Lớp học ở “ốc đảo” vùng biên
Ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) tiếp giáp với Campuchia, vào mùa lũ được ví như “ốc đảo” vì nằm biệt lập ngoài đồng giữa bốn bề sông nước, cách trung tâm xã đến 5 km. Để thuận tiện cho học sinh ở khu vực này đến lớp, Trường Tiểu học Thường Phước 1A xây dựng điểm lẻ với 3 phòng học ở “ốc đảo” để dạy cho gần 50 em từ lớp 1 đến lớp 5.
Hơn 6 giờ sáng, từ bến đò gần chợ Thường Phước, chúng tôi cùng hai thầy giáo ngồi đò hơn 30 phút giữa cánh đồng mênh mông để đến lớp. Chiếc đò bằng gỗ chở được khoảng 20 người, gắn máy dầu D15 lướt phăng phăng trên đồng. Thầy giáo Nguyễn Văn Hợp cầm trên tay hộp cơm, vui vẻ cho biết: “Tranh thủ ăn sáng rồi nhưng phải mang theo hộp cơm, để trưa ăn rồi dạy tới chiều mới về vì trong đó không có quán xá gì. Hôm nay trời yên còn đỡ, chứ mấy hôm trước sóng to lắm, ngồi như thế này nước tràn vô ào ào, ướt hết cả người. Bữa nào trời mưa là đường lầy lội, xe gắn máy chạy không được, phải đi bộ, có hôm đến tối mới về tới nhà”, thầy Hợp chia sẻ.
Là người hằng ngày đưa đón học sinh và thầy giáo đến lớp, ông Nguyễn Văn Nhàn ở trong “ốc đảo” cho hay: “Năm nay lũ lớn nên sóng gió cũng mạnh hơn mọi năm. Gió mạnh tạo lên những con sóng lớn, nước tràn vào trong ghe, phải tát ra liên tục. Chưa kể, những lúc mưa gặp nước chảy mạnh nên đưa đò rất vất vả”. Vừa chạy ghe, ông Nhàn vừa giới thiệu, bên trái cách chưa đầy 200 mét là biên giới giáp Campuchia, còn bên phải là con đê nhà nước đang xây dựng nhưng hiện tại đang dang dở vì nhiều đoạn bị lũ làm sạt lở, không đi lại được. “Mùa khô chạy xe gắn máy được nhưng hôm nào mưa là sáng ra phải chạy dài dài gom học sinh chở đến trường”, ông Nhàn nói.
Tình nguyện vào “ốc đảo” dạy học đến nay gần 20 năm và mang theo vợ con vô cất nhà ở đến giờ, thầy Nguyễn Cao Cường là giáo viên gắn bó xuyên suốt với điểm lẻ Trường Tiểu học Thường Phước 1A. Thầy chia sẻ: “Các em rất tội nghiệp vì thiếu thốn đủ thứ, mình càng gắn bó thì càng thấy thương các em. Tôi vô đây dạy lâu nên rất mến trẻ, có lúc BGH muốn rút về điểm chính nhưng tôi không đồng ý. Hơn nữa, ở trong này lâu ngày rồi, được người dân quý mến nên muốn gắn bó ở đây luôn”.
Thầy Nguyễn Cao Cường |
Dạy học bằng cả tình yêu thương
Theo thầy Cường, trước đây địa phương có nguồn lợi thủy sản phong phú, nhưng giờ đã cạn kiệt nên người dân chỉ làm qua loa, phần lớn là đi Bình Dương làm thuê, gửi tiền về cho các em ăn học. “Ở tuổi các em, quan trọng là tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ. Nhưng họ phải lo miếng ăn nên đành gửi con lại cho ông bà. Vì thế, điều kiện của các em không bằng so với các bạn bè cùng trang lứa ở nơi khác”, thầy Cường bộc bạch.
Học trò mỗi em mỗi cảnh, như em Đỗ Thị Như Ý cùng với em trai là Đỗ Văn Tuấn Kiệt cùng học lớp 5. Em Như Ý cho biết, nhà không ruộng đất, cha mẹ đi làm thuê ở Bình Dương nên hai chị em ở nhà sống với ông bà nội. Còn bà Lê Thị Lệ năm nay 58 tuổi, có 4 đứa cháu nội, đứa nhỏ nhất học mẫu giáo, còn lớn nhất học lớp 3.
Bà Lệ nói: “Cha mẹ tụi nhỏ đi làm thuê ở TPHCM hết rồi, gửi con lại cho tôi nuôi. Thỉnh thoảng 1 - 2 tháng gửi tiền về cho bà cháu tôi sống qua ngày”. Gia đình bà có bốn người con, không ruộng đất, vào mùa khô thì đi làm thuê, bữa nào ăn bữa nấy. “Mấy năm nay cơ giới hóa đã thay con người, đến lúa chín thì họ thuê gặt máy hết, còn mùa lũ thì cá tôm không còn nhiều, sống khó khăn nên vợ chồng các con phải kéo nhau đi làm thuê nơi xa”, bà Lệ bộc bạch.
Điểm lẻ của Trường Tiểu học Thường Phước 1A có 3 phòng dùng để dạy 5 lớp với 46 học sinh, không có phòng cho giáo viên nghỉ ngơi nên sau khi dạy xong buổi sáng, thầy Hợp mang theo chiếc võng để mắc vào gốc cây nghỉ trưa. Căn phòng nhỏ do thầy Nguyễn Văn Hợp chủ nhiệm lớp 1 và lớp 3 nên phải dựng 2 cái bảng ở 2 đầu.
Học sinh ăn mặc giản dị với những bộ đồ cũ kỹ, miệt mài tập đánh vần theo thầy giáo. Còn nhóm lớp 3 hơn chục đứa thì đang chăm chỉ làm Toán. Thầy Hợp cho biết, ở đây không đủ học sinh nên buộc phải dạy lớp ghép. “Khó khăn là dạy 2 trình độ, bên đây lớp 1 học vần thì bên kia lớp 3 phải dạy Toán để không gây xáo trộn ồn ào. Hơn nữa, cùng lúc phải truyền đạt 2 kiến thức khác nhau nên khá vất vả. Chưa kể, lớp ghép nhiều em không theo kịp kiến thức trong buổi sáng nên phải ở lại thêm buổi chiều để dạy kèm”, thầynói.
Dù điều kiện đi lại khó khăn nhưng thầy Lê Văn Tuấn vẫn tình nguyện vào dạy lớp 4 và lớp 5 ở “ốc đảo” nhiều năm nay |
Thầy Lê Văn Tuấn, quê ở xã Phú Thuận, cùng huyện Hồng Ngự, năm đầu tiên tình nguyện vô dạy lớp 4 và 5. Thầy cho biết, đường sá bản thân không ngại vì nghĩ đến học sinh dù hoàn cảnh còn khó khăn mà vẫn chăm ngoan, lễ phép. Đó là niềm động viên để thầy bám lớp. Thầy Nguyễn Tấn Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thường Phước 1A cho biết thêm, mùa lũ đi lại khó khăn, phải đi bằng đò nguy hiểm nhưng giáo viên vẫn luôn nhiệt tình, không ngại xa xôi để mang đến con chữ cho các em ở vùng bị lũ chia cắt.
Theo ông Đặng Văn Bé, Trưởng ấp Giồng Bàng, khu vực này nằm biệt lập giữa đồng, sát biên giới Campuchia nên việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều trở ngại. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, cha mẹ các em bỏ xứ đi làm thuê xa. Mỗi khi lũ về, nhiều em phải dừng việc học giữa chừng để phụ cha mẹ làm thuê. Khoảng 3 năm nay, chính quyền địa phương vận động thuê đò đưa hơn 20 em học sinh ra xã học tiếp cấp 2 và cấp 3.