Vượt qua chặng đường gần 400 km từ Hà Nội chúng tôi mới về đến bản Chiềng Nưa, Mường Lát. Từ bản Chiềng Nưa, để lên được bản Sài Khao phải vượt qua gần 20km đường núi cao gập ghềnh hiểm trở bằng xe máy.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ, vượt qua những “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” đúng như câu thơ của nhà thơ Quang Dũng, cả đoàn chúng tôi cũng đến được bản Sài Khao trong niềm vui chào đón của thầy cô giáo, học sinh điểm trường khu Sài Khao (Trường tiểu học Tây Tiến) và bà con dân bản.
Các em nhỏ ở bản Sài Khao đón đoàn thiện nguyện |
Cảm nhận đầu tiên của tôi là một Sài Khao nghèo khó, buồn thương khác hẳn với không khí nhộn nhịp của phố huyện. Bây giờ, ở Sài Khao vẫn còn nhiều “cái không” rất cơ bản như không đường, không điện, không chợ, không sóng điện thoại, không ruộng lúa nước. Những đứa trẻ với trò chơi đất cát, tóc vàng hoe, khuôn mặt lem luốc và chân không giày dép.
Toàn bản Sài Khao có 86 hộ dân, do đường sá cách trở, ở trên đỉnh núi cao nhất của tỉnh Thanh Hóa nên người dân nơi đây chủ sống chủ yếu bằng nghề làm nương dẫy. Vì thế đời sống còn nhiều khó khăn, hiện tượng thiếu đói vào mùa giáp hạt thường xuyên xảy ra. Bản hiện vẫn chưa có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 100%.
Những em bé ở bản Sài Khao |
Những vào những ngày mùa đông, Sài Khao luôn là một trong những nơi nhiệt độ thấp nhất của tỉnh Thanh Hóa. Nhiệt độ luôn dưới 10 độ C, những ngày rét đậm rét hại, nhiệt độ xuống thấp dưới âm 2 độ C. Vì nghèo khó, nên học sinh cũng như người dân ở đây không có đủ tiền để mua quần áo ấm, chăn màn đắp trong những ngày đông lạnh giá. Không chỉ người dân phải chống chịu với cái rét trên đỉnh Sài Khao mà nhiều giáo viên cắm bản cũng gồng mình để bám bản gieo chữ cho học sinh.
Thấu hiểu được những khó khăn trên của các em học sinh, các thầy cô giáo cùng người dân ở Sài Khao, Ban liên lạc Tây Tiến đã tặng nhà trường và bà con dân bản 1 máy phát điện, 400 áo len, 200 bộ sách giáo khoa, 500 cuốn vở ô ly, 2 thùng bánh kẹo cũng các vật phẩm khác…với mong muốn mang chút ánh sáng cho dân bảo làng nơi xa xôi và chút hơi ấm cho các trẻ em vùng cao khi mùa đông đang tới.
Học sinh điểm trường khu Sài Khao vui mừng nhận được áo len |
Chị Bùi Phương Thảo, Trưởng ban liên lạc Tây Tiến, con gái nhà thơ Quang Dũng cho biết: "Cách đây 70 năm, nơi đây Trung đoàn 52 Tây Tiến đã đóng quân và được nhân dân Sài Khao che chở khi làm nhiệm vụ quốc tế cùng với quân đội Lào gìn giữ và cùng chiến đấu chống lại kẻ thù chung giặc Pháp.
Điều đặc biệt, năm 2012, Ban liên lạc Tây Tiến - thế hệ giữ lửa Tây Tiến được biết đến có một trường tiểu học mang tên Tây Tiến ở Sài Khao, Mường Lát, Thanh Hóa. Chúng tôi vô cùng vinh dự và tự hào vì biết được rằng nơi đây thế hệ ông cha mình chiến đấu lại có một trường mang tên của trung đoàn. Từ khi biết đến ngôi trường này, chúng tôi đã lan tỏa tình cảm thế hệ giữ lửa Tây Tiến đến với đồng bào Sài Khao qua công tác tri ân và khuyến học.
Chị Bùi Phương Thảo thay mặt cho ban liên lạc tặng nhà trường cuốn lịch năm mới 2019 |
Năm nay nhân kỷ niệm 70 năm bài thơ "Tây Tiến" được sáng tác (1948- 2018), chúng tôi tổ chức chuyến đi về Sài Khao với mong muốn chia sẻ niềm vui mang ánh sáng cho nhà trường và bản làng mỗi khi đêm về, phục vụ các sinh hoạt chung của cộng đồng ở bản Sài Khao, đồng thời mang hơi ấm đến với học sinh Sài Khao".
Buổi tối ở điểm trường Sài Khao |
Trong buổi tối ở điểm trường Sài Khao, lần đầu tiên cả dân bản có điện chiếu sáng từ chiếc máy phát điện mà đoàn trao tặng. Cả bản và điểm trường vui như ngày hội, ban liên lạc Tây Tiến cùng với các bạn trẻ tình nguyện đã có một buổi giao lưu văn nghệ ấm ấp với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, người dân ở bản Sài Khao.
Không phân biệt người già hay trẻ nhỏ, tất cả mọi người nắm tay nhau, cùng cất cao lời bài hát "Nối vòng tay lớn". Trong ánh lửa bập bùng, những điệu múa, câu hát, tiếng khèn cất lên làm mọi người xích lại gần nhau hơn. Và tôi cảm nhận được tình người đang lan tỏa ở nơi bản làng xa xôi còn đầy gian khó.
Chị Bùi Phương Thảo hi vọng, đây không phải là chuyến đi cuối, mà còn nhiều hơn nữa khi chúng tôi lan tỏa được tình yêu đối với Trung đoàn 52 Tây Tiến và bài thơ "Tây Tiên" nói riêng. Chị Thảo mong rằng, thế hệ quản lý của huyện Mường Lát nói riêng và Thanh Hóa nói chung cần quan tâm hơn nữa để các em học sinh Sài Khao đi học có lớp ra lớp, trường ra trường, để con đường đến trường không còn nhiều gian khó, để các em thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.