đó là cả một kho tàng tri thức để truyền đến cho các em học sinh. Là giáo viên dạy môn Địa lý, gắn bó với công việc trồng người được 15 năm, thầy luôn dành trọn tâm huyết cho bộ môn đã chọn để mang đến cho học trò những bài học hay và bổ ích.

Ngoài việc dạy kiến thức bộ môn, thầy còn dạy học sinh những bài học đạo đức, dạy cách đối nhân xử thế, dạy cách làm người. Thầy luôn truyền cho các em ngọn lửa của niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

Là một người giản dị, vui tính, thầy luôn sống hòa đồng với mọi người nên trong trường ai cũng quý mến. Suốt 15 năm qua, mỗi giờ lên lớp, thầy đều soạn bài rất kỹ, cẩn thận để truyền tải kiến thức làm sao cho học sinh dễ hiểu nhất. Thầy luôn chăm lo cho các em, nhất là những em có học lực yếu kém, những em có hoàn cảnh khó khăn, với cử chỉ ân cần, với cái nhìn trìu mến. Vì thế mà các em luôn coi thầy như người cha thứ hai của mình. Sau bao năm giảng dạy, ước mơ của thầy là giúp học sinh có được kiến thức, đạo đức để sau này bay cao, bay xa, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Đối với học sinh ở cấp Trung học cơ sở, năm nào cũng có cuộc thi học sinh giỏi các bộ môn, trong đó có Địa lý. Để bồi dưỡng học sinh, thầy Sang đã miệt mài sưu tầm tài liệu phục vụ việc giảng dạy, truyền tải những kiến thức nâng cao cho học sinh. Nhờ vậy, năm nào học sinh của thầy cũng đạt được kết quả cao.

Thầy Sang luôn tìm tòi học hỏi và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để nâng cao chất lượng giảng dạy. Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, trong thời gian công tác 15 năm qua, thầy Sang đã được tặng thưởng các danh hiệu như: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền, Công đoàn viên xuất sắc nhiều năm liền…

Thầy Bùi Thạnh Trị

Thầy Bùi Thạnh Trị

2. Ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường, Bùi Thạnh Trị, sinh năm 1983 ở xã Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã xác định sẽ trở thành giáo viên giảng dạy trên quê hương của mình. Mang trong mình hoài bão lớn lao, năm 2002, Bùi Thạnh Trị thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp (nay là Trường Đại học Đồng Tháp) và theo học bộ môn Ngữ văn. Ba năm sau, niềm mơ ước ngày nào của cậu học trò nhỏ đã trở thành hiện thực. Bùi Thạnh Trị tốt nghiệp ra trường và về công tác tại Trường THCS Phú Thuận B, ngay trên mảnh đất ngày nào cậu gieo mầm mơ ước. Chưa bằng lòng với những gì đạt được, một năm sau Bùi Thạnh Trị học liên thông Đại học môn Giáo dục công dân tại Trường Đại học Đồng Tháp và tốt nghiệp sau đó 2 năm.

Ngoài kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, thầy Trị còn dành thời gian tìm hiểu từng hoàn cảnh học sinh nơi mình công tác và học hỏi kinh nghiệm ở các đồng nghiệp để đưa ra nhiều biện pháp giáo dục, dạy học hiệu quả.

Với bản tính hiền lành, nhân hậu, thầy Trị được phụ huynh và đồng nghiệp mến thương, học trò kính trọng. Không tự mãn với những gì đạt được, thầy luôn phấn đấu, trau dồi, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2016, cái tên Bùi Thạnh Trị được nhiều người biết đến với giải thưởng cao quý “Viên phấn vàng”, một vinh dự lớn cho thầy nói riêng và huyện nhà nói chung. Theo chia sẻ của nhiều đồng nghiệp, thầy Bùi Thạnh Trị là một tấm gương sáng, một điển hình tiêu biểu cho ngành giáo dục Đồng Tháp, không chỉ vì danh hiệu thầy phấn đấu đạt được, mà còn là vì tâm huyết, sự nỗ lực, trách nhiệm của thầy với ngành, với xã hội.

Với nỗ lực của bản thân và tình yêu nghề, thầy luôn truyền lửa đam mê học tập cho học trò, mong muốn góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.