Nỗi niềm thầm lặng
Nếu từng đặt chân đến vùng cao, trú ngụ lại một vài đêm có lẽ cảm nhận chung của mọi người sẽ dừng lại ở hai chữ “tuyệt vời” bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, hoa trái bốn mùa, văn hóa bản địa đa dạng… Thế nhưng, nếu được cùng ăn - ở - lên lớp với những thầy cô vùng cao mới thấm hết nỗi nhọc nhằn mà hàng ngày họ phải đối diện, vượt qua. Nếu không có tình yêu nghề sâu sắc chắc hẳn nhiều thầy cô sẽ không đủ nghị lực để trụ vững với nghề.
Nhiều năm về trước, khi ngân sách đầu tư cho GD ở các địa phương còn hạn hẹp, đời sống GV công tác vùng cao vất vả đủ bề. Họ trú ngụ trong những dãy nhà công vụ thô sơ, tranh tre nứa lá, ẩm thấp, tạm bợ, thiếu điện nước, công trình phụ... Thế nhưng, sự lựa chọn khác với họ là không có bởi gia đình xa trường vài chục thậm chí cả trăm cây số.
Phần lớn họ đều ở lại trường từ thứ 2 - 6, cuối tuần tranh thủ về thăm gia đình rồi lại trở lại trường. Có không ít trường hợp GV nhà quá xa, suốt năm học bám trường lớp, vài tháng, cả năm mới về thăm nhà. Mặt khác, kinh tế eo hẹp, họ cũng không có điều kiện thuê phòng ở trọ.
Đến nay, cơ sở vật chất cho giáo dục đã có sự đầu tư phát triển hơn. Đời sống GV được cải thiện, nhưng điều đó không đồng nghĩa cuộc sống của tất cả nhà giáo đã ổn định từ vật chất đến tinh thần.
Cô giáo Lục Thị Loan – GV mầm non tại bản Khằm (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) ngậm ngùi chia sẻ hoàn cảnh gia đình cách xa hơn 300km: Một tháng, có khi 2 - 3 tháng cô mới thu xếp được thời gian để về nhà tận Thường Tín - Hà Nội. Mọi công việc gia đình từ nuôi dạy đến hỗ trợ 2 cô con gái học tập đều trông cậy vào chồng và ông bà nội. Cô không xin được chuyển công tác về gần nhà nhưng cũng quyết không bỏ nghề.
Chấp nhận với hoàn cảnh hiện tại là cách cô lựa chọn. “Thôi thì cứ tiếp tục dạy học trên này chị ạ. Cũng nhiều GV sống xa gia đình như em. Chúng em phải tự thân khắc phục những khó khăn trước mắt về điều kiện sống, làm tốt nhất tư tưởng với gia đình... để bản thân yên tâm công tác. Đợi con cái lớn hơn sẽ tính tiếp…”, cô Loan nói.
Không ít thầy cô chia sẻ, làm vợ, chồng của GV vùng cao đòi hỏi sự, cảm thông nhiều lắm. Đàn ông phải cố gắng biết và làm làm đủ mọi công việc từ mâm cơm, giá bát… đến chăm sóc dạy bảo con cái. Phụ nữ phải đủ vững vàng, niềm tin để khi cần có thể thay chồng tự lo toan mọi việc từ đối nội, đối ngoại đến sửa ổ điện, thay bóng đèn cháy...
Thế nhưng trong thực tế, không phải thầy cô nào cũng có được những hậu phương vững chắc và chia sẻ hoàn toàn cùng mình. Một trong những nguyên nhân quan trọng của hàng loạt GV nữ tại Mường Lát – Thanh Hóa thời gian qua có nguyện vọng xin chuyển vùng bởi lý do công tác xa nhà quá lâu. Cần bảo đảm cuộc sống gia đình với vai trò người vợ, người mẹ. Có cô giáo, chồng ép bỏ nghề chứ nhất định không chịu được cảnh gia đình luôn thiếu vắng người phụ nữ. Có cô giáo, chồng không còn giữ lòng sắt son chung thủy khi vợ luôn vắng nhà.
Đến với thầy cô giáo quê Nam Hà, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An… vào tận Cà Mau công tác lại thấy những khát khao giản dị khác. Họ mong có đủ kinh tế để mua được căn nhà nhỏ vừa để an cư lập nghiệp, vừa hàng tháng không phải mất tiền thuê chỗ ở. Thậm chí, điều tưởng như đơn giản như về quê trong dịp lễ Tết đối với họ cũng chẳng dễ dàng bởi những cuộc di dời luôn lấy đi của họ thời gian và hao tổn kinh tế lớn…
Để trụ vững với nghề
GV và HS đến trường trên những chuyến đò lênh đênh sông nước. Ảnh: Đức Trí |
Những GV đang công tác ở vùng núi cao hay hải đảo đều đối diện với nhiều khó khăn riêng từ tinh thần đến vật chất. Thế nhưng khắc phục và vượt khó là cách họ đối diện, chấp nhận để được sống với đam mê nghề giáo.
Cô Nguyễn Thùy Linh – GV Trường PTDTBT TH&TGCS Vần Chải (huyện Đồng Văn, Hà Giang) chia sẻ: Ở vùng cao thế này lấy đâu ra chiếu phim, hay biểu diễn của các đoàn nghệ thuật. Vì thế chúng em cứ tự biểu diễn cho nhau xem trong những dịp lễ tết, còn hàng ngày, hết giờ soạn giáo án thì chỉ có chiếc đài, tivi làm bạn.
Giờ có Internet thì sự kết nối với thế giới xung quanh cũng tốt hơn rất nhiều. Chỉ sợ nhất một số địa bàn không có mạng, điện thoại đều trở thành “cục gạch”, chúng em như bị cắt đứt với thế giới bên ngoài thôi.
Để cải thiện cuộc sống, nhiều thầy cô, nhà trường đã tổ chức cho GV đào ao thả cá, nuôi gà, trồng rau xanh. “Đồng lương của giáo viên vùng cao chỉ giúp chúng tôi chi tiêu đủ thôi. Mua sắm cái gì cũng đắt đỏ hơn dưới xuôi vì công vận chuyển lớn... Vì thế phải tự mình vận động, khắc phục, thậm chí tham gia lao động, buôn bán nhỏ lẻ để có thêm thu nhập. Như vậy mới bảo đảm tốt hơn cho cuộc sống...”, cô Nguyễn Thị Giang – Hiệu trưởng Trường TH xã Thanh Vân – Quản Bạ (Hà Giang).
Mâm cơm giản dị của vợ chồng thầy giáo tại Ngọc Hiển – Cà Mau. Ảnh: Đức Trí |
Với nữ giáo viên đang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vất vả lo lắng hơn cả khi họ mang bầu và sinh nở. Chính vì vậy, ban giám hiệu các nhà trường thường phải linh động và bố trí sắp xếp hợp lý để các cô được giảng dạy ở điểm trường thuận lợi. Khi chuẩn bị đến thời điểm trở dạ, các cô phải chủ động tính toán, xin nghỉ trước nửa tháng đến cả tháng về dưới xuôi hoặc vào bờ để an toàn chờ sinh... Hết thời gian ở cữ, nhiều cô giáo lại bồng con theo mẹ lên trường để tiếp tục công tác...
Có thể thấy, không chỉ linh hoạt, nỗ lực khắc phục khó khăn cuộc sống hàng ngày để thích nghi với nghề nghiệp mà phần lớn đội ngũ nhà giáo hiện nay rất quan tâm tới việc bồi dưỡng chuyên môn đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục... Sự chuyển động tích cực không ngừng ấy, đòi hỏi phóng viên giáo dục phải sâu sát, trực tiếp tiếp xúc, chứng kiến lắng nghe nỗi niềm của họ. Trên cơ sở đó mới có thể phản ánh kịp thời đến bạn đọc về giáo dục nói chung và người giáo viên nói riêng.
Nghề báo, đi và lắng nghe thật nhiều, chia sẻ và đồng cảm chắc chắn sẽ thêm hiểu và yêu nghề giáo.