Chòng chành con chữ
Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi theo chân một nhóm bạn trẻ thiện nguyện từ TPHCM đến khu vực lòng hồ Trị An xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai), nơi có lớp học miễn phí cho nhiều con em nơi đây. Lênh đênh trên chiếc ghe giữa lòng hồ, chúng tôi tìm đến làng vạn chài thuộc xã Thanh Sơn.
Trên chiếc thuyền chòng chành, vị lãnh đạo xã Thanh Sơn chỉ tay về phía hồ cho biết: “Ở đây, khi mùa mưa đến, nước dâng cao mênh mông nhấn chìm cả lối đi ở bờ hồ. Song những đứa trẻ làng vạn chài vẫn vui vẻ bơi xuồng đến lớp học dù không ít lần bị rơi xuống nước, ướt cặp sách…”.
Được biết, làng vạn chài trên hồ Trị An có khoảng 35 hộ gia đình. Họ là những người Việt trở về từ vùng Biển Hồ Campuchia nhiều năm trước. Ở đây, cuộc sống ngư dân phụ thuộc vào việc đánh bắt hải sản trên hồ. Do cách xa trung tâm thị trấn Định Quán, cuộc sống người dân gần như “biệt lập” với khu vực xung quanh. Cùng với việc hộ khẩu chưa rõ ràng, người dân không có giấy tờ tùy thân nên những đứa trẻ lớn lên tại đây khó khăn trong việc nhập học.
“Tôi chưa làm đăng ký khai sinh cho con, sổ hộ khẩu không có nên việc nhập học cho con rất khó khăn. Và các trường học đều cách xa nên tôi quyết định cho con ở nhà”, một ngư dân ngại ngùng cho biết. Không được đến trường, nhiều em đã lớn nhưng vẫn không biết chữ, không thể viết tên mình.
Trong một lần ghé thăm, nhìn thấy cuộc sống của trẻ em vạn chài, thầy Thích Chơn Nguyên - vốn là người khai sơn chùa Liên Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) - đã quyết định dấn thân “mang” con chữ đến với các em, với ý nguyện mong muốn trẻ em vạn chài được học hành, có cuộc sống vui vẻ, ổn định hơn về sau. “Lúc đầu, tôi đến bè một hộ dân để dạy chữ cho 5 em nhỏ. Về sau, những đứa khác cũng tới học nên tôi mua hẳn một bè nổi để dạy cho các em”, đại đức Thích Chơn Nguyên kể.
Sau đó, thầy Chơn Nguyên quyết định dựng bè trên lòng hồ Trị An để mở lớp học, mang con chữ đến với trẻ em nơi đây. Thầy Chơn Nguyên cũng không quản vất vả, khó khăn vận động các phụ huynh, cũng như trẻ em làng vạn chài đến lớp học. Điều đặc biệt, những đứa trẻ làng vạn chài, kể cả người lớn có nhu cầu học chữ khi đến với lớp học của thầy Chơn Nguyên đều được miễn phí. Thầy lo hoàn toàn từ việc học hành đến ăn uống hay sách vở cho học trò của mình.
“Khi mới thành lập, các em chưa muốn đi học nhiều nên lớp chỉ có 5 em nhỏ. Đến nay, lớp học trên bè của tôi có khoảng 35 học sinh từ 6 - 18 tuổi. Ngoài học sinh nhỏ tuổi, nhiều ngư dân lâu lâu cũng đến lớp để học chữ. Tôi lấy đó làm niềm vui, động lực để cố gắng truyền đạt nhiều kiến thức hơn nữa cho những đứa trẻ ở đây”, thầy Chơn Nguyên chia sẻ.
Tương lai tươi sáng trên lòng hồ
Bà Nguyễn Thị Hòa (ngư dân làng vạn chài) cho biết: Từ ngày có thầy Chơn Nguyên về mở lớp dạy chữ, bà và nhiều người khác rất vui. Trẻ con làng vạn chài như có thêm sức sống, vui vẻ và ngoan ngoãn lễ phép hơn.
“Chúng tôi không biết chữ nên chẳng thể dạy chữ cho con mình và cũng không nghĩ có ngày con mình sẽ được học chữ. Từ ngày có thầy Chơn Nguyên về dạy chữ, người lớn trẻ con ai cũng vui, đặc biệt con cháu của chúng tôi ngoan hơn hẳn, cũng ít nói tục, đánh nhau. Các cháu có một kỷ luật nhất định lại còn biết chào hỏi người lớn. Vui hơn là về nhà chúng còn bi bô đọc sách, biết viết chữ”, bà Hòa tâm sự.
Không chỉ có niềm vui với lớp học của thầy Chơn Nguyên mà những người dân làng vạn chài cũng hồ hởi khi được tiếp cận với tivi. Đêm đến họ cùng nhau đến lớp học để sinh hoạt, xem phim còn trẻ em thì đến đây để gặp nhau, vui đùa. Anh Hưng, một ngư dân tại đây tâm sự: “Nhà tôi chẳng có tivi nên có được xem phim hay nắm bắt thông tin gì đâu. Tối, thầy Chơn Nguyên về chùa nên lớp học được giao lại cho chúng tôi trông nom. Nhờ đó mà các cháu được vui chơi với nhau còn chúng tôi được xem tivi, nói chuyện, uống nước”.
Người vui nhất có lẽ vẫn là những đứa trẻ làng vạn chài. “Em vui lắm khi được đi học và ở lớp em được học nhiều thứ, học chữ, học cách sống đúng nề nếp. Mọi thứ đều được thầy dạy rất kỹ”, em Nguyễn Thị Mai, học sinh của lớp dạy học thầy Chơn Nguyên chia sẻ. Em Mai cũng cho biết, do lớp học trên hồ nên nhiều bạn học của Mai từng bị rơi xuống nước ướt hết sách vở. “Chúng em đi học rơi từ xuồng xuống nước, ướt cặp sách... là chuyện bình thường. Nhưng dân ở đây ai cũng bơi giỏi nên chẳng sợ gì cả”, em Mai nói thêm.