Gieo bé nhỏ, gặt lắng sâu

GD&TĐ - Bộ phim truyền hình 'Đừng làm mẹ cáu' vừa khép lại mà đã gây thương nhớ từ việc khéo gieo những điều bé nhỏ, nhẹ nhàng để gặt được lắng sâu…

Bé Happy (An Nhiên) chinh phục trái tim khán giả bằng lối diễn chân thực, thơ ngây cùng gương mặt thiên thần. Ảnh: VFC
Bé Happy (An Nhiên) chinh phục trái tim khán giả bằng lối diễn chân thực, thơ ngây cùng gương mặt thiên thần. Ảnh: VFC

Dàn dựng từ kịch bản thuần Việt, kể câu chuyện gia đình không quá phức tạp, rắc rối chỉ trong 25 tập, dù vẫn còn đó những điểm trừ về diễn xuất chưa được tự nhiên của một số diễn viên, vậy mà, “Đừng làm mẹ cáu” vẫn là bộ phim được khán giả hào hứng đón nhận.

Dù được chiếu khung giờ muộn (lúc 21 giờ 40 phút, kênh VTV3) và khá ít ỏi (chỉ tối thứ 5 và 6 hằng tuần), đồng thời chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của phim “Dưới bóng cây hạnh phúc”, nhất là “Đừng nói khi yêu” vừa mới công chiếu thế nhưng rating của “Đừng làm mẹ cáu” vẫn xuất sắc đứng đầu trong nhiều tuần liên tiếp.

Khi phim dần đi đến tập cuối, nhiều người còn muốn níu kéo: “Tôi vẫn muốn tiếp tục được xem “Đừng làm mẹ cáu” chứ chưa muốn tạm biệt mẹ con bé Happy…”, chị Trang Hà ở Đông Hưng, Thái Bình chia sẻ.

Để lý giải về thành công này của “Đừng làm mẹ cáu”, đầu tiên không thể không nhắc đến diễn viên nhí An Nhiên đã rất tròn vai cô bé Happy (Hạnh An). Với đôi mắt to tròn biết nói cùng khuôn mặt xinh xắn, cái miệng đáng yêu… An Nhiên đã làm nức lòng người xem khi hóa thân khá tự nhiên là một bé con lắm điều, nhiều chuyện và có phần… già trước tuổi.

Thế nhưng, Happy vẫn rất trẻ con, thích được cưng nựng, yêu chiều và luôn tìm cớ… nghỉ học. Mỗi khi An Nhiên mở to đôi mắt nhìn mẹ Hạnh rồi lý sự, đôi khi có tiếng chưa tròn vành, nhưng sao mà vẫn đáng yêu. Rồi lúc mắc lỗi, lúc giận hờn với mẹ Hạnh cũng không hề gượng gạo.

Ở tập 23, những giây phút An Nhiên thể hiện cảm xúc của Happy khi biết sự thật về sự ra đời của mình mà cao trào là lúc bị mẹ Hạnh mắng rồi suýt đánh trước bữa cơm, cảm xúc ấy rất chân thực, chạm đến trái tim người xem.

Những câu nói già trước tuổi của bé Happy mà An Nhiên phải thể hiện cũng không hề gượng gạo, cứng nhắc. Có thể ban đầu khán giả đã có những tranh cãi nhất định, song cuối cùng hoàn toàn được thuyết phục vì lối diễn xuất của diễn viên nhí này về một cô bé Happy thực sự khôn ngoan như thế chứ không phải là đứa trẻ bị bắt nói theo kịch bản của biên kịch.

Và, cô bé An Nhiên ấy không chỉ hoàn thành xuất sắc vai diễn trên phim, mà còn gợi nhắc trong ký ức của mỗi người mẹ nay đã xế chiều và không ít người mẹ đang có con ở độ tuổi ấy về những phút giây bên những đứa con thơ. Không phải trong cuộc sống không có cô bé, cậu bé nào già trước tuổi như Happy.

Tất nhiên, không phải là sự trùng khớp 100%, mà là sự gần gũi, thân thuộc, thân thương với con trẻ nên hẳn rằng sẽ có không ít người mẹ rưng rưng… Sự đồng cảm đó không chỉ là thương nhớ về những năm tháng nuôi con lớn khôn có khi đong đầy tiếng cười mà cũng có khi đẫm gối nước mắt, mà còn có cả những phút giây ân hận vì lúc cáu giận nào đó đã làm tổn thương con trẻ…

Bộ phim 'Đừng làm mẹ cáu' gây thương nhớ cho khán giả bởi câu chuyện nhỏ bé nhưng lắng sâu. Ảnh: VFC

Bộ phim 'Đừng làm mẹ cáu' gây thương nhớ cho khán giả bởi câu chuyện nhỏ bé nhưng lắng sâu. Ảnh: VFC

Vì thế, những câu hỏi của cô bé Happy như rót vào lòng mỗi người mẹ dõi theo “Đừng làm mẹ cáu”: “Nhưng mẹ có phải là mẹ của con không? Sao một người mẹ ruột có thể đánh con mình?”…

Cùng với một Happy bé bỏng ấy, bộ phim “Đừng làm mẹ cáu” còn khai thác câu chuyện nhỏ của những hoàn cảnh làm mẹ trớ trêu. Hạnh làm mẹ ngay khi chưa tròn tuổi đôi mươi, bởi phải cưu mang đứa con bé bỏng mà người chị kết nghĩa sớm rời bỏ cuộc sống trần gian.

Vy làm mẹ bởi tình một đêm trong cơn say với Khôi. Nếu như Hạnh côi cút nuôi bé Happy thì Vy nuôi cu Voi bằng bản hợp đồng hôn nhân kỳ lạ. Từ những tình huống tréo ngoe này, những chuyện đời bi hài được kể khá gần gũi với đời sống hôm nay.

Ở cặp mẹ - con Hạnh - Happy khiến khán giả chú ý hơn cả là bé Happy “cụ non” luôn là “thần hộ mệnh” cho mẹ Hạnh - bà mẹ đơn thân phải chịu không ít sự phân biệt đối xử, coi thường ở đời. Cặp mẹ - con Vy - Voi thì khán giả quan tâm đến một bà mẹ như Vy bị mắc kẹt giữa hợp đồng hôn nhân và tiếng gọi của con tim.

Có lẽ, với khán giả đã có tuổi thì khó có thể chấp nhận được tình huống làm mẹ của Vy. Làm gì có gia đình nào được xây dựng trên một hợp đồng hôn nhân để cùng chăm sóc con mà không can thiệp vào đời sống cá nhân của nhau. Thậm chí thật khó tin khi Vy là một người vợ nhanh chóng đi giải vây cho chồng sau những lần anh ta lang chạ và bị gái bám đuổi hay để mặc chồng quay lại tình cũ trong khi biết mình đã yêu Khôi…

Nhưng, với thế hệ trẻ thì câu chuyện này không lạ, mà nó còn rất đời vì trong đời sống hiện đại không hiếm những hợp đồng hôn nhân có thể từ một tình huống cụ thể khác nhưng mang kiểu vợ chồng cùng phối hợp để giữ hình ảnh cho nhau, cho con.

Tuy nhiên, biên kịch của “Đừng làm mẹ cáu” đã khéo léo chọn tình huống phổ biến của cuộc sống hiện đại làm chất liệu có khi trần trụi, đắng chát không phải để cổ xúy mà để gieo vào đó không ít điều lắng sâu về hôn nhân và trách nhiệm của cha mẹ với sự khôn lớn, trưởng thành của con trẻ, cũng như vai trò gắn kết của con trẻ trong gia đình.

Ngoài ra, ở đó còn có những phản ánh thực tế về lòng tham của những người đàn ông như Khôi: Muốn giam giữ thanh xuân của Vy trong hợp đồng hôn nhân mà lại cho phép mình thoải mái phiêu lưu tình ái… Hay chỉ trong nút thắt Quân luôn truy hỏi mẹ về bố của mình để rồi lắng lại với thực tế đắng đót: Những vụ việc xâm hại tập thể vẫn xảy ra trong đời sống.

Cùng với đó, hình ảnh những bà mẹ ở “Đừng làm mẹ cáu” được khắc họa đều độc lập, cá tính – không riêng gì Hạnh, Vy mà cả mẹ của Quân, mẹ của Khôi. Nếu như, Hạnh dám đấu tranh để tự bảo vệ mình và con gái thì Vy dám dứt khỏi bản hợp đồng hôn nhân để giải phóng cho trái tim của mình.

Hai bà mẹ ở thế hệ trước có thể ban đầu giữ quan niệm sống xưa cũ, song sau những thực tế phải trải qua lại rất thấu hiểu và chia sẻ với cách nghĩ cùng những nỗi niềm trong đời sống hôn nhân của thế hệ trẻ.

Bởi thế, dù không cảnh nóng, không tạo quá nhiều xung đột, mâu thuẫn nhưng bộ phim truyền hình “Đừng làm mẹ cáu” vẫn đủ sức cuốn hút để khi khép lại làm khán giả vẫn bâng khuâng thương nhớ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.