Người mẹ đặc biệt
Từ năm 1999, khi còn là giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Vĩnh Long), chứng kiến nhiều trẻ em bán vé số không được đến trường, cha cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga đã gợi ý: “Con có thể mở lớp ban đêm cho tụi nhỏ được không? Ba thương tụi nó quá!”.
Vậy là cô Nga tập hợp các em nhỏ lang thang cơ nhỡ, bán vé số, gia đình khó khăn không được đi học... để mở lớp. Thời gian đầu, cô mượn phòng thư viện của Trường Tiểu học Chu Văn An để dạy. Năm 2009, khi cô về hưu, lớp học cũng được chuyển về nhà cho tiện.
Sau đó, phát hiện trên địa bàn có trẻ bị tật nguyền, thiểu năng trí tuệ không biết mặt chữ, cô Nga đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em đến lớp. Từ đó, lớp học tình thương trở thành địa chỉ thân thuộc với cô cậu học trò lang thang cơ nhỡ, mồ côi, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, nhiễm HIV... Nhiều em gia đình ở tận Long Hồ, Mang Thít cũng tìm đến gửi.
Mỗi ngày từ 7 giờ sáng, lớp học đón nhận trên 30 em HS “đặc biệt”. Sau bài tập thể dục để nâng cao thể lực là các trò chơi vận động rèn luyện trí nhớ, sự năng động đến phần học Văn, Toán, Âm nhạc, Hội họa, Giáo dục công dân... Từ những đứa trẻ rụt rè, mặc cảm, đến lớp học cô Nga, các em cởi mở hơn, thân thiện, hòa nhập với mọi người xung quanh. Nhiều HS tại lớp học này đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi Mỹ thuật dành cho thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long. Các bức tranh được cô Nga trân trọng treo tại lớp để động viên học trò.
Cô Nga tâm sự: Những ngày đầu, nhiều đồng nghiệp, hàng xóm không ủng hộ vì cho rằng tốn kém tiền bạc, sức khỏe, thời gian mà không thu lại được gì. Đặc biệt, dạy trẻ bệnh thiểu năng khó khăn, vất vả hơn nhiều so trẻ bình thường. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy dần biến mất trước sự hiếu học, tiến bộ của nhiều HS trong lớp học đặc biệt này. May mắn, việc làm của cô được những người em trong gia đình hết lòng ủng hộ.
Xúc động khi chia sẻ về học trò của mình, cô Nga cho biết: Có những em hoàn cảnh rất khó khăn, như bé N mồ côi cha, ở với ngoại; ngoại cũng nghèo nên mới 12 tuổi đã phải rong ruổi đầu đường cuối phố bán vé số. Còn 3 chị em Q, N, T, thì ba mẹ ly hôn, không ai chịu nuôi dưỡng nên mướn nhà trọ ở; 2 chị đi bán vé số kiếm tiền nuôi em nhỏ. Bé T thì bị nhiễm HIV từ cha mẹ. H bị hội chứng down nhưng vẽ rất đẹp. Cô Nga cũng kể về 2 học trò khuyết tật đều là HS của mình, cùng học rồi nên duyên, sau đó sinh con lại tiếp tục gửi cô dạy. Em S đã 34 tuổi, chậm phát triển, hành trang đến lớp luôn kèm theo tập vé số để học xong đi bán cho kịp…
“Lòng yêu nghề là động lực giúp tôi gắn bó với trẻ. Nếu không yêu, không mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thì khó vượt qua được những khó khăn, thử thách. Công việc mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm, cung bậc cảm xúc. Những năm tháng được đồng hành cùng tuổi thơ của trẻ để nuôi dưỡng cảm xúc chân thành, đáng yêu là niềm hạnh phúc bình dị đối với tôi” - cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga tâm tình.
Không ngừng đổi mới, không dừng sáng tạo
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, tâm huyết đặc biệt dành cho nghề giáo và năng lực chuyên môn giỏi, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Ân Thi là một đại diện của Hưng Yên dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm nay.
Trong niềm vui, xúc động trước vinh dự đặc biệt này, cô Anh chia sẻ duyên phận của mình với nghề đến từ chính sách… miễn học phí cho sinh viên sư phạm. “Bố mẹ là bộ đội về hưu, dù có lương nhưng không đủ nuôi 4 con ăn học. Bố mẹ phải mượn ruộng, tăng gia chăn nuôi để có thêm thu nhập nuôi chúng tôi. Tôi cùng em gái chọn trường sư phạm vì... được miễn học phí. Nhưng thật kì diệu, từ khi bước vào cánh cổng trường ĐH cho đến những ngày tháng chập chững vào nghề và đến giờ phút này, ngọn lửa của lòng yêu trẻ, tình yêu nghề cứ lớn dần và mỗi ngày thêm bùng cháy trong tôi. Tôi thấy mình thật may mắn khi được nghề lựa chọn!” - cô Anh tâm tình.
Từ khi bén duyên với nghề, những thành tích cô Vũ Thị Anh đạt được có thể thành một danh sách dài. Đó là số HS được cô bồi dưỡng đoạt HS giỏi cấp tỉnh, quốc gia môn Lịch sử; nhiều bài báo khoa học; hàng loạt sáng kiến cấp cơ sở, cấp tỉnh… Nhưng, cùng thành quả là nhiều thế hệ học trò trưởng thành, điều cô giáo xứ nhãn lồng tự hào nhất là sản phẩm tham dự cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2016 - 2017”.
“Nhiều tâm huyết cho hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS của tôi đã được gửi gắm ở đó” - cô Anh chia sẻ và cho biết: Năm 2016, khi bắt tay thực hiện sản phẩm dự thi, quan điểm dạy học tích hợp không còn mới nhưng cũng chưa thực sự được thấu tỏ trong nhiều nhà trường. Ý tưởng đã có, nhưng đường hướng thực hiện chi tiết chưa hình dung được cụ thể, cô Anh nhiều lần lên Hà Nội tìm tài liệu, chủ động gặp hoặc liên lạc (điện thoại) với các thầy cô giảng dạy mình ở lớp cao học, nghiên cứu sinh để hỏi ý kiến. Gợi ý, dẫn dắt của thầy cô, cùng quyết tâm và năng lực cá nhân, sản phẩm dự thi của cô Anh năm đó được giải Nhất cấp Bộ. “Đó là vinh dự, động lực để tôi không ngừng đổi mới, không dừng sáng tạo bằng tất cả khả năng có thể và tình yêu với nghề giáo của mình” - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Sức mạnh ngôi trường vùng khó
Trường THPT Lắk, tỉnh Đắk Lắk là điển hình tập thể duy nhất của vùng đất cà phê được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020.
“Tập thể vượt khó” là câu nói ngắn gọn của người đứng đầu Trường THPT Lắk khi thông tin về ngôi trường nằm bên hồ Lắk huyền thoại - thầy Lê Văn Trị. Cái khó nằm ở tỷ lệ 45% HS là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều HS dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do, giao thông đi lại vô cùng khó khăn; 48% HS con hộ nghèo; hơn 70% HS sinh sống ở các thôn, buôn, xã đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất dù được đầu tư song chưa đồng bộ, chưa có phòng học bộ môn. Hằng năm, việc tuyển sinh vào lớp 10 không được sàng lọc nên ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
“Nhiều HS nhà xa trường từ 25 - 35 km nên phải ở trọ học tập. Đại đa số cán bộ, giáo viên nhà trường còn ở tập thể. Nhưng vượt qua tất cả khó khăn đó, với tâm huyết của từng cán bộ, giáo viên, trường đã mang về nhiều thành tích đáng tự hào, trở thành điểm sáng của tỉnh về giáo dục mũi nhọn và đại trà. Năm học 2019 - 2020, toàn trường có 198 HS giỏi toàn diện (tỷ lệ 16,5%); tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 99,74%. Không chỉ giảng dạy, HS, giáo viên nhà trường còn hưởng ứng nhiệt tình nhiều hoạt động khác và mang về không ít thành tích: 11 HS đạt giải tại Hội khỏe Phù Đổng giai đoạn 1; 25 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải Hội thi viết sáng kiến kinh nghiệm và giáo án điện tử do sở GD&ĐT tổ chức... Với nỗ lực của tập thể, Trường THPT Lắk đạt giải Nhất cụm thi đua và được UBND tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc” – thầy Lê Văn Trị chia sẻ.
Trong đợt tạm nghỉ học vì dịch bệnh vừa qua, đặc thù người học cũng là thách thức lớn, nhưng cán bộ, giáo viên Trường THPT Lắk đã nỗ lực tối đa để duy trì tốt hoạt động dạy học và kết quả trên 50% HS học lực khá, giỏi năm học 2019 - 2020 là phần thưởng ngọt ngào.
“Chúng tôi xây dựng thời khóa biểu học trực tuyến cho HS toàn trường; tiến hành dạy học trực tuyến, qua truyền hình, Viettel Study, qua nhóm cho HS… Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn rà soát số lượng HS có điện thoại thông minh, có tivi kết nối Internet... và liên hệ với HS, phụ huynh để dạy học. Do tỷ lệ HS dân tộc, thuộc hộ nghèo đông, nhiều HS ở địa bàn xa, đồi núi, không có các phương tiện thu phát sóng, nhà trường đã chuyển bài cho HS qua bưu điện. Thật vui bởi thành quả của nỗ lực nói trên là HS duy trì tốt kết quả học tập, các em không phải dừng học dù tạm dừng đến trường vì dịch bệnh” - thầy Lê Văn Trị chia sẻ.