(GD&TĐ) - Lũ quét tại Hà Tĩnh trong thời gian học sinh đang ở tại trường, nhưng hàng vạn học sinh vẫn được đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tính mạng. Có được điều ấy, cũng do tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, yêu trẻ của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong hoạn nạn càng được trỗi dậy và nhân lên gấp bội.
|
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thăm Trường Mầm non Sơn Kim 2 |
Động viên các nhà trường khẩn trương khắc phục hậu quả bão lụt, do nước lũ chia cắt, chiều 17/10, ngành Giáo dục Hà Tĩnh có 3 đoàn công tác tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Với phương châm chỉ đạo: nước rút đến đâu dọn dẹp, tu sửa kịp thời để ổn định việc học đến đó. Hầu hết các nhà trường đều nêu cao tinh thần trách nhiệm. |
Những ngôi trường xám xịt bùn đất
Cơn lũ đi qua đã để lại cho những mái trường như những bức tranh xám xịt, ngổn ngang, tan hoang và lớp bùn đất dày đặc. Tại Trường Mầm non Hương Minh (Vũ Quang) - một trong những ngôi trường bị nước lũ nhấn chìm gần 2m - toàn bộ bàn ghế, bát đũa, đồ dùng của các em học sinh không kịp di chuyển đã bị bùn vùi lấp một lớp dày đặc.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diên vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Buổi sáng ngày 16/10, nhà trường đang dạy học bình thường, đến khoảng 8h30 mưa to, gió lớn, chúng tôi đã nhanh chóng cho các em học sinh nghỉ học, gọi điện cho phụ huynh đón cháu về, đồng thời huy động toàn thể giáo viên vận chuyển đồ dùng thiết bị lên tầng 2.
Tuy nhiên, do nước lũ lên quá nhanh, nhà trường chỉ kịp sơ tán, vận chuyển được một số thiết bị như máy tính, đồ chơi lên tầng trên. Trong vòng 30 phút sau, nước ào ào chảy xiết vào sân trường, sau đó là ngập toàn bộ. Chúng tôi chỉ biết khóc và bất lực đứng nhìn dòng nước lũ tàn phá ngôi trường..."
Được biết toàn huyện Vũ Quang có 14/30 ngôi trường bị ngập lụt. Hệ thống bồn hoa cây cảnh, bàn ghế, tủ đựng dụng cụ, đồ chơi trẻ em, biểu bảng bị hư hỏng nặng, trên 400m tường rào bị đổ, hàng chục ngôi nhà công vụ, nhà xe bị sập, tốc mái. Hiện tại một số trường vùng hạ huyện vẫn đang bị chìm sâu trong biển nước. Chưa thống kê được con số thiệt hại của các nhà trường.
Thầy cô quên thân đảm bảo an toàn cho học trò
Cũng khung cảnh tan hoang do lũ quét, tại Hương Sơn, 54 ngôi trường ở tất cả các bậc học bị ngập nước, trong đó có 29 trường bị ngập sâu trên 1m. Cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Kim 1 - cho biết: “Nước lũ lên khi đang học nên chúng tôi kịp thời huy động giáo viên cho các em học sinh và chuyển đồ đạc lên tầng 2.
Tại khu vực trường học, mực nước lên hơn 1m nhưng ở khu nội trú của giáo viên ngập đến gần 2m. Do tập trung bảo vệ tài sản của nhà trường, đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh nên các thầy cô giáo cũng không kịp về nhà để cất đặt đồ đạc. Đặc biệt các thầy cô ở khu nội trú bị thiệt hại nặng nề”.
Vợ chồng thầy Phan Hùng Duyệt - giáo viên nội trú - mặc dù khu nội trú cách nơi làm việc 50m nhưng không về cứu tư trang mà cùng với các giáo viên hướng dẫn và quản lý học sinh, cứu tài sản nhà trường; một số giáo viên chèo xuồng đi mua bánh kẹo cho học sinh ăn trưa, và hầu hết các giáo viên phải nhịn đói vật lộn với cơn lũ dữ
.
Cô Cao Thị Thắm (quê Nghệ An) – (vợ thầy Duyệt) - rưng rưng chia sẻ: “Vợ chồng chúng em gắn bó với nhà trường biết bao năm nay, hầu hết tài sản tích cóp được giờ đây đều bị nước lũ nhấn chìm và cuốn trôi”.
Xả thân để đảm bảo an toàn cho thiết bị dạy học, an toàn cho học sinh khi nước lên; sau khi lũ rút lại bận rộn với khối lượng công việc ngổn ngang nên hình ảnh các giáo viên vùng lũ như cô Nguyễn Thị Chỉ, Võ Thị Cúc, Phùng Thị Nhung…(Trường Mầm non Sơn Giang - Hương Sơn) cùng hàng trăm giáo viên khác dù nhà ngập sâu hơn 1m nhưng đã gác lại chuyện gia đình, kịp thời có mặt tại trường để khắc phục hậu quả lũ lụt.
Ở Hương Khê cũng đã có 38 trường bị ngập, trong đó có 9 trường ngập sâu từ 1m trở lên. Thầy Trần Đình Hùng - Trưởng Phòng GD&ĐT Hương Khê - cho biết: “Ngay sau khi nước rút, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường nhanh chóng bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả sau lũ.
Cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng tình nguyện, các trường đã huy động toàn thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh đến trường, lau dọn bàn ghế, phòng học, nạo vét bùn đất, lượm lặt những thiết bị còn sót lại.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có điện, nguồn nước lau chùi không đảm bảo, vì vậy công tác khắc phục sẽ phải kéo dài trong nhiều ngày tới. Riêng các trường ở xã Phương Mỹ do ngập sâu, lại bị chia cắt nên còn rất khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất để học sinh trở lại trường học, đồng thời có kế hoạch dạy bù cho các em đảm bảo kịp chương trình”.
Ở Huyện Đức Thọ, 32 trường học ở các xã vùng trũng và vùng ngoài đê cũng đã bị ngập nước và chia cắt, nhiều trường ngập sâu gần 2m. Công tác khắc phục hậu quả bão lụt ở nơi đây gặp không ít khó khăn và vẫn chưa thể nói trước thời gian học sinh đến trường, bởi hiện tại nước lũ vẫn đang tiếp tục dâng.
Mưa lũ đi qua đã để lại nỗi xót xa không chỉ cho cuộc sống của người dân mà còn là những khó khăn chồng chất cho sự nghiệp dạy và học ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ. Hàng trăm gia đình giáo viên, hàng ngàn học sinh đang gặp khó khăn về nơi ăn, ở, sinh hoạt.
Hà Tĩnh vốn là một trong những địa phương có số lượng trường đạt chuẩn quốc gia đứng đầu cả nước, nhiều ngôi trường với cảnh quan “xanh, sạch, đẹp” trở thành những “công viên” cho địa phương, nhưng bây giờ tan hoang, xơ xác.
Hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê về sự thiệt hại, chỉ biết rằng dù đã có sự giúp đỡ của các lực lượng bộ đội, công an, phụ huynh, các khối đoàn thể trong công tác lau chùi dọn dẹp, khắc phục hậu quả trường lớp nhưng trong ngày đầu tuần tới còn có khoảng 40.000 học sinh vẫn chưa thể đến trường.
Đến thời điểm hiện tại hơn 62.000 học sinh ở tất cả các cấp học tại 227 trường (chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ) đã không thể đến trường.
Toàn bộ thiết bị của các nhà trường, nhất là các trường Mầm non như: chăn, màn, ga, gối, nệm, đồ dùng, đồ chơi của học sinh, thiết bị nghe, nhìn, bếp ăn… của các lớp bán trú đều bị trôi và vùi sâu trong bùn đất. Ngay sau khi nước rút, cán bộ, giáo viên phụ huynh tại các trường học đã bắt tay vào công tác dọn dẹp, khắc phục hậu quả |
Một số hình ảnh khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại các trường học Hà Tĩnh:
|
Bộ đội biên phòng giúp Trường Mầm non Sơn Kim 2 dọn dẹp bùn đất |
|
Sách vở, tài liệu của Trường Tiểu học Sơn Kim1 |
|
Thiết bị, đồ dùng của Trường Mầm non Sơn Kim 2 sau lũ |
|
Khu nội trú của giáo viên Trường Tiểu học Sơn Kim 1 |
|
Tài sản của Trường Mầm non Sơn Kim 2 |
|
Giáo viên Trường tiểu học Sơn Giang 2 đang vệ sinh trường lớp |
|
Trường Mầm non Sơn Giang sau cơn lũ đi qua |
Lý Trí - Thúy Ngọc
(Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)